| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 20/07/2019 , 06:40 (GMT+7)

06:40 - 20/07/2019

Đề xuất gây bất ngờ

Trong một xã hội dân chủ, mọi ý kiến đều được tôn trọng. Nhất là những giải pháp để ổn định và phát triển cho cộng đồng, càng đáng nâng niu hơn.

Thế nhưng, giữa cơ sở lý thuyết và kiến nghị hành động, luôn có những khoảng cách không nhỏ. Chính vì vậy, có nhiều đề xuất gây bất ngờ cho dư luận.

Trước đây, một cử tri Hà Nội khi tiếp xúc Đại biểu Quốc hội đã đề nghị lấy lá ngon thay cho thuốc độc để thi hành án tử hình, nhằm tiết kiệm ngân sách. Tất nhiên, thiện chí ấy không đáng mỉa mai, song chẳng thể nào thực hiện được. 

Mới đây, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TPHCM, bà Phan Thị Hồng Xuân phát biểu: “Mỗi nhà ở nông thôn, trước sân có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Nên chăng, cần suy nghĩ về biện pháp này bên cạnh các giải pháp chống ngập bằng công trình. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa”. Kiến nghị này ngay lập tức gây xôn xao với những tranh luận khác nhau.

Bà Phan Thị Hồng Xuân.

Sở dĩ, nhiều người quan tâm đến phát biểu của bà Phan Thị Hồng Xuân vì ngoài tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM, người phụ nữ này còn là Phó Giáo sư - Tiến sĩ và đang giữ vị trí Trưởng khoa Nhân học ở Trường ĐH KHXH-NV TPHCM.

Trên mạng, không ít ngôn từ gay gắt dành cho bà Phan Thị Hồng Xuân. Thậm chí, số điện thoại riêng của bà Phan Thị Hồng Xuân cũng nhận được nhiều tin nhắn và cuộc gọi truy vấn về giải pháp “cái lu”.

Như một cách phản hồi tích cực, bà Phan Thị Hồng Xuân phân bua: “Khi tôi phát biểu, một nữ đại biểu HĐND cũng chia sẻ quan điểm với tôi và cho biết một số nhà dân ở Nhà Bè cũng đang dùng các lu, hồ xây để chứa nước mưa, giảm bớt nguy cơ úng ngập. Tôi đã đề nghị đại biểu đó giơ tay phát biểu để HĐND thấy đây không phải ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, nhưng vì hết thời gian nên không kịp phát biểu.

Góc nhìn của tôi là góc nhìn nhân học, tôi dùng từ "cái lu" vì muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, theo phương diện dân gian, nhưng mọi người lại đẩy câu chuyện quá xa.Tôi nghĩ nếu mình dùng cụm từ "dụng cụ chứa nước" thay vì nói "cái lu" thì chắc là không bị phản ứng như vậy, không tạo ra hiệu ứng gây phản cảm như vậy”.

Để làm dịu bớt những căng thẳng không cần thiết từ các diễn đàn đối với không khí kỳ họp Hội đồng Nhân dân TPHCM, một vài người cũng góp lời giải thích dùm bà Phan Thị Hồng Xuân.

Ví dụ, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM lấy tư cách một lãnh đạo phụ trách mảng đô thị để phân tích thêm: “Ý của chị Phan Thị Hồng Xuân là hình tượng hóa. Tôi nghĩ vì không có thời gian nên chưa nói được hết ý. Thật ra, từ hình tượng cái lu mình có thể chuyển sang với thành phố là có thêm nhiều hồ điều tiết trong các khu dân cư. Ý là tốt nhưng diễn dịch chưa tới, nhưng từ đó có thể hình dung ra các công trình trong khu đô thị mới nên phát triển những hồ nước, vừa tạo ra cảnh quan để điều tiết khí hậu, nhiệt độ và giảm ngập. Vì thời gian không có nên chị Phan Thị Hồng Xuân không nói hết, chúng ta nên thông cảm”.

Cái lu vẫn được dùng chứa nước ở nông thôn với mục đích sử dụng cho sinh hoạt, chứ không phải công cụ chống ngập. Nếu mỗi nhà đều có một cái lu, thì cả thành phố trở thành không gian trưng bày lu ư? Cái lu chỉ chứa được lượng nước rất nhỏ, còn vấn đề ngập lụt ở TPHCM đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Dùng cái lu có thể chống ngập thì cần gì những dự án tốn kém.