| Hotline: 0983.970.780

Để người Thủ đô được dùng thực phẩm sạch: Đi đầu xây dựng chuỗi liên kết

Thứ Năm 01/07/2021 , 13:49 (GMT+7)

Hà Nội Trong giai đoạn 2021–2025, Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển, xây dựng 50 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, gắn với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung.

Đặc biệt, 100% chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.

Thông qua đó, tất cả các liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Quản lý truy xuất nguồn gốc hơn 10.000 mã sản phẩm

Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, thực hiện quyết định số 1791 ngày 19/5/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, thành phố đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản với 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối.

Góc nhìn trên cao 'vựa rau, củ quả' Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Góc nhìn trên cao "vựa rau, củ quả" Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Tính đến nay, đã xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Một số địa phương cũng có chuỗi phát triển tăng mạnh.

Về công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Huy Đăng thông tin: “Trong 5 năm qua, thành phố đã tổ chức 20 đoàn cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội đi các tỉnh, thành phố để kết nối giao thương tại 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nội dung liên kết tập trung vào 2 lĩnh vực liên kết đầu tư sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản về Hà Nội”.

Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho hệ “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” với địa chỉ tên miền www.check.hanoi.gov.vn thuộc sở hữu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.

Đến nay, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn, cấp mã tài khoản quản trị cho hơn 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn. Đã cấp mã QR cho hơn 1.200 doanh nghiệp với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 10.000 mã sản phẩm (tăng 3.000 mã sản phẩm, tăng 41% so với năm 2019). Trong đó có hơn 1.000 mã sản phẩm có nguồn gốc của 41 tỉnh, thành phố tham gia hệ thống của Hà Nội.

Công tác xây dựng và phát triển chuỗi bước đầu đã tạo ra các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt an toàn thực phẩm, được kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu. Qua đó, giúp các nhà sản xuất nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo an toàn, có trách nhiệm đối với người sử dụng. Đó là một trong những khâu quan trọng trong phát triển nông nghiệp tại Hà Nội.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, việc tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm được quản lý, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và được tuyên truyền rộng rãi. Từ đó  người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm từ 15 – 20% so với sản phẩm khi chưa được sản xuất theo chuỗi và mở rộng thị trường, nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống các đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện ích trên địa bàn cả nước.

Qua việc liên kết các hộ chăn nuôi thành các tổ chức như Hội chăn nuôi – tiêu thụ, hợp tác xã... đã tổ chức thành công hoạt động mua chung dịch vụ đầu vào, giảm được một số chi phí thức ăn, thuốc thú y, con giống. Do vậy, đã tạo hiệu quả kinh tế được khẳng định như giúp  giảm tối đa chi phí sản xuất, ổn định giá bán ra trên thị trường...

Cần hoàn thiện khiếm khuyết của những chuỗi liên kết

Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Đăng cũng cho biết, một số liên kết chuỗi còn chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là liên kết theo hình thức “thuận mua – vừa bán” giữa các chủ thể sản xuất với doanh nghiệp và thương lái tiêu thụ sản phẩm. Chủ thể nào bán giá thấp hoặc doanh nghiệp nào mua giá cao hơn so với thị trường thì sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy và phá vỡ hợp đồng liên kết đã ký kết.

Rau VietGAP Đặng Xá được bày bán tại siêu thị Big C tại Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Rau VietGAP Đặng Xá được bày bán tại siêu thị Big C tại Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Hiện nay, còn ít doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng có trung tâm hậu cần logisctics để cung cấp hàng hóa đến các điểm bán lẻ. Hàng hóa các địa phương chủ yếu là thực phẩm tươi sống, bảo quản lạnh, cấp đông. Mặt khác, do hạ tầng logistics không đảm bảo nên vấn đề khoảng cách, phương tiện bảo quản, vận chuyển chưa chuyên nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian, chi phí cũng như chất lượng sản phẩm cung cấp đến người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền về các sản phẩm an toàn thuộc chuỗi cũng chưa được đồng đều ở các địa  phương.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội sẽ thực hiện rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung; đẩy mạnh đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất.

Bên cạnh đó, thành phố cũng ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ nano,... trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất.

Phát triển sản xuất theo hướng an toàn, GAP, hữu cơ. Từng bước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cho một số vùng sản xuất nông sản chất lượng trọng điểm tại các huyện, nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu trọng yếu trong quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất tại các vùng sản xuất nông sản chủ lực.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ dự án liên kết đầu tư trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết  bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, phương tiện vận chuyển chuyên dụng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho dự án liên kết.

Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm cho các bên tham gia liên kết chuỗi... Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi cho các bên tham gia liên kết.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất