| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị cơ quan chủ quản tăng cường đặt hàng cho cơ quan báo chí

Thứ Tư 16/08/2023 , 14:32 (GMT+7)

Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Công văn số 3355/BTTTT-CBC tới một loạt cơ quan, tổ chức Trung ương nêu và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động báo chí.

Micro ghi âm của các phóng viên truyền hình 'mọc' lên từ chậu đất. Hình ảnh thú vị này được ghi nhận tại buổi Họp mặt đối tác Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tại Đại học Cần Thơ ngày 8/8 trong khuôn khổ Chương trình Kỷ niệm 30 năm hợp tác ACIAR - Việt Nam. Các phóng viên lĩnh vực nông nghiệp trên khắp cả nước gặp gỡ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để đưa tin về dịp đặc biệt này. Ảnh: Quỳnh Chi.

Micro ghi âm của các phóng viên truyền hình "mọc" lên từ chậu đất. Hình ảnh thú vị này được ghi nhận tại buổi Họp mặt đối tác Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tại Đại học Cần Thơ ngày 8/8 trong khuôn khổ Chương trình Kỷ niệm 30 năm hợp tác ACIAR - Việt Nam. Các phóng viên lĩnh vực nông nghiệp trên khắp cả nước gặp gỡ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để đưa tin về dịp đặc biệt này. Ảnh: Quỳnh Chi.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua Bộ nhận nhiều phản ánh của cơ quan báo chí về khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực cho nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền và việc giao nhiệm vụ, đảm bảo điều kiện đặt hàng cho cơ quan báo chí theo quy định (như: xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ...) để thực hiện thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách từ nguồn ngân sách nhà nước.

Hiện nay, nguồn thu từ hoạt động quảng cáo và các dịch vụ khác của các cơ quan báo chí đang giảm sút, các cơ quan báo chí rất khó khăn; nhất là các cơ quan báo chí được giao tự chủ tài chính Nhóm 1, Nhóm 2 theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chỉnh của đơn vị sự nghiệp công lập.

Bài liên quan

Trong khi đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 31/3/2021 và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng về việc yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí quán triệt và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu.

Một số mục tiêu chính như: Nâng cao chất lượng thông tin; Tăng khoảng 20% số lượng tin, bài, thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình sản xuất mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu; Chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; Bố trí kinh phí tăng cường công tác truyền thông chính sách; Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hoạt động báo chí, cơ quan báo chí luôn gắn với nhiệm vụ truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu, phục vụ nhiệm vụ chính trị thuộc lĩnh vực quản lý của chủ quản.

Do đó, Bộ đề nghị các cơ quan chủ quản quan tâm chỉ đạo hoạt động báo chí, bố trí tăng nguồn kinh phí trong năm 2023 và bố trí tăng dự toán kinh phí năm 2024 cho công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông chính sách cho các cơ quan báo chí trực thuộc để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách, đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được cấp phép và thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Tác nghiệp báo chí trong thời gian Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TL.

Tác nghiệp báo chí trong thời gian Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TL.

Hoạt động giao nhiệm vụ, đặt hàng cho cơ quan báo chí, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ nêu: "Các bộ, cơ quan trung ương hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đặt hàng đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định từ nguồn ngân sách trung ương”.

Điều 9 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP cũng xác định: “Điều kiện giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí Danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, thực hiện theo số lượng, khối lượng, chi phí hợp lý theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Điều 12 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP chỉ rõ một trong các điều kiện đặt hàng là: “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng”.

Bài liên quan

Thực hiện Nghị định 32 này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT ngày 30/11/2021 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử.

Trong Thông tư, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mức hao phí tối đa (về thời gian lao động, khối lượng vật tư và thời gian sử dụng máy móc, thiết bị trực tiếp sản xuất tác phẩm báo in, báo điện tử) để các cơ quan báo chí dựa vào đó xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của mình trình cơ quan chủ quản ban hành quyết định định mức cụ thể cho cơ quan báo chí phù hợp với điều kiện thực tế về mô hình tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ, trình độ ứng dụng công nghệ, địa bàn hoạt động.

Những trường hợp ngoại lệ được căn cứ theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Cụ thể: “Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của 3 năm trước liền kề”.

Dựa trên khung pháp lý này, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Công văn số 3355/BTTTT-CBC tới các ban đảng Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước... đề nghị tăng cường điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí trực thuộc.

Hai nội dung chính được Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh. Một là, các cơ quan chủ quản báo chí căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị xem xét bố trí dự toán giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cơ quan báo chí trực thuộc theo các điều kiện cụ thể hiện hành; tăng cường điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách;

Hai là, căn cứ các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, các cơ quan chủ quản tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc khẩn trương xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của mình trình cơ quan chủ quản ban hành quyết định định mức cụ thể để các cơ quan báo chí có thể thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách, đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được cấp phép và thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Xem thêm
Đông Nam bộ hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ

Đây là một trong những phương hướng phát triển về nông, lâm nghiệp, thủy sản được đặt ra trong Phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.