| Hotline: 0983.970.780

Giáo viên nói gì về việc dạy và học online?

Thứ Tư 26/02/2020 , 19:15 (GMT+7)

“Việc dạy online hay dạy qua kênh truyền hình chỉ là tình huống ứng phó tạm thời và manh mún thiếu đồng bộ trên cả nước", cô giáo Phạm Thái Lê bày tỏ quan điểm.

Các trường dừng hoạt động vì dịch Covid-19, học sinh đã được ôn tập bằng phương pháp online. Ảnh minh họa.

Các trường dừng hoạt động vì dịch Covid-19, học sinh đã được ôn tập bằng phương pháp online. Ảnh minh họa.

Ổn định tâm lý học sinh kết hợp học online

“Dù là nghỉ không dạy trực tiếp nhưng giáo viên chúng tôi vẫn phải soạn bài, giao bài cho học sinh và kiểm tra hàng ngày nên công việc chỉ là chuyển từ trực tiếp sang hình thức khác. Hàng ngày các giáo viên vẫn hoạt động nhóm do tổ chuyên môn, khối chủ nhiệm và trường quản lí”, cô Nguyễn Thiên Nga, giáo viên môn Hóa Học, chủ nhiệm một lớp 12 trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), trao đổi với PV báo NNVN.

"Dịch bệnh xảy ra trước tiên ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của tất cả mọi người, sau đó sẽ ảnh hưởng nhiều tới tâm lí của học sinh, nhất là học sinh cuối cấp chuẩn bị kì thi THPT Quốc gia sắp tới”, cô nói. 

Theo cô Nga, thời gian này việc quan trọng nhất là ổn định tâm lí cho các em và hướng dẫn các em tự học, kết hợp học online.

Ngay tuần đầu tiên khi có thông báo học sinh nghỉ 1 tuần vì dịch Covid-19 phụ huynh và các giáo viên chủ nhiệm như cô Nga đã cùng nhau trao đổi xem phương án nào là tốt nhất. Cô đã đưa ra phương án hàng ngày sẽ quán xuyến giờ giấc học của các em và riêng môn Hoá sẽ có học online. Phụ huynh rất đồng tình vì sợ học sinh nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng tới kiến thức.

“Tôi sử dụng Mesenger lập nhóm từ trước tết để trao đổi thông tin cho cả lớp; giao các em kế hoạch học trong tuần. Hàng ngày tôi yêu cầu các em vào học từ 8h30 - 11h15 và 14h30 - 17h và được các em ủng hộ.

Tôi giám sát giờ học, thông báo cho học sinh kế hoạch học trong ngày, giao bài làm, học sinh làm xong cuối buổi chụp ảnh bài làm, sau khi cả lớp nộp đủ bài thì tôi gửi đáp án, lời giải. Bài nào không hiểu học sinh sẽ trao đổi trực tiếp luôn. Tôi thấy cách làm này khá hiệu quả”, cô Nguyễn Thiên Nga nhận định.

Với cương vị là một phụ huynh, cô Nga cũng phần nào cảm thấy yên tâm khi TP Hà Nội quyết định cho học sinh nghỉ để khi tình hình ổn định các con đi học sẽ tốt hơn.

“Giờ tôi chỉ mong tình hình sớm ổn định để cuộc sống và học sinh trở về bình thường. Khi TP Hà Nội quyết định cho học sinh đi học trở lại thì việc tuyên truyền ý thức giữ vệ sinh cá nhân, bảo vệ sức khoẻ cá nhân là rất quan trọng, chúng tôi sẽ cố gắng làm được điều đó", cô Nga bày tỏ.

Có nên cắt bớt chương trình học?

Trước việc học sinh phải nghỉ học ở nhà, các địa phương đã loay hoay tìm cách ứng phó như TP.HCM dạy ôn tập qua kênh truyền hình; một số địa phương tiến hành học online; giao bài tập đến trò, gửi đáp án và cách giải để trò tự học...

Theo cô Phạm Thái Lê, giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Marie Curie (Hà Nội), tất cả những phương án trên chỉ là đối phó tình thế, thiếu chất lượng, co kéo để phụ huynh yên tâm, thầy trò có việc để làm.

Cô Phạm Thái Lê, giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Phạm Thái Lê, giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Để có lời giải cho bài toán trước mắt, chấm dứt thực trạng bị động ấy, cô Phạm Thái Lê đã có những kiến nghị, đề xuất tới Bộ Giáo dục và Đào tạo việc cắt bớt chương trình học ở tất cả các môn, các khối từ lớp 1 đến lớp 12 với các phương án linh hoạt: Nếu học sinh đi học lại vào 2/3 hay 16/3 hay 23/3... thì phải có khung chương trình tương ứng theo từng mốc thời gian.

Lí giải về những kiến nghị trên, cô Lê nói:

Năm học kết thúc vào 30/6/2020 là hợp lí, không nên kéo dài thêm, gây căng thẳng cho năm học này kéo theo tâm lí không tốt tới năm học sau. Năm học không đủ thời lượng thì phải giảm bớt số lượng chương trình.

Việc cắt bớt một số bài (trong chương trình vốn đã nặng và ôm đồm) thì cũng không ảnh hưởng gì lớn đến quá trình học tập lâu dài và sự phát triển của một học sinh.

Không nên đẩy thầy và trò vào tình trạng co kéo cho đủ tiết đủ bài, chỉ đảm bảo về lượng mà không đảm bảo về chất.

Về lâu dài việc xây dựng khung chương trình cần có độ "co-giãn" linh hoạt hơn nữa để chủ động trước những tình huống bất khả kháng như dịch Covid-19. Hiện nay, quỹ thời gian mỗi năm học có 2 tuần dự trữ thế nhưng trước tình huống lẹm quỹ, quá 2 tuần thì sẽ được phép cắt giảm những phần nào của chương trình học.

“Việc nghỉ học là không ai mong muốn, nhất là trong tâm trạng bất an vì dịch. Lo cho mình, cho trò, lo suy thoái kinh tế, không biết bao giờ được trở lại trường, lo không biết làm cách nào để bù chương trình một cách tốt nhất, lo cho tâm lí của trò khi trở lại học, nhất là các trò cuối cấp", cô Phạm Thái Lê bày tỏ.

“Việc dạy online hay dạy qua kênh truyền hình như TP Hồ Chí Minh chỉ là tình huống ứng phó tạm thời và manh mún thiếu đồng bộ trên cả nước. Dạy qua truyền hình thì phổ rộng vì hầu như gia đình nào cũng có Tivi nhưng chỉ đơn chiều truyền thụ mà không có tương tác.

Học online thì có tương tác nhưng chỉ có hiệu quả với những học sinh thực sự tự giác và ham học, mà theo tôi tỉ lệ này không nhiều. Mặt khác không phải địa phương nào, cơ sở giáo dục nào cũng có thể tiến hành dạy online. Số lượng học sinh tham gia học online có tỉ lệ không cao”, cô Phạm Thái Lê chia sẻ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.