Tại đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM", Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đưa ra mục tiêu cấm xe máy ở khu trung tâm thành phố vào năm 2030.
Cụ thể, xe máy sẽ không còn là phương tiện giao thông hợp pháp ở quận 1, quận 3, quận 5 và quận 10. Đề án hoàn toàn chính xác khi chỉ ra bốn quận có đông dân cư và tập trung nhiều cơ sở thương mại dịch vụ, nhưng liệu quá trình cấm xe máy có khả thi không? Người dân ở các quận khác không được đi xe máy vào bốn quận nói trên, và người dân có hộ khẩu ở bốn quận nói trên vẫn có thể sở hữu xe máy để di chuyển tại các quận khác? Nghĩa là xe máy không chen chúc ở quận 1 và quận 3 thì chen chúc ở quận 2 và quận 4, xe máy không gây ách tắc ở quận 5 và quận 10 thì gây ách tắc ở quận 6 và quận 11? Giải quyết xe máy cũng giống như thoát nước, múc chỗ nọ đổ sang chỗ kia chăng?
Xe máy không được khuyến khích và phổ biến ở những quốc gia văn minh. Tuy nhiên, xe máy lại đắc dụng với mô hình đô thị Việt Nam quá nhiều ngõ ngách. Mặt khác, sự bùng phát xe máy là hậu quả của một chiến lược phát triển kinh tế bất cập, bởi Việt Nam đã chủ động mời gọi những doanh nghiệp sản xuất xe máy đến đầu tư với nhiều ưu đãi. Đến hôm nay, xe máy đã trở thành phương tiện giao thông chủ lực, thì những nhà quản lý lại phải hốt hoảng tìm giải pháp khống chế.
Câu hỏi đặt ra: có phải xe máy là thủ phạm của ùn tắc và tai nạn trong đời sống giao thông không? Chưa hẳn, ô tô chiếm diện tích lớn hơn khi di chuyển hoặc khi dừng đỗ. Nếu trút hết mọi tội lỗi gây nhốn nháo ở đô thị cho xe máy, thì e rằng hơi oan uổng. Vì mỗi năm đô thị phải gánh vác thêm một lượng người nhập cư không nhỏ. Để gỡ áp lực dân số, thay vì kiến thiết đô thị vệ tinh lân cận để cân bằng môi trường sống, thì nhiều thành phố lại thoải mái cấp phép xây dựng chung cư và cao ốc ở khu vực trung tâm.
Chẳng người dân nào có điều kiện đi ô tô mà lại kiên nhẫn sử dụng xe máy. Hạn chế xe máy cá nhân mà cổ vũ ô tô cá nhân, thì chả mấy chốc cả đô thị sẽ biến thành một cái gara khổng lồ, và ùn tắc còn khủng khiếp hơn. Người dân sẽ rời bỏ xe máy, khi và chỉ khi những phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại một cách thuận tiện và tiết kiệm. Chưa tạo được hạ tầng giao thông hiện đại, thì chuyện cấm xe máy sẽ không khác gì cuộc rượt đuổi và đối phó giữa cơ quan chức năng với người tham gia giao thông.