| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL chống xâm nhập mặn: Khép kín hệ thống thủy lợi để tích thủy

Thứ Hai 19/02/2024 , 06:45 (GMT+7)

Tỉnh Cà Mau đã và đang tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo khép kín toàn vùng, giúp sản xuất nông nghiệp giữ vững hiệu quả trong mùa hạn mặn.

Mô hình lúa - tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn mặn đang được nhân rộng tại vùng bán đảo Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình lúa - tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn mặn đang được nhân rộng tại vùng bán đảo Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Khép kín hạ tầng thủy lợi

Biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân ĐBSCL, nhất là nước sạch nông thôn. Vùng bán đảo Cà Mau là khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, bình quân nước biển dâng cao trung bình khoảng 10cm/năm tại khu vực này.

Theo đó, diện tích sản xuất lúa của nông dân tại các vùng ngọt bị ảnh hưởng rất lớn, diện tích ngày càng thu hẹp dần. Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực đã quy hoạch chuyển đổi sản xuất. Trong đó, diện tích sản xuất lúa không hiệu quả được chuyển sang nuôi tôm hoặc sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Tại tỉnh Cà Mau, ngành nông nghiệp đã xây dựng nhiều giải pháp như dự trữ, sử dụng nguồn nước mưa, khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Với hệ thống thuỷ lợi các tiểu vùng được đầu tư khép kín, cùng với kế hoạch vận hành hợp lý, đã mang lại nhiều hiệu quả, giúp người dân an tâm sản xuất, tăng thu nhập.

Theo quy hoạch hệ thống thủy lợi, tỉnh Cà Mau được chia làm 2 vùng, bao gồm vùng bắc Cà Mau (được chia làm 5 tiểu vùng), thuộc hệ sinh thái ngọt với tổng diện tích 204.000ha và vùng nam Cà Mau (được chia làm 18 tiểu vùng), thuộc hệ sinh thái mặn - lợ với tổng diện tích 314.000ha.

Các hạng mục xây dựng, khép kín hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang được đẩy mạnh triển khai. Ảnh: Trọng Linh.

Các hạng mục xây dựng, khép kín hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang được đẩy mạnh triển khai. Ảnh: Trọng Linh.

Đến thời điểm này, vùng bắc Cà Mau đã đầu tư hoàn chỉnh được tiểu vùng 2 và 3; vùng nam Cà Mau đầu tư được các tiểu vùng 2, 3, 5, 10, 17, 18, còn lại các tiểu vùng khác của 2 vùng chỉ đầu tư bờ bao tiểu vùng là chính (chưa khép kín). Cách làm này đã đem lại hiệu quả. Tại địa bàn xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) 2 năm trở lại đây nông dân phấn khởi khi thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm trúng mùa, được giá.

Ông Nguyễn Việt Khái, Chủ tịch UBND xã Lợi An cho biết, những năm trước, khi hệ thống thuỷ lợi chưa khép kín, vụ lúa trên đất nuôi tôm thường bấp bênh, đa phần thiếu nước ngọt vào thời điểm cuối vụ, dẫn đến lúa không đạt hiệu quả, có năm còn thất trắng. Tuy nhiên 2 năm gần đây, vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt nhiều hiệu quả do hệ thống thuỷ lợi được đầu tư khép kín. Diện tích sản xuất lúa tôm cũng ngày càng được mở rộng. Riêng vụ lúa - tôm năm 2023 người dân trên địa bàn xã xuống giống hơn 1.380ha, trong khi vụ trước xuống giống được 1.120ha. Hệ thống thuỷ lợi không chỉ giúp cho việc sản xuất lúa tôm hiệu quả mà còn hạn chế thiệt hại khi triều cường dâng cao.

Ông Trần Thái Bảo ở tiểu vùng XVII, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) chia sẻ, trước đây vào mùa khô, các kênh, sông đều khô cạn, không có nước phục vụ sản nông nghiệp. Đến nay, khi các cống thuỷ lợi được đầu tư hoàn thiện, đã hạn chế tình trạng nước dâng cao vào lúc triều cường giữa và cuối tháng, khô cạn khi vào mùa khô. Giờ hệ thống thủy lợi đã được khép kín, người dân cũng an tâm sản xuất.

Hiện nay, hệ thống thủy lợi các tiểu vùng II, III, V, X, XVII, XVIII, ô nuôi trồng thủy sản xã Tân Duyệt (nam Cà Mau) và tiểu vùng II, III (bắc Cà Mau) đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và đáp ứng nhu cầu tiêu úng, xổ phèn, ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất cho bà con nông dân trong vùng.

Dù vậy, do đặc thù Cà Mau là tỉnh không có nguồn nước ngọt bổ sung như các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL, do đó sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa là chính. Về tiêu nước, chủ yếu lợi dụng thủy triều, hệ thống cống làm nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, kênh mương làm nhiệm vụ dẫn và trữ nước để cấp bù một phần trong mùa. Lượng phù sa từ biển đưa vào hàng năm rất lớn làm bồi lắng các cửa cống đầu mối, hệ thống kênh, rạch bị bồi lắng liên tục nên phải thường xuyên đầu tư nạo vét...

Âu thuyền Ninh Quới giúp người dân kiểm soát mặn, giữ ngọt hiệu quả từ khi đưa vào hoạt động. Ảnh: Trọng Linh.

Âu thuyền Ninh Quới giúp người dân kiểm soát mặn, giữ ngọt hiệu quả từ khi đưa vào hoạt động. Ảnh: Trọng Linh.

Đầu tư đồng bộ

Nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, quản lý, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Trung tâm Quản lý Khai thác các công trình thuỷ lợi Cà Mau (Sở NN-PTNT Cà Mau) cho biết, hàng năm đơn vị đều triển khai công tác đầu tư nạo vét, duy tu, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Đồng thời, đơn vị thường xuyên kiểm tra, bồi trúc các đê bao, bờ bao xung yếu, xuống cấp; các cống, đập bị hư hỏng, khắc phục kịp thời phục vụ sản xuất. Đồng thời theo dõi, kiểm tra, quan trắc mực nước, độ mặn, đặc biệt là vùng ngọt hóa của tỉnh để chủ động trong công tác vận hành khai thác các cống đạt hiệu quả. Song song đó, xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Trung tâm với các địa phương trong công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi. Từ đó, công tác ngăn mặn, điều tiết nguồn nước chủ động hơn.

Qua thực tế vận hành, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý Khai thác các công trình thuỷ lợi Cà Mau cho biết, cần tập trung vào các tiểu vùng bức xúc và đang đầu tư dở dang chưa khép kín.

Bên cạnh đó, khi đầu tư xây dựng công trình, cần lựa chọn loại cống phù hợp với từng vùng, tiểu vùng để tránh hiện tượng khi đưa vào sử dụng gây xói lở mang cống và rò rỉ mặn qua cống. Đồng thời, quá trình xây dựng phải đi kèm các hạng mục phụ trợ như cầu công tác khe phai, phai phụ và nhà quản lý cống… để công tác quản lý vận hành đạt hiệu quả.

Ông Nam đánh giá, để đảm bảo công tác ngăn hạn mặn, chống tràn, tỉnh Cà Mau đã chủ động nâng cấp, sửa chữa bờ bao. Đến nay, hệ thống kênh mương toàn tỉnh đã được thông thoáng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hồ chứa nước ngọt 113.000m3 tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đang gấp rút thi công để phục vụ trữ nước ngọt. Ảnh: Trọng Linh.

Hồ chứa nước ngọt 113.000m3 tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đang gấp rút thi công để phục vụ trữ nước ngọt. Ảnh: Trọng Linh.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư duy tu, sửa chữa bờ bao để đảm bảo công tác ngăn triều cường, xâm nhập mặn đối với vùng nam Cà Mau. Đồng thời, ngăn mặn, chống tràn đối với vùng ngọt, đặc biệt tại huyện Trần Văn Thời. 

Thực tế hiện nay hệ thống thủy lợi của tỉnh Cà Mau còn nhiều điểm hở, chỉ khi được đầu tư khép kín mới có thể mang lại hiệu quả vận hành, khai thác. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư nhiều công trình thủy lợi trọng điểm, tuy nhiên nguồn vốn có hạn, đầu tư dàn trải, chưa làm đến nơi đến chốn, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, vùng nam Cà Mau có 18 tiểu vùng, nhưng mới chỉ khép kín được 4 tiểu vùng gồm tiểu vùng 2, 3, 5 và 10. Còn lại tiểu vùng 17, 18 chỉ mới đầu tư tương đối, chưa được khép kín.

Đối với bắc Cà Mau có 5 tiểu vùng, mới chỉ đầu tư khép kín được 2 tiểu vùng thuộc vùng ngọt hóa của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Riêng tiểu vùng thuộc huyện Trần Văn Thời đã tiến hành xây dựng một số ô thủy lợi bên trong, kết hợp với các trạm bơm, đập đảm bảo khép kín 16 ô thủy lợi. Nhờ đó, người dân sản xuất trong tiểu vùng 3 rất chủ động từ nguồn nước đến mùa vụ, đặc biệt tránh tình trạng thiếu nước vào cuối vụ như trước đây.

“Trước đây, người dân sản xuất theo tập quán, sản xuất lúa vào vụ 2 thì phải chờ đến tháng 10 âm lịch mới tiến hành gieo sạ. Nhưng từ khi các ô thủy lợi được đầu tư xây dựng, người dân có thể chủ động gieo sạ trước, không phải đợi đến tháng 10 mới gieo sạ như trước đây", ông Trần Quốc Nam cho biết.

Để việc đầu tư hệ thống thủy lợi đem lại hiệu quả cao, quan điểm của ông Nam là phải đầu tư khép kín tập trung, không chỉ ở góc độ tiểu vùng, mà bên trong đó cũng cần tiến hành quy hoạch, lập dự án cụ thể. Đơn cử, trong tiểu vùng có bao nhiêu ô thủy lợi, phải quy hoạch rõ ô, khu vực nào phục vụ cho một vụ lúa trên đất nuôi tôm, khu nào chuyên trồng lúa, nuôi tôm… Từ đó mới có thể chủ động việc sản xuất cho từng khu, tiểu vùng.

Khi hệ thống thủy lợi được đầu tư khép kín với tiểu vùng vài chục ngàn ha, cần đầu tư thêm các hệ thống cống, bờ bao bên ngoài, bên trong đan xen. Do đó, việc lập dự án đầu tư các ô thủy lợi cần cụ thể.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.