| Hotline: 0983.970.780

Tổ chức sản xuất gắn với liên kết chuỗi giá trị giúp nâng cao thu nhập

Thứ Tư 26/04/2023 , 10:45 (GMT+7)

Kiên Giang Kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất gắn với liên kết chuỗi giá trị, giúp nâng cao thu nhập của người dân xã nông thôn mới.

Phát triển Hợp tác xã đa dịch vụ

Ông Huỳnh Thanh Liêm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua, Hợp tác xã trên địa bàn không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô sản xuất. Các dịch vụ của Hợp tác xã được mở rộng, sản xuất theo nhu cầu thị trường, liên kết chuỗi giá trị, giúp nâng cao thu nhập cho thành viên.

Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 7A (huyện Tân Hiệp) được hỗ trợ đầu tư hạ tầng, trạm quan trắc sâu rầy tự động, giúp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho xã viên. Ảnh: Trung Chánh.

Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 7A (huyện Tân Hiệp) được hỗ trợ đầu tư hạ tầng, trạm quan trắc sâu rầy tự động, giúp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho xã viên. Ảnh: Trung Chánh.

Các Hợp tác xã đã tích cực chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của Luật Hợp tác xã. Đến nay, toàn tỉnh có 450 Hợp tác xã đang hoạt động, gồm 358 Hợp tác xã trồng trọt, 90 Hợp tác xã thủy sản và 2 Hợp tác xã chăn nuôi, với 31.801 thành viên tham gia, diện tích sản xuất 55.456 ha. Doanh thu bình quân của Hợp tác xã đạt 400 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 133 triệu đồng/Hợp tác xã. Xây dựng 4 mô hình Hợp tác xã đa dịch vụ, đa mục tiêu, thành viên đa dạng, liên kết chuỗi giá trị ở các huyện Tân Hiệp, Hòn Đất, Châu Thành và U Minh Thượng. Đặc biệt là đã thành lập được 3 Liên hiệp Hợp tác xã với 35 Hợp tác xã thành viên tham gia.

Không chỉ tăng về số lượng mà những năm gần đây nhiều Hợp tác xã đã có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững với các doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm 2022, có 104 Hợp tác xã có hợp đồng liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp, tổng diện tích là 61.431.6 ha. Từ đó, xác lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến, xuất khẩu.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP trong xây dựng nông thôn mới đã giúp nâng cao giá trị cho các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang đã có 176 sản phẩm được đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 133 sản phẩm đạt 3 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Có 81 chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP, trong đó có 22 chủ thể là doanh nghiệp, 14 chủ thể là Hợp tác xã và 45 chủ thể là hộ kinh doanh.

Hỗ trợ đầu tư cho Hợp tác xã

Theo ông Huỳnh Thanh Liêm, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Các chương trình, dự án đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các Hợp tác xã. Cụ thể, đã có 14 Hợp tác xã được hỗ trợ cơ sở hạ tầng, gồm 12 trụ sở làm việc, 1 cửa hàng vật tư nông nghiệp và 1 công trình lộ giao thông nội đồng. Riêng dự án VnSAT, đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho 22 Hợp tác xã và tập huấn về kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” cho 53 Hợp tác xã và Tổ hợp tác.

Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 5A (huyện Tân Hiệp) phát triển đa dịch vụ, hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản cho xã viên. Ảnh: Trung Chánh.

Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 5A (huyện Tân Hiệp) phát triển đa dịch vụ, hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản cho xã viên. Ảnh: Trung Chánh.

Xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị lúa gạo tại Hợp tác xã Nông nghiệp 422 (huyện Hòn Đất). Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã đầu tư 20 máy sấy lúa, công suất 500 tấn/ngày. Dự án đã VnSAT đã đầu tư tuyến đường kênh 422, kênh T5, kênh T6 tổng chiều dài 8,6 km. Hợp tác xã 422 đã kết nạp thêm thành viên mở rộng diện tích thêm 100 ha.

Tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức, đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Hợp tác xã, khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế của địa phương. Tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với sinh kế người dân ở từng vùng, từng điều kiện, từng nguồn lực. Tăng cường tập huấn bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể cho cán bộ Hợp tác xã và cán bộ quản lý nhà nước làm công tác theo dõi kinh tế tập thể cần được tạo điều kiện đào tạo căn bản, nâng cao năng lực, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã của tỉnh.

Xây dựng chương trình, dự án mang tính đột phá nhằm hỗ trợ các Hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất theo các tiêu chuẩn như SRP, hữu cơ, VietGAP... Hỗ trợ nhãn hiệu thương mại và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho Hợp tác xã, tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa hiệu quả.

Phát triển Hợp tác xã năng động, hiệu quả, bền vững, thu hút càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Hình thành chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu gắn với xây dựng cánh đồng lớn, chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có qui mô lớn của tỉnh.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.