Sự nở rộ của các dự án điện gió, đã khiến nhiều tỉnh thành trên địa bàn cả nước trở thành điểm đến lý tưởng của của loại hình kinh doanh năng lượng. Để phục vụ các dự án này, nhiều đơn vị vận chuyển hàng hóa được cấp giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe siêu trường, siêu trọng lưu hành trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, ... do Cục quản lý đường bộ II quản lý qua địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đã có 6 dự án điện gió được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 10 năm ngoái đều là dự án quy mô lớn. Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam nằm trên diện tích 600 ha, thuộc 3 xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk), công suất thiết kế 400 MW, với quy mô 84 trụ gió, kết nối hệ thống 1,2 km đường dây 500kV. Với mức đầu tư trên 16.000 tỷ đồng không chỉ là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk mà còn là dự án điện gió có quy mô lớn nhất Việt Nam được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh và UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định cho phép đầu tư vào ngày 31/12/2020.
Tuy nhiên, việc vận chuyển các thiết bị điện gió lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ chưa đảm bảo để lưu thông các xe siêu trường, siêu trọng phục vụ các dự án này. Dựa trên kết quả rà soát, Cục Quản lý đường bộ II cho biết, hiện có 53 cây cầu cần được đánh giá an toàn công trình hay kiểm định, trong đó 22 cầu hơn 5 năm chưa được đánh giá an toàn, 31 cầu có tải trọng thiết kế chưa đồng bộ với tải trọng khai thác của tuyến đường. Đặc biệt, trên tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 9 đi qua 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có nhiều cầu cũ, được xây dựng từ lâu, xuống cấp nhanh, một số cầu cắm biển báo hạn chế tải trọng toàn bộ xe.
Để vận chuyển được các linh kiện, thiết bị điện gió tới chân công trình cần các thiết bị đặc chủng chuyên dụng bao gồm: Đầu kéo chuyên dùng có sức kéo và công suất lớn và sơ mi rơ mooc có nhiều trục, hoặc có khả năng rút dài để tải trọng hàng dàn đều lên mặt đường và cầu trong quá trình di chuyển. Tất cả các loại hàng đều siêu trường siêu trọng (vượt khổ cho phép của đường bộ Việt Nam theo quy chuẩn 41). Cùng với đó, Việt Nam chưa có quy chuẩn hay tiêu chuẩn gì cho lái xe siêu trường siêu trọng, tiêu chuẩn cao nhất là bằng FC.
Do đó, để đảm bảo ổn định công trình cầu trên tuyến và an toàn cho người, phương tiện, hàng hóa trong quá trình vận chuyển, đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước khi cấp phép lưu hành xe phải yêu cầu chủ đầu tư, doanh nghiệp vận tải có đánh giá an toàn về kiểm định, thử tải… để kiểm tra các công trình trên tuyến cho từng chuyến hàng vận chuyển, không dùng kết quả đánh giá lần 1 cho nhiều chuyến vận chuyển vì sẽ không đảm bảo an toàn cho các công trình cầu.
Mặt khác, đối với các giấy phép lưu hành cho tổ hợp xe vận chuyển thiết bị điện gió mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cấp cho các đơn vị vận tải đang còn hiệu lực sau ngày 15/6, Cục Quản lý đường bộ II đề nghị tạm thu hồi giấy phép lưu hành và yêu cầu chủ đầu tư, doanh nghiệp vận tải chỉ đạo đơn vị tư vấn có năng lực bổ sung đầy đủ thực hiện công tác thẩm định đối với việc vận chuyển hàng siêu trọng theo quy định rồi mới tiếp tục cho các phương tiện lưu hành trở lại.
Trước đó, ngày 18/5, xe đầu kéo có biển kiểm soát 15C - 165.47 và rơ moóc có biển kiểm soát 51R-202.40 thuộc Công ty Vận tải Đa phương thức - Vietranstimex, có trụ sở tại Đà Nẵng, là đơn vị vận chuyển cách quạt gió này. Khi đang di chuyển trên Quốc lộ 1A đoạn qua Thanh Trạch, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thì xe đầu kéo này bị lật nghiêng. Rất may không có thương vong về người. Tuy nhiên, chiếc xe và cánh quạt gió hư hỏng nặng.