Nghĩa là chọn đúng người xứng đáng ngồi vào đúng ghế của họ. Ở bất cứ lĩnh vực nào, con người cũng là yếu tố quyết định. Chốn quan trường, con người càng là trung tâm của mọi thịnh suy và được mất. Quyền lực trao vào tay kẻ ngu dốt thì nguy hiểm một bề, mà quyền lực trao vào tay kẻ đồi bại thì nguy hiểm trăm bề. Nhất là trong cơ chế thị trường, đồng tiền dẫn lối cho kẻ xấu và kẻ ác hoành hành không kém gì ma quỷ.
Mục tiêu cốt lõi của đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" là tìm được cán bộ cấp chiến lược cho những vị trí lãnh đạo chủ chốt. Dĩ nhiên, sẽ là viển vông nếu đặt ra tiêu chí cán bộ cấp chiến lược như những vĩ nhân xuất chúng. Xưa nay, những bậc lỗi lạc luôn cần sự kết tinh của nhiều năm tháng, nhiều thế hệ chứ không phải thời nào cũng có. Cho nên, sự chờ đợi của xã hội đối với cán bộ cấp chiến lược chỉ nằm ở tính chính danh, một khi đã bước chân vào quan trường thì chấp nhận hy sinh hạnh phúc và ham muốn riêng tư, mỗi hành động đều vì sự nghiệp chung chứ không thể mải mê chăm lo nồi canh niêu cơm bản thân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nêu quan điểm tuyển lựa cán bộ “phải chọn người tài, chứ không chọn người nhà”. Để mặc sức sai quấy, quan chức thường đưa anh em và bà con vào các chức vụ xung quanh mình để làm vây cánh, hòng thao túng tất cả chủ trương lớn nhỏ. Tình trạng cả họ làm quan, đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương. Có không ít cuộc họp ảnh hưởng đến tương lai của một huyện hoặc một tỉnh, mà quay qua quay lại chỉ thấy những người vỗ vai gọi nhau là chú bác, cô cậu. Thế nhưng, sự vô liêm sỉ khi chọn người nhà làm cán bộ, chưa đáng ngại bằng chọn người… hầu làm cán bộ. Những kẻ kém năng lực và trình độ, nhưng chịu khó nịnh nọt cơm dâng nước rót sẽ có cơ hội bước chân vào quan trường và thăng tiến thần tốc. Đây là đầu mối của những cuộc chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy bằng cấp… Và nguy hiểm hơn nữa là tạo ra lợi ích nhóm, kéo bè kết cánh để ăn tàn phá hại mọi thứ do cộng đồng vun đắp.
Lẽ đời, kẻ bất tài sẽ trù dập kẻ có tài, kẻ khuất tất sẽ hãm hại người tử tế. Do vậy, muốn có cán bộ cấp chiến lược thì không thể không có một cơ chế giám sát quyết liệt được xây dựng mạch lạc và tỉ mỉ. Cơ chế dân chủ cơ sở, cơ chế lắng nghe dư luận, cơ chế kiểm tra thường xuyên… là những phương tiện hữu hiệu để đào tạo và bảo vệ cán bộ cấp chiến lược được toàn tâm toàn ý phụng sự tổ quốc và nhân dân!