| Hotline: 0983.970.780

Xây những làng quê hạnh phúc

Thứ Tư 26/04/2023 , 11:51 (GMT+7)

Hiến đất làm đường giao thông, phát triển các mô hình sản xuất bền vững trong xây dựng nông thôn mới đang mang lại cho người dân Cam Thành thành quả ngọt ngào.

Dưới những mái nhà hạnh phúc

Ngôi nhà vợ chồng ông Nguyễn Đăng Lực nằm hút sâu cuối ngõ, giữa một vườn hoa quả tại thôn Cam Phú, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Ngay phía sau ngôi nhà này là dòng sông Hiếu hiền hòa bốn mùa xanh mát.

Những mảnh vườn ngập tràn không gian sinh thái ở xã Cam Thành. Ảnh: Võ Dũng.

Những mảnh vườn ngập tràn không gian sinh thái ở xã Cam Thành. Ảnh: Võ Dũng.

Con đường dẫn vào nhà ông nhẽ ra đã được nới rộng để 2 xe ô tô có thể tránh nhau như bao đoạn đường khác nhưng chính ông đã ngăn cản việc các hộ dân hiến đất mở rộng con đường này. Ngẫm cho kỹ, đó chẳng phải là điều khó lý giải.

“Thời điểm này, phong trào hiến đất làm đường rất sôi nổi. Đây là cơ hội để tôi mở rộng con đường. Nhưng thú thật, hai hàng cây chè tàu đã gắn bó với cuộc đời tôi và nó sẽ tồn tại, tươi xanh mãi mãi như tuổi thanh xuân của đời người. Nông thôn mới không có nghĩa là bê tông hóa một cách cứng nhắc để rồi thế hệ mai sau nhận ra chúng ta đang dần thiếu đi màu xanh của sự sống”, ông Lực lý giải.

Bài liên quan

Ngôi nhà nhỏ hiện chỉ có 2 vợ chồng ông Lực sinh sống nằm trong mảnh vườn rộng gần 0,5ha với hàng chục gốc nhãn, ổi, bưởi. Đang mùa nhãn nhưng chúng chẳng sai quả như bao miệt vườn khác. Vợ chồng ông Lực không lấy thế làm buồn bởi ông suy nghĩ giản đơn, những gì ông thu hoạch ở khu vườn này phải là sản phẩm hoàn toàn thuận tự nhiên.

“Nuôi mấy con lợn, con gà, ủ phân bón cho cây trồng. Tiệt nhiên tôi không sử dụng phân bón hóa học cũng chẳng bao giờ phun thuốc trừ sâu. Nhãn cứ mùa ra hoa đậu quả lại cách một mùa chẳng có thu hoạch gì. Hai đứa con gọi điện về bảo bố mẹ phải giữ được khu vườn, phải có những sản phẩm sạch. Sau này lập gia đình chúng sẽ đưa các cháu về đây trải nghiệm”, ông Lực chia sẻ.

Ve đã bắt đầu cất những bản nhạc gọi mùa hè đến. Dưới những gốc vải vài chục năm tuổi, cuộc sống của vợ chồng ông Lực cứ thế ngày qua ngày, thanh bình và đầm ấm.

Đó cũng chính là cuộc sống dưới nhiều mái nhà tại xã Cam Thành.

Từ nhiều năm nay, phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả vừa phát triển kinh tế vừa tạo ra không gian sinh thái đáng sống.

Ông Đào Văn Khánh có 1,3ha đất tại thôn Cam Phú trước đây trồng hồ tiêu. Khi hồ tiêu bước qua thời kỳ cực thịnh, ông mạnh dạn chuyển sang trồng các giống cam như V2, xã Đoài, xã Đoài lòng vàng… Ngay sau khi trồng, ông đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Công việc chăm sóc vườn cam vì thế cũng đỡ cực nhọc. Vườn cam không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật của ông dù cho thu nhập không cao nhưng ông không lấy đó làm phiền lòng.

“Vụ bói vườn cam của tôi đem lại nguồn thu trên 100 triệu đồng. Mẫu mã sản phẩm tuy không đẹp nhưng chất lượng, có bao nhiêu cũng bán hết. Giờ người tiêu dùng thông thái hơn trước, chất lượng được quan tâm hàng đầu vì vậy người sản xuất cũng vì thế phải thay đổi cách nghĩ, cách làm”.

Vụ cam đầu tiên, gia đình ông Đào Văn Khánh đút túi 100 triệu đồng nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Võ Dũng.

Vụ cam đầu tiên, gia đình ông Đào Văn Khánh đút túi 100 triệu đồng nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Lê Anh Chương, Chủ tịch UBND xã Cam Thành chia sẻ, địa phương rất ít ruộng lúa, đa phần người dân sống nhờ những vườn cao su, tiêu, cà phê và trồng rừng. Vài năm lại đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá sôi nổi. Nhiều thôn đã xây dựng được các vườn cây ăn quả, vườn dược liệu cho thu nhập cao và bền vững.

“Cam Thành đạt chuẩn NTM năm 2016 và từ đó đến nay đã có những bước tiến trong tư duy sản xuất của người dân. Chẳng bao lâu nữa, Cam Thành sẽ trở thành vùng trồng cây ăn quả và dược liệu hàng hóa. Lúc đó cuộc sống của người dân sẽ còn khấm khá hơn nữa”, ông Chương phấn khởi.

Có người xẻ đôi mảnh vườn, hiến 800m2 đất làm đường giao thông

Con đường từ ngã ba thôn Cam Phú vào khu dân cư phía trong gồm hàng chục hộ dân trước đây phải đi vòng vèo, mất gần 30 phút thì nay đã được rút ngắn lại.

Đường đổ bê tông còn tươi mới, dài hàng trăm m, rộng 3 m được hoàn thành đã chia đôi khu vườn của vợ chồng ông bà Mai Thanh Bình - Trần Quý. Nó không làm giá trị khu vườn của vợ chồng già tăng lên mà còn khiến ông bà phải lọ mọ lên xã, lên huyện điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng bà Quý vẫn vui vẻ.

“Vợ chồng tôi đã hiến 800m2 vườn để làm đường nối các khu dân cư trong thôn. Nếu thôn cần thêm nữa để mở rộng đường và lề đường, chúng tôi vẫn vui vẻ. Chỉ là sau khi hiến đất, tôi mong được điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tiện cho việc sử dụng sau này”.

Mảnh vườn của vợ chồng ông bà Mai Thanh Bình - Trần Quý bị chia đôi sau khi hiến đất nhưng gia đình vẫn vui vẻ hiến tiếp nếu Nhà nước cần. Ảnh: Võ Dũng.

Mảnh vườn của vợ chồng ông bà Mai Thanh Bình - Trần Quý bị chia đôi sau khi hiến đất nhưng gia đình vẫn vui vẻ hiến tiếp nếu Nhà nước cần. Ảnh: Võ Dũng.

Chúng tôi hỏi: Hai vợ chồng ông bà hiến cho thôn nhiều đất như vậy con cái có ai phản đối không? Ông Bình trả lời: “Đất là Nhà nước giao cho chúng tôi sử dụng. Khi Nhà nước cần thì chúng tôi sẵn sàng trả lại để quê hương được giàu đẹp hơn. Chuyện hiến đất là vợ chồng tôi quyết định và con cái cũng đồng thuận”.

Ông Lê Đa Sinh, Bí thư Chi bộ thôn Cam Phú cho biết, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ban đầu còn gặp khó khăn vì người dân đều tiếc đất đai. Tuy nhiên, sau khi một số đoạn đường được mở rộng, người dân thấy được lợi ích nên đã chủ động gặp thôn để xin hiến đất. Bây giờ, hiến đất làm đường đã trở thành phong trào, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

“Nhà ông Bình, bà Quý là trường hợp đặc biệt. Mặc dù ông bà đều đã trên 70 tuổi nhưng ngoài việc hiến 800 m2 đất thì còn vận động người dân cùng hiến đất làm đường giao thông. Nhiều đoạn đường trong thôn trước chỉ 1 ô tô đi được thì nay 2 ô tô đã có thể tránh nhau. Đó chính là lợi ích của việc hiến đất làm đường giao thông mang lại. Nhìn thấy được điều đó nên người dân ở đây rất đồng thuận hiến đất làm đường”, ông Sinh chia sẻ.

Ông Trương Thanh, trưởng thôn Cam Phú cho biết thêm, sau nhiều lần hiến đất, mục tiêu đường giao thông thôn xóm phải rộng từ 6m trở lên hiện nay đã đạt được nhưng phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới vẫn chưa dừng lại.

Nhiều nông dân tại Cam Thành đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều nông dân tại Cam Thành đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp. Ảnh: Võ Dũng.

“Hiện nay trong thôn còn có 30 hộ đăng ký hiến đất mở rộng đường giao thông. Sau khi hiến đất, các hộ này sẽ tự nguyện xây lại tường rào mà không yêu cầu hỗ trợ. Toàn thôn hiện chỉ còn 1km đường giao thông chưa được đổ bê tông. Sắp tới, khi được hỗ trợ kinh phí, chúng tôi sẽ đối ứng phần còn lại bê tông hóa 100% đường làng ngõ xóm”, ông Thanh cho biết.

Lãnh đạo xã Cam Thành cho hay, hiện nay xã đã được thẩm định các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Để nông thôn mới thực sự đem lại hạnh phúc cho người nông dân, ngoài việc tiếp tục duy trì phong trào hiến đất nới rộng đường giao thông địa phương sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả; chuyển đổi đất màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu; thành lập các tổ hợp tác trồng cây ăn quả; xây dựng đề án mô hình chăn nuôi bò nhốt, cải tạo chất lượng đàn dê, thành lập tổ hợp tác nuôi dê, bò...

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân

“Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Cam Thành đạt trên  58,5 triệu đồng. Để phát triển sản xuất, hướng tới nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, hiện nay chúng tôi đã và đang tính toán để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cam Thành không những sẽ là vùng cây ăn quả trù phú, vùng trồng rừng gỗ lớn FSC mà còn là vùng cây dược liệu hàng hóa trong tương lai. Xây dựng nông thôn mới không ngoài mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân”, ông Lê Anh Chương, Chủ tịch UBND xã Cam Thành.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.