Ngày 25/4, xã Dị Chế, Huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã Dị Chế có tổng diện tích tự nhiên là 526ha, với 2.412 hộ, dân số 8.668 người. Đây là địa phương có bề dày lịch sử về truyền thống đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ.
Bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, đồng lòng nhất trí của người dân, năm 2018, xã Dị Chế đã về đích nông thôn mới (NTM). Năm 2020, về đích NTM nâng cao.
Ông Phạm Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Dị Chế chia sẻ, cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã nhất quán, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Xây dựng NTM phải đi vào thực chất, gắn với thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Với hướng đi đúng đắn đó, các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu lần lượt được hoàn thành, bộ mặt thôn, xóm từng ngày được “thay da, đổi thịt”, đời sống của người dân cũng từng bước được nâng lên. Tính đến tháng 10/2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Dị Chế là 72,39 triệu đồng/người/năm.
Các cụm di tích Đền thờ Danh nhân Hoàng Hoa Thám (di tích lịch sử cấp tỉnh); Đền Dị Chế và Đền Già thôn Nghĩa Chế (di tích Quốc gia), nhà văn hóa thôn Dị Chế, trạm y tế xã đều được lắp đặt wifi miễn phí phục vụ nhu cầu làm việc, học tập của người dân tại địa phương và du khách khi tới tham quan.
UBND xã đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện và đơn vị thực hiện tiến hành thu thập, cập nhật bổ sung dữ liệu thông tin địa chỉ số. Sau khi được gắn địa chỉ số, UBND xã sẽ tổ chức thông báo thông tin mã địa chỉ đến chủ sở hữu và người quản lý đối tượng được gắn địa chỉ.
Xã có đài truyền thanh xã và hệ thống loa truyền thanh đến các thôn với tổng số 20 cụm loa hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống 67 camera giám sát an ninh phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được lắp đặt và hoạt động thường xuyên, hiệu quả; cho phép khả năng tích hợp, truy cập xuyên suốt từ cấp tỉnh, huyện đến xã để phục vụ theo dõi giám sát khi có yêu cầu.
Cán bộ thôn ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội như zalo, facebook... để thông tin, tuyên truyền đến người dân trong thôn chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Về thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực văn hóa, tổng số nội dung xã tổ chức tự đánh giá đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nội dung kiểu mẫu về lĩnh vực văn hóa là 6/6 nội dung (đạt 100%)...
Nhờ sự chuyển biến mạnh mẽ đó, ngày 8/2/2023, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định công nhận xã Dị Chế đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022.
Ông Phạm Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Dị Chế khẳng định, xây dựng NTM kiểu mẫu đã khó, nhưng việc duy trì, giữ vững và phát triển lại càng khó hơn. NTM kiểu mẫu không chỉ dừng lại ở việc đón bằng công nhận là đã hoàn thành.
Còn ông Nguyễn Xuân Tiền - Bí thư Đảng ủy xã Dị Chế cho rằng: "Cả hệ thống chính trị và người dân trong xã phải tiếp tục nỗ lực xây dựng và hoàn thành, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban quản lý và các ban phát triển của thôn. Hàng năm, có sơ kết thi đua và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM".