| Hotline: 0983.970.780

Báo động nhiều 'điểm nóng' sạt lở bờ sông, biển

Thứ Tư 13/11/2019 , 08:36 (GMT+7)

Trong năm 2019 nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đe dọa đến đời sống, sinh kế của hàng trăm hộ dân.

18-09-48_thu_truong_bo_nn-ptnt_nguyen_hong_hiep_cung_don_cong_tc_kiem_tr_vung_st_lo_-_nh_hd
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác kiểm tra vùng sạt lở. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đã có nhiều giải pháp cấp bách của chính quyền địa phương nhằm đối phó với sạt lở, nhưng hiện nay nhiều điểm nóng sạt lở vẫn xảy ra khiến người dân âu lo, mất ăn mất ngủ.
 

Điểm nóng sạt lở

Mới đây trong chuyến công tác tại các tỉnh vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn cán bộ Tổng cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đến thị sát nhiều điểm nóng sạt lở xảy ra cách đây không lâu.

Điểm nóng sạt lở nguy hiểm gần đây nhất xảy ra bên bờ sông Rạch Vọp, đoạn qua Cầu Lộ thuộc xã An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có chiều dài 230m làm 9 căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông và hiện còn 16 căn nhà và khu vực chợ cầu lộ đang nằm trong tình trạng nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã đến thăm hỏi, động viên các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực vừa xảy ra sụp lở nhà cửa. Thứ trưởng đã cùng với lãnh đạo địa phương trao đổi, phân tích nguyên nhân, xem xét các phương án xử lý tình huống trước mắt, chỉ đạo các giải pháp tiếp theo nhằm tránh hiểm họa có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào, giúp người dân an cư, ổn định cuộc sống lâu dài.

Vừa qua tình trạng sạt lở bên bờ sông Hậu, sông Saintard, rạch Mọp đoạn qua khu vực thị trấn Đại Ngãi, xã Long Đức và xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) để lại những hậu quả đáng lo ngại, với chiều dài sạt lở 990m. Tại các khu vực trên có 270 hộ dân, cơ sở hạ tầng trong đó có trụ sở Đảng Ủy, UBND thị trấn Đại Ngãi, chợ, đường giao thông bị sạt lở uy hiếp.

Trong khi đó, diễn tiến sạt lở bờ biển Đông đặc biệt nguy hiểm với chiều dài khoảng 6.000m, từ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4, xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Trong đó đoạn từ cống số 2 đến cống số 4 thuộc xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu với chiều dài 3.000m hiện có nguy cơ sạt lở đặc biệt cao. Riêng đoạn sạt lở từ giáp ranh Bạc Liêu đến cống số 2, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu có chiều dài 3.000 m.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã phát sinh thêm 16 điểm sạt lở mới tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Tứ, Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu và TP Sóc Trăng với tổng chiều dài trên 1.800m, làm thiệt hại hoàn toàn 16 căn nhà bán kiên cố, sạt lở trên 1km đường giao thông, điện hạ thế.
 

Giải pháp tình thế

Gần đây nạn sạt lở bờ sông và ven biển không còn theo quy luật chỉ diễn ra vào mùa lũ dâng cao hay mùa kiệt nước sông rút thấp. Nhiều nguyên nhân đã được các nhà khoa học thủy lợi phân tích. Trước tình hình liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, cộng với có hàng trăm vụ sạt lở nhỏ xảy ra khắp các tuyến kênh, rạch…, chính quyền cùng nhân dân phải tự tìm cách khắc phục tạm thời như lấy thân dừa, cừ tràm đóng cọc làm kè ngăn chặn sạt lở.

Vào giữa tháng 9/2019 tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn tỉnh, nhất là các điểm nóng như Sông Rạch Vọp, đoạn qua Cầu Lộ thuộc xã An Hội, huyện Kế Sách, sông Hậu, sông Saintard, rạch Mọp (đoạn qua khu vực thị trấn Đại Ngãi, xã Long Đức, xã Song Phụng, huyện Long Phú) và khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm (đoạn từ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4 thuộc 2 xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Thị xã Vĩnh Châu). Đồng thời công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp bờ sông tại các huyện Mỹ Xuyên, Long Phú, Cù Lao Dung, Kế Sách, Vĩnh Châu và TP Sóc Trăng.

18-09-48_st_lo_bo_song_rch_vop_lm_9_cn_nh_do_sup_hon_ton_xuong_song_-_nh_hd
Sạt lở bờ sông Rạch Vọp làm 9 căn nhà đổ sụp hoàn toàn xuống sông. Ảnh: Hữu Đức.

Hiện nay tất cả các điểm nóng cảnh báo sạt lở ở Sóc Trăng đã được cơ quan chuyên trách phòng chống lụt bão và chính quyền khoanh vùng cắm biển cảnh báo để người dân hạn chế ở và đi vào các khu vực này. Tỉnh khuyến cáo người dân di dời đến nơi an toàn để bảo toàn tính tính mạng và tài sản, chỉ đạo các địa phương vận động người dân ra khỏi vùng sạt lở.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã trích Quỹ phòng chống thiên tai hỗ trợ cho các hộ sạt lở bị thiệt hại 15-20 triệu đồng/hộ để sớm ổn định chỗ ở. Sắp tới tỉnh dự kiến cấp kinh phí khoảng 25 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ các địa phương gia cố khẩn cấp các điểm sạt lở và di dời khoảng 21 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở đến nơi an toàn.

Tuy nhiên trong tình hình nguồn ngân sách địa phương khó khăn, tỉnh Sóc Trăng hiện còn khá nhiều các khu vực sạt lở nguy cấp đe dọa các khu đông dân cư, khu có công trình hạ tầng quan trọng cần Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí gần 570 tỷ đồng để gia cố các vùng sạt lở và di dời dân cư khẩn cấp.

18-09-48_thu_truong_bo_nn-ptnt_nguyen_hong_hiep_-_nh_hdThứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp

Vừa qua, tại Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị và quyết định nhiều giải pháp về phòng chống sạt lở ở vùng ĐBSCL và dành nguồn kinh phí hơn 3.400 tỷ đồng để xử lý cấp bách cho các khu vực sạt lở bờ biển, bờ sông.

Đối với những điểm sạt lở cấp bách có các tiêu chí, như khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các khu vực an ninh quốc phòng và kể cả khu vực bờ biển sạt lở làm mất đi nhiều đất đai. Với nguồn ngân sách trên của Chính phủ sẽ dành vốn ưu tiên giải quyết các điểm sạt lở cấp bách.

Tuy nhiên để giải guyết tất cả các điểm sạt lở vùng ĐBSCL cần có nghiên cứu và quy hoạch tổng thể đã được phân tích theo từng nguyên nhân. Sạt lở có thể do từ thượng nguồn sông Mekong làm phù sa ít đi, dòng chảy thay đổi. Do nguyên nhân từ phía biển, nước biển dâng tác động làm sụp lún cũng tạo ra sạt lở.

Nhưng nguyên nhân đáng kể là do nội tại, như các hoạt động về kinh tế, do công trình xây dựng, do tác động con người không theo quy hoạch cùng với việc khai thác cát sỏi… Khi chúng ta đã giải quyết xong các điểm sạt lở cấp bách đến năm 2020 thì vẫn có thể còn phát sinh thêm điểm cấp bách khác. Nếu xảy ra điểm cấp bách mới, Trung ương và địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục, trong đó địa phương đóng vai trò chủ yếu.

Hiện nay Bộ NN-PTNT đang tính toán quy hoạch tổng thể về phòng chống thiên tai và thủy lợi cho vùng ĐBSCL, trong đó bao gồm quy hoạch tổng thể chung về phòng chống sạt lở. Lúc đó sẽ có khuyến cáo chung khu vực nào thuộc tỉnh nào được phép xây dựng và các dự án sắp xếp lại toàn bộ khu dân cư sinh sống ven bờ sông.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).