Hội quán nông dân nơi tập hợp những người dân cùng ngành nghề sản xuất, cùng chung chí hướng, theo tinh thần “tự nguyện, tự lực, tự quản”. Trải qua thời gian phát triển, mô hình hội quán đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc gắn kết nông dân, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ. Để mô hình hội quán phát triển lên tầm cao mới, vừa qua tỉnh Đồng Tháp đã triển khai Dự án xây dựng Mô hình “làng thông minh” phát triển từ các hội quán.
Đây là đề tài nghiên cứu đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Dự án do UBND tỉnh Đồng Tháp và Trường Đại học Bách Khoa, trực thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đồng chủ trì. Thời gian triển khai thực hiện từ tháng 11/2020 – 4/2023, với tổng kinh phí gần 16 tỷ đồng.
Để triển khai Mô hình làng thông minh, tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn một số ấp thuộc địa bàn xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, trên nền tảng của 2 hội quán Tâm Quê và Thuận Tân. Về tổng quan, Mô hình làng thông minh là sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế của bà con nông dân, sự liên kết phối hợp thông tin xuyên suốt trong cộng đồng. Đồng thời, mô hình làng thông minh cũng tập hợp các mô hình phát triển kinh tế có bước tiến cao, có sự kết hợp, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong sản xuất.
Ngoài ra, Mô hình làng thông minh sẽ triển khai một loạt hệ thống như: Hệ thống camera giám sát an ninh, Hệ thống quan trắc môi trường, Hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh.
Ông Đoàn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, Mô hình làng thông minh phát triển từ các hội quán là một ý tưởng rất mới. Tỉnh Đồng Tháp xác định, mục tiêu lâu dài và đích đến cuối cùng của Mô hình làng thông minh là nền tảng để phát huy tính tự lực, học hỏi, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của bà con nông dân, phát triển bền vững và thịnh vượng. Ông Bình cũng thông tin, khi triển khai nghiên cứu dự án này, các chuyên gia đã tìm hiểu về các Mô hình làng thông minh ở châu Âu, Ấn Độ, để từ đó kết hợp làm sao phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh Đồng Tháp.
Thực hiện Đề án chuyển đổi số, UBND tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng 7 Mô hình làng thông minh và đến năm 2030 tăng lên 14 mô hình.
“Mô hình làng thông minh là khung cơ bản, cụ thể tại từng địa phương chúng tôi sẽ triển khai, nhân rộng và sẽ phải nghiên cứu đặc điểm của từng địa phương để có mô hình phù hợp với cộng đồng dân cư, kế thừa tinh thần của hội quán, kết hợp với khoa học công nghệ và phát triển tự lực, tự cường và bền vững”, ông Bình nhấn mạnh.
Trong bối cảnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh trở thành xu hướng chung của thế giới. UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí và cấu trúc Mô hình làng thông minh là phù hợp. Dự án được thực hiện trên nền tảng số.
Tỉnh Đồng Tháp mong muốn Mô hình làng thông minh hình thành sẽ mang đến hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân, không chỉ trước mắt mà còn làm nền tảng phát triển cho tương lai, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ở nông thôn.