| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL lên kịch bản phòng chống hạn mặn

Thứ Ba 19/03/2019 , 09:05 (GMT+7)

Các tỉnh ĐBSCL đang đưa ra nhiều kế hoạch và biện pháp công trình, phi công trình để phục vụ sinh hoạt và SX nông nghiệp trong mùa khô này.

Vụ HT 2019, Vĩnh Long có kế hoạch xuống giống 53.000 ha lúa và gần 20.000 ha cây màu. Ngay từ cuối tháng 12/2018, tỉnh đã có kế hoạch ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 30.000 ha lúa HT, hơn 3.200 ha rau màu ở các huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn là Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít. Đặc biệt, chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hơn 62.000 hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, hộ ở trong nội đồng xa kênh rạch lớn gặp khó khăn do nguồn nước bị cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn.

15-59-36_nh_1_cc_di_phuong_o_dbscl_chu_dong_no_vet_kenh_muon_dm_bo_nuoc_tuoi_tieu_trong_mu_kho
Các địa phương ở ĐBSCL chủ động nạo vét kênh mương đảm bảo nước tưới tiêu trong mùa khô

Ông Hà Thành Thặng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long, cho biết, đã dự phòng 3 kịch bản hạn và mặn xảy ra trên địa bàn tỉnh với cấp độ ảnh hưởng tăng dần cùng với các giải pháp ứng phó, trong đó sẽ xử lý 78 công trình thủy lợi (nạo vét kênh tạo nguồn, kênh rạch nội đồng và tu sửa cống) và hỗ trợ bơm tát với kinh phí 53 tỷ đồng. Tổng vốn cần có để thực hiện kế hoạch chống hạn và xâm nhập mặn toàn tỉnh năm nay ước tính khoảng 115 tỷ đồng.

Tại Trà Vinh, ông Lê Quang Răng, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết toàn tỉnh tập trung nạo vét hệ thống kênh chính cấp 2, đồng thời các cửa cống được thường xuyên kiểm tra, vận hành chặt chẽ. Đối với vùng canh tác cây ăn trái như Càng Long, Cầu Kè thì chủ yếu cải tạo, nạo vét kênh cấp 2 tạo nguồn dẫn nước. Đối với ven biển như Duyên Hải, Cầu Ngang, chủ động ứng phó thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Khi khô hạn, mặn xâm nhập xảy ra, tỉnh sẽ cho đóng các cống và phối hợp, lấy nước ngọt từ cống Cái Hốp ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Tại An Giang, thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh này có 146 công trình kênh mương gặp khó trong việc lấy nước tưới tiêu cho cây trồng kéo dài hơn 320.000m. Tỉnh sẽ triển khai đắp 20 đập tạm để dự phòng ở huyện Thoại Sơn và Tri Tôn khi bị xâm nhập mặn sâu vào nội đồng từ các nhánh sông giáp với Kiên Giang để bảo vệ gần 7.500ha SX nông nghiệp. Riêng 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên dự kiến bơm nước cứu lúa khoảng 4.256ha.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh chủ trương giảm bớt diện tích lúa HT và tăng cường sang trồng các loại cây trồng cạn để giảm việc sử dụng nước. Bên cạnh đó xây hồ trữ nước ở vùng núi và cả đồng bằng, tận dụng tích nước trong những tháng mưa. Ngoài ra khuyến cáo sử dụng tưới tiết kiệm trong SX nông nghiệp vừa mang lại hiệu quả mà giảm chi phí.

Đồng Tháp là một trong những tỉnh trọng điểm nông nghiệp của khu vực ĐBSCL. Tình hình nắng nóng, khô hạn khiến các kênh tạo nguồn và nội đồng cạn kiệt, ảnh hưởng rất lớn cho việc gieo trồng, SX nông nghiệp nhất là vụ lúa HT đang triển khai xuống giống.

15-59-36_nh_2_bom_nuoc_vo_dong_ruong_de_sx_vu_lu_ht_2019_o_dbscl
Bơm nước vào đồng ruộng để SX vụ lúa HT 2019 ở ĐBSCL

Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, qua rà soát toàn tỉnh có 21 công trình cạn kiệt cần nạo vét cấp bách với chiều dài 105,67 km; dự kiến khối lượng cần nạo vét là 1.632.345 m3.

Tại Kiên Giang nhằm tránh hạn mặn gây ảnh hưởng đến SX, các địa phương đang tập trung gia cố đê bao, đắp hàng loạt đập tạm, đóng tất cả các cửa cống trên tuyến đê ven biển…

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang, vụ lúa HT 2019, tỉnh có kế hoạch xuống giống 280.000 ha, gieo sạ tập trung né rầy, đợt sớm nhất sẽ bắt đầu vào cuối tháng 3 này. Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho SX, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tổ chức quản lý vận hành tốt việc đóng mở hệ thống cống ven biển để ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết hợp lý giữa các vùng chuyên lúa, chuyên tôm, tôm - lúa theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất, từng khu vực… Phối hợp với các huyện chỉ đạo rà soát lại các hệ thống công trình cống, đập, chỉ đạo nạo vét kênh mương trữ nước khi cần thiết. Theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô, nhất là các đợt nắng hạn kéo dài để kịp thời thông báo cho địa phương và nhân dân chủ động ứng phó.

Các khu vực ven biển, ven sông Cái Lớn, Cái Bé ảnh hưởng hạn mặn, các huyện phải chỉ đạo khảo sát khoanh vùng để có giải pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất. Ưu tiên bố trí phù hợp nguồn vốn thủy lợi phí, vốn Nghị định 35 để thi công các công trình thủy lợi có yêu cầu cấp bách cho sản SX và sinh hoạt. Vận động địa phương nạo vét kênh mương tích trữ nước ngọt, gia cố bờ bao, cống đập chủ động bơm tưới gieo sạ đồng loạt theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo.

Theo Chi cục Thủy Lợi Kiên Giang, đến nay các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành gia cố, đắp mới được 48/66 đập ngăn mặn, còn lại 18 đập, gồm Gò Quao 17 và Hòn Đất 1 đập, các địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến xâm nhập mặn để kịp thời triển khai khi cần thiết.

15-59-36_nh_4_thuc_hien_dp_dp_tm_ngn_mn_xm_nhp_su_vo_noi_dong_trong_mu_kho
Thực hiện đấp đập tạm ngăn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong mùa khô

Tại Hậu Giang, độ mặn được dự báo đang tăng cao bất thường chỉ trong thời gian ngắn. Cụ thể, nồng độ mặn đo được tại kênh Ngã ba Nước Trong, cống Kênh Lầu, cống Ba Cô đang ở mức từ 5,9-7,5%, so với cùng kỳ nồng độ mặn năm nay cao hơn từ 3-4%o và tăng cao đột ngột, có ngày độ mặn chênh lệch so với hôm trước đến 2%o.

Trước tình hình trên, ngành Thủy lợi chỉ đạo cán bộ tăng cường công tác kiểm tra nồng độ mặn và hệ thống cống, đập, để phát hiện kịp thời, khắc phục các sự cố nước mặn rò rỉ hoặc tràn từ các sông lớn vào các kênh, rạch. Tại các trạm sẽ tiến hành quan trắc độ mặn 2 lần một ngày để có kế hoạch đóng và mở cống hợp lý theo kế hoạch phòng chống hạn, mặn của tỉnh, vừa đảm bảo lưu thông đường thủy của người dân, vừa trữ được nước ngọt phục vụ sản xuất và đẩy nước mặn ra khỏi các kênh mương nội đồng.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất