| Hotline: 0983.970.780

Đề thi phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh ĐH-CĐ

Thứ Năm 27/06/2019 , 07:15 (GMT+7)

PGS.TS Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD-ĐT) khẳng định đề thi năm nay sẽ tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Thi Toán trắc nghiệm ổn định nhưng không đánh giá được kỹ năng tư duy

Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho rằng: Đề thi năm nay nhìn chung khá dễ thở đối với thí sinh so với đề năm ngoái. Đề cũng theo sát đề minh hoạ của bộ.

Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc. Ảnh: NVCC.

Từ 3 năm nay, bài thi môn Toán được làm dưới hình thức trắc nghiệm. Sau một hai năm đầu chưa ổn định về cách ra đề và dạng bài (năm 2017, năm đầu tiên, đề ra theo lối cũ lại tỏ ra khá dễ với các kĩ năng sử dụng máy tính bỏ túi; năm sau 2018, đề thi tập trung khắc phục điểm yếu này nên trở thành rất khó và gây bỡ ngỡ với đa số thí sinh, cũng cần lưu ý rằng chính độ khó này đã dịch chuyển phổ điểm và làm lộ ra các gian lận điểm thi vừa qua).

Đến năm nay, đề thi đã tỏ ra ổn định với hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, nếu thành lệ lâu dài thì việc dạy và học môn Toán sẽ mất dần đi định hướng tư duy toán học mà sẽ dần sa vào các kỹ thuật giải nhanh bài tập ngắn.

Còn TSKH Nguyễn Hùng Phong (LB Nga) đánh giá: Đề thi môn Toán là cơ bản, không khó, không đánh đố, học sinh nếu nắm vững các khái niệm cơ bản là làm được. Đề Toán ra có lẽ với mục tiêu đánh giá học sinh có nắm được kiến thức cơ bản, đủ đỗ THPT. Tuy nhiên, nếu thêm cả mục tiêu filter để phân loại trình độ học sinh (để vào đại học) thì đề như thế này không đạt được mục đích.

TSKH Nguyễn Hùng Phong. Ảnh: NVCC.

TSKH Nguyễn Hùng Phong cũng nêu băn khoăn trước việc Bộ GD-ĐT chuyển sang thi trắc nghiệm như hiện nay thì học sinh có lẽ không hẳn đã rèn kĩ năng giải bài tập mà chuyển dần sang thành thục kĩ năng "đoán lời giải". Ngoài ảnh hưởng đến phương pháp tư duy, thi trắc nghiệm như hiện nay còn làm học sinh kém khả năng trình bày (tìm được đáp số, lời giải chỉ là phần rất nhỏ), lập luận một cách chặt chẽ. Do đó, khi vào ĐH, lên cao sẽ khó phát triển.
 

Chấm câu hỏi mở cũng đòi hỏi năng lực của cán bộ chấm thi

Trước đó, chia sẻ với báo chí xung quanh việc ra đề thi THPT quốc gia 2019, PGS.TS Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD-ĐT) khẳng định đề thi năm nay sẽ tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Theo ông Trinh, đề thi sẽ có nhóm các câu hỏi đáp ứng mức độ cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp THPT và cũng sẽ có các câu hỏi với độ khó phù hợp nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh ĐH-CĐ.

“Các câu hỏi trong đề thi sẽ được sắp xếp theo độ khó tăng dần. Trong đề thi sẽ có các câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn để phát huy khả năng sáng tạo của thí sinh”, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết thêm.

Liên quan đến nội dung đề thi môn Ngữ văn, PGS.TS Đoàn Lê Giang cho rằng, trong phần Đọc hiểu, để thống nhất đáp án cũng không dễ. Câu 1 nói về thể thơ, chắc nhiều thí sinh sẽ nói là thể thơ tự do vì số chữ trong câu không bằng nhau. Nhưng nếu có thí sinh nói là thể thơ hỗn hợp 7 chữ và 8 chữ, hay cơ bản là thơ 8 chữ, chỉ có đoạn đầu có xen mấy câu 7 chữ thì cũng là một câu trả lời đúng. Do đó, có thể coi đây là nội dung mở và có thể được tính điểm.

Các thí sinh chú ý lắng nghe nhắc nhở của giám thị trước giờ thi. Ảnh: Tùng Đinh.

Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà, giáo viên trường THPT Đông Kinh - Hà Nội, thắc mắc trước nội dung đọc hiểu ở câu hỏi nhỏ số 3 nằm  giữa ranh giới phép điệp và và phép liệt kê.

“Nếu nêu tác dụng về phép điệp thì học sinh sẽ nghiêng về điệp từ Cái. Như vậy, học sinh khi làm bài sẽ lúng túng. Nhưng điệp cấu trúc lại không phải. Còn nếu gọi là phép liệt kê thì có thể nêu tác dụng của phép tu từ là nêu lên những cảm nhận phong phú của nhân vật trữ tình khi đứng trước biển”, cô giáo Thu Hà nêu suy nghĩ.

Băn khoăn về câu hỏi và trả lời có nội dung mở cũng là của nhiều bậc phụ huynh và học sinh trong kỳ thi năm nay. Giải đáp điều này, ông Mai Văn Trinh cho biết: Đề mở để học sinh vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã được học nhằm giải quyết những câu hỏi, những vấn đề của thực tiễn bằng khả năng diễn đạt riêng của cá nhân, không theo những khuôn mẫu có sẵn.

Vì vậy, Hội đồng ra đề thi cũng sẽ có những hướng dẫn chấm điểm, trong đó yêu cầu thí sinh dù trả lời theo cách thức riêng của mình nhưng cũng phải đáp ứng được những nội dung cơ bản mà câu hỏi yêu cầu. Các hình thức trình bày dù khác nhau nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu câu hỏi, không vi phạm pháp luật, không phạm vào thuần phong mỹ tục sẽ được xem xét cho điểm.

“Chấm câu hỏi mở cũng đòi hỏi năng lực của cán bộ chấm thi, việc này đã được chuẩn bị và áp dụng từ nhiều năm nên cán bộ chấm thi đã quen với chấm bài thi có các câu hỏi mở” - PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Không nên ra đề thi minh họa

Thứ nhất, cấu trúc đề thi Ngữ văn năm nay không sát lắm với đề minh hoạ Bộ GD-ĐT cho ra, mà giống cấu trúc đề thi năm 2017.

Thứ hai, câu nghị luận xã hội nên thu hẹp lại về một khía cạnh của Sức mạnh ý chí như ý nghĩa hoặc vai trò. Nói chung chung như thế này trong đoạn văn 200 chữ thì yêu cầu của đề như thế là rộng, sẽ khó có đất diễn cho học sinh khá giỏi.

Gây bất ngờ nhất là câu nghị luận văn học (5 điểm). Đề minh hoạ ra 2 chi tiết trong một tác phẩm nhưng ở đây chỉ cho cảm nhận một đoạn. Rồi sau đó nhận xét đánh giá.

Thêm nữa vào bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác phẩm khó, học sinh mặt bằng chung rất sợ.

Tóm lại, đề này phù hợp với học sinh khá giỏi. Còn học sinh có học lực trung bình và học lệch đương nhiên là hoang mang.

Với đề thi Ngữ văn như hiện nay, Bộ GD-ĐT không nên ra đề minh hoạ. Vì đề thi thật không sát với minh hoạ sẽ gây hoang mang cho học sinh, nhất là học sinh khối các trường dân lập, học lực chưa tốt. Việc ra đề minh hoạ đã hạn chế rất nhiều tư duy sáng tạo và ứng biến của giáo viên và học sinh trong quá trình ôn luyện.

(Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà, giáo viên trường THPT Đông Kinh - Hà Nội).

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Nghị quyết 57 tạo động lực cho khoa học nông nghiệp

Theo PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, mục tiêu nâng đầu tư cho KHCN lên 2% GDP sẽ tạo động lực lớn cho giới nghiên cứu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.