Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường gây thiệt hại về tài sản và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân. Đặc biệt bờ biển đang có nhiều đoạn tiếp tục bị sạt lở rất nghiêm trọng, làm mất đai rừng phòng hộ ven biển.
Cà Mau còn nhiều điểm sạt lở nguy hiểm. |
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây, Quyết định số:1278/QĐ-UBND ngày 04/08/2019 và Quyết định số: 1598/QĐ-UBND ngày 19/9/2019 về tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết: Tính đến hết quý III năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 156 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài 227.907m.
Trong đó, có 107 vị trí sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài gần 160.223, và 49 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài 67.684m.
Ngoài ra, có 19 điểm sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 33.047m (trong đó, bờ biển Tây 7.547m, bờ biển Đông 25.500m).
Công trình khắc phục sạt lở tại đê biển Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). |
Hiện tại, với 156 điểm sạt lở nguy hiểm và rất nguy hiểm, trong đó đã cắm biển cảnh báo được 103/156 điểm (từ nguồn quỹ PCTT-TKCN tỉnh), còn lại 53 điểm chưa cắm biển cảnh báo, các vị trí sạt lở này có khả năng đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương cắm biển cảnh báo tại 53 vị trí sạt lở nói trên.