| Hotline: 0983.970.780

Chơi khỏe, học chăm tại nhà

Thứ Bảy 11/04/2020 , 16:30 (GMT+7)

Để con cái sử dụng quỹ thời gian nghỉ học ở nhà tránh dịch Covid-19 hiệu quả nhưng không quên bài vở, nhiều phụ huynh áp dụng các giải pháp khác nhau.

Chị Lê Thị Vân (quận 1) hướng dẫn các con cùng ôn bài trong thời gian nghỉ dịch. Ảnh: Thùy Lâm.

Chị Lê Thị Vân (quận 1) hướng dẫn các con cùng ôn bài trong thời gian nghỉ dịch. Ảnh: Thùy Lâm.

Vừa để giúp con củng cố lại kiến thức để không quên khi trở lại trường trong những ngày gần nhất, mà không sa đà vào các trò giải trí vô bổ như chơi games, xem phim...

Ngay từ đầu mùa dịch, chị Lê Thị Vân (đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM) đều đặn mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6 “giao bài tập” cho con hai trai đang học lớp 1 và lớp 3. Cứ sau thời gian được cô giáo ôn bài qua mạng internet, các con chị bắt đầu khởi động với công việc quét nhà, sắp gọn đồ chơi cá nhân, gấp quần áo.

Và ăn trưa, nghỉ ngơi xong, các con chị Vân tiếp tục với đọc sách, truyện. Thời gian còn lại buổi chiều sẽ vận động, tập thể dục ngay tại sân thượng của gia đình. Buổi tối, sau giờ cơm hai con có thể chơi cờ vua, thử tài đoán chữ, hay hỏi bố mẹ những bài tập khó... 

Do hai vợ chồng chị Vân đều đi làm cả ngày nên bà nội sẽ tham gia hỗ trợ giám sát các con làm bài tập. “Nói là giám sát cũng không hẳn, mà là bà quan tâm nhắc nhở các cháu thực hiện nghiêm túc công việc ba mẹ giao. Tuổi còn nhỏ nên các cháu rất dễ lơ là.

Sau thời gian ngắn rèn luyện, các cháu đã vào nề nếp, không uể oải khi phải ở nhà quá lâu, qua đó còn biết cách làm việc nhà mà không quên kiến thức. Tránh áp lực, thứ 7, Chủ nhật, tôi để hai cháu vui chơi tự do nên việc hợp tác hết sức hiệu quả”, chị Vân tâm sự.

Chơi cùng con. Ảnh: Thùy Lâm.

Chơi cùng con. Ảnh: Thùy Lâm.

Vốn là nhà giáo, ý thức được giá trị đọc sách, báo sẽ giúp trẻ trau dồi từ ngữ, kiến thức, rèn luyện tư duy logic, chị Nguyễn Thu Trang (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) đã nhanh chóng tận dụng “kỳ nghỉ dài ngày” để xây dựng thói quen đọc cho các con.

Bằng việc mua nhiều sách, truyện văn học phù hợp độ tuổi, chị khuyến khích con đọc nhiều hơn thay vì dán mắt vào tivi. Để con đọc sách hiệu quả, chị Trang đã ra điều kiện tóm tắt lại nội dung và nói lên cảm nghĩ sau khi con đọc xong một câu chuyện. Phần thưởng sẽ là nửa giờ đồng hồ xem tivi hoặc dùng điện thoại mỗi tối và được đề nghị mẹ nấu cho món ăn yêu thích vào 2 ngày cuối tuần.

“Đưa ra phần thưởng, cháu rất thích và chịu khó đọc nhiều hơn. Như vậy, thay vì để con tự tìm niềm vui trong những ngày ở nhà tránh dịch, sa đà vào các giải trí vô bổ và dễ bị mệt mỏi thì khuyến khích con đọc sách nhiều hơn là việc ba mẹ nên làm”, chị Trang chia sẻ.

Tự học online bằng các ứng dụng học tập hiện đại giúp trẻ giải quyết những khó khăn khi học tại nhà bằng những phương pháp dạy và học thông minh nhất. Ảnh: Thùy Lâm.

Tự học online bằng các ứng dụng học tập hiện đại giúp trẻ giải quyết những khó khăn khi học tại nhà bằng những phương pháp dạy và học thông minh nhất. Ảnh: Thùy Lâm.

So với chị Thu Vân, chị Trang, thì con trai chị Lệ Quyên (ngụ quận 4, TP.HCM) năm nay học lớp 8 nên đã ý thức được việc tự học, không cần ba mẹ nhắc nhở.

Tuy nhiên, hiểu được cảm giác học ở nhà một mình trong thời gian dài cũng nhàm chán, không hiệu quả bằng học trên lớp có cô giáo, bạn bè nên mỗi buổi tối, chị Lam thường tranh thủ buổi tối để giao tiếp tiếng Anh với con. 

Xoay quanh những chủ đề diễn ra hàng ngày như dịch bệnh Covid-19, thời tiết, giao thông, ăn uống…, hai mẹ con chị Quyên luôn trao đổi sôi nổi.

Chị bật mí: “Thường xuyên giao tiếp là cách nâng cao kỹ năng nói ngoại ngữ. May mắn tôi nói được tiếng Anh nên cố gắng giao tiếp với con nhiều hơn. Mặt khác, tôi cũng mua ứng dụng để con có thể tự học ở nhà mà không bị nhàm chán với các bài tập được xây dựng công phu, đẹp mắt".

Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên dạy tiểu học Trường TAS (The American School, Quận 2, TP.HCM) chia sẻ, "xây dựng thời khóa biểu học tập, giải trí khoa học, hợp lý cho các con là điều rất cần thiết mà phụ huynh nên làm để trẻ không nhàm chán, chây lười, quên bài vở. Tạo việc làm nhẹ nhàng để trẻ vận động, rèn kỹ năng hoặc mua sách và giao cho con đọc vào những lúc rảnh rỗi.

Cuối ngày, phụ huynh nên hỏi và thảo luận về cuốn sách hoặc báo đã giao cho con đọc. Đặc biệt không mở tivi hay các trò chơi điện tử vào ban ngày để tránh lôi cuốn trẻ”.

Giúp trẻ học tập qua mạng internet đạt hiệu quả cần có sự giám sát của phụ huynh. Ảnh: Thùy Lâm.

Giúp trẻ học tập qua mạng internet đạt hiệu quả cần có sự giám sát của phụ huynh. Ảnh: Thùy Lâm.

Đối với việc giáo viên tổ chức giảng dạy, ôn tập và giao bài tập về nhà cho học sinh qua mạng internet, “phụ huynh phải phối hợp giám sát và lập kế hoạch cho con tự học theo hướng dẫn của giáo viên. Trước hết, yêu cầu trẻ cần hoàn thành nhiệm vụ mà giáo viên giao”, cô Hồng cho hay.

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Buông bỏ những nỗi đau để tìm lại hạnh phúc

Khi ta học cách buông bỏ những đau thương trong quá khứ, chúng ta mới thực sự có thể mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp.

Lòng bao dung thắp lại ngọn lửa ấm hôn nhân

Lòng bao dung giúp con người gần gũi con người, và lòng bao dung cũng giống như thần dược có thể chữa lành nỗi đau và gắn kết hạnh phúc gia đình.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất