Tại buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nêu 16 kiến nghị để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thời gian tới.
Trong số này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đặc biệt chú ý tới đề xuất xây dựng Học viện theo mô hình trường đại học. Theo Bộ trưởng, đây là kiến nghị hướng tới tương lai lâu dài, mang tầm chiến lược và có thể ảnh hưởng sâu, rộng tới đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp.
"Là trường trọng điểm quốc gia, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có một vai trò vô cùng đặc biệt. Cách ứng xử với trường, vì thế cũng phải đặc biệt, không thể giống các trường thông thường", Bộ trưởng Sơn nói.
Để xây được Học viện theo mô hình trường đại học, thậm chí thành lập những trường đại học thành viên trực thuộc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng nhà trường nên bám chắc vào những chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước. Trước mắt chính là nghị quyết mới về tam nông vừa được ban hành ở Hội nghị Trung ương 5 khóa 13.
Nghị quyết này đã dành hẳn một chương để nói về phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Bộ trưởng Sơn tin, đây là thời cơ để Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định được chỗ đứng cũng như vai trò trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bàn về tính khả thi của kế hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tỏ ý đồng tình. Ông đánh giá, tính thực tiễn trong hoạt động thời gian qua của Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất cao; đồng thời nhấn mạnh: "Thành công chung của ngành nông nghiệp hiện tại có đóng góp lớn từ nhà trường".
Dù tỷ trọng trong GDP cả nước năm 2021 khoảng 12%, ngành nông nghiệp thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong hai năm bị Covid-19 vừa qua. Đặc biệt, ngành có đóng góp lớn trong an sinh xã hội, khi hiện tạo ra cơ hội việc làm cho khoảng 14 triệu người trong độ tuổi lao động. Con số này được dự báo tăng khi lao động trở về khu vực nông thôn ngày càng nhiều.
Trên cơ sở ấy, Bộ trưởng Sơn nhận định, định hướng phát triển của Việt Nam thời gian tới vẫn phải dựa trên tiềm năng của một nước nông nghiệp. Muốn khai thác hết dư địa, ngành nông nghiệp phải tăng tính cạnh tranh, thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
“Muốn tăng giá trị xuất khẩu nông sản, khoa học về nông nghiệp phải đi đầu, chí ít là ngang ngửa với các nước trong khu vực và thế giới. Đó là thời cơ, cũng là thách thức cho các trường đại học thuộc Bộ NN-PTNT, trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam", ông bày tỏ.
Là một trong bốn trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nhưng quy hoạch của Học viện còn nhiều "ngổn ngang". Bộ trưởng Sơn nhận xét, đây là hệ quả của quá trình đầu tư dàn trải. Nếu muốn chuyển sang mô hình trường đại học, nhà trường phải "tìm thấy mình trong Nghị quyết tam nông", phải "trả lời được câu hỏi là người nông dân bây giờ đang cần gì".
Về những khó khăn trong công tác tuyển sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là vấn đề chung, tồn tại nhiều năm trong ngành giáo dục.
Với riêng nhà trường, vị tư lệnh ngành giáo dục khuyên Học viện không nên chia quá nhỏ các ngành ở bậc đại học. Bộ trưởng Sơn cho rằng, điều này có thể vô hình trung làm người học băn khoăn ngay từ khâu lựa chọn đầu vào.
Một điểm nữa được Bộ trưởng chỉ ra, là nhà trường nên tiếp tục mở rộng khu thực hành nông nghiệp. Đây sẽ là điểm thu hút những bạn trẻ thích khởi nghiệp, vốn đang trở thành một xu hướng nổi bật của ngành nông nghiệp thời gian qua.