| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng Quỳnh Nhai

Thứ Ba 24/11/2015 , 06:10 (GMT+7)

Hiện nay ở Sơn La, tình hình bố trí, sắp xếp dân cư tại những vùng đặc biệt khó khăn, những vùng bị thiên tai như sạt lở đất, đá lăn đã tiến triển tích cực.

Trong đó Quỳnh Nhai là một trong những huyện đi đầu, điểm sáng và hoàn thành cơ bản sắp xếp dân cư theo Quyết định 1776 của Chính phủ.

Niềm vui bên những ngôi nhà mới

Trên vùng đất mới, nhìn từ xa, bản Ca, xã Chiềng Khoang nổi bật với những ngôi nhà ngói mới đỏ tươi mọc liền kề. Biết chúng tôi xuống tìm hiểu về nơi ở mới của bà con bản Ca, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoang Lò Văn Chơi tay bắt mặt mừng.

Hiện nay, bà con bản Ca đều có nhà mới, to và khang trang. Trước kia sống trên những sườn núi, hễ mưa là sạt lở đất, đá lăn, uy hiếp và gây hoang mang cho người dân. Từ khi chuyển về tái định cư tại bản Ca mới, người dân yên tâm, không lo mưa gió, đá lăn…

Bản Ca cũ có 90 hộ sinh sống. Thực hiện Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ về bố trí sắp xếp dân cư, bản Ca được bố trí, sắp xếp nơi ở mới.

Có 48 hộ chuyển đến vùng đất gần trung tâm xã, cách điểm cũ hơn 3km, có tỉnh lộ đi qua nên thuận lợi cho việc lao động, sinh sống.

Anh Lò Văn Thiện vừa đi nương về chia sẻ: “Anh xem, mọi thứ đều mới, giống như một giấc mơ mà bấy lâu bà con ao ước đã thành hiện thực. Về đây ai cũng vui mừng, phấn khởi khi có nhà mới, điện thắp sáng, nước sạch; gia đình nào cũng sắm được xe máy, tivi, có điện thoại di động nữa…".

Được lên vùng đất mới cao ráo, bằng phẳng, rộng hơn nên người dân ở đây cũng chăm chỉ làm ăn, SX, lao động.

Không chỉ trồng lúa, trồng ngô, mà trên những nương rẫy bà con đã trồng cây cao su, đây cũng là hướng đi mới. Bà con đã tính đến SX, làm ăn lâu dài, không còn trồng cây ngắn ngày có giá trị thấp, mà tính đến tương lai với cách nghĩ mới, tiến bộ hơn.

Chia tay với vùng đất mới, con người mới ở bản Ca, chúng tôi đến bản làng xa xôi của bà con người Mông ở Huổi Ngà, xã Mường Giôn, cách trung tâm huyện Quỳnh Nhai gần 70km, cách trung tâm xã 30km. Mất hơn 2 tiếng đi xe máy vào bản, chúng tôi chứng kiến những sự đổi mới của người dân nơi đây.

Vượt qua con đường đèo hun hút, chúng tôi cũng đến được miền đất của bà con dân tộc Mông đang sinh sống. Vừa thấy chúng tôi, Phó trưởng bản Vằng Thị Dê đã khoe: “Ở đây sướng lắm, vui lắm anh à, có nhà mới, có đường bê tông vào tận nhà, có điện, có nước…

Ngày trước sống trong núi, mỗi người mỗi nơi, sống 2 - 3 khu rải rác, mỗi nhà cách nhau hơn 1km, không có điện, không có nước. Nhưng giờ Nhà nước thương mình nên cho người dân về vùng đất mới mà không phải lo sợ đất, đá rơi nữa, cuộc sống khá lên”.

Cơ bản hoàn thành mục tiêu

Hiện nay, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Quỳnh Nhai thì huyện đã cơ bản hoàn thành mục tiêu bố trí, sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn, thiên tai theo Quyết định 1776 của Chính phủ.

09-45-03_nh-1
Những ngôi nhà ngói mới ở bản Ca, xã Chiềng Khoang

Quỳnh Nhai đã thực hiện sắp xếp, bố trí 7 điểm tái định cư, trong đó 5 điểm cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra như: Bản Ca (xã Chiềng Khoang), bản Nậm Ngùa (xã Chiềng Khay), bản Huổi Ngà (xã Mường Giôn), bản Cả (xã Cà Nàng), bản Bon (xã Mường Chiên), còn 2 điểm tái định cư đang triển khai là bản Mường Tăm (xã Mường Hải) và bản Kéo Ca.

Tổng số dân mà huyện bố trí, sắp xếp tái định cư là 344 hộ, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Mông và Kháng…

Ông Tòng Xuân Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Quỳnh Nhai, cho biết: “Đầu tiên khi đặt vấn đề về bố trí, sắp xếp, tái định cư nơi ở mới, người dân cũng hoang mang, lo lắng.

Để bà con chấp nhận đến định cư ở vùng mới, cán bộ của Ban Quản lý dự án phải thay nhau đến ăn, ngủ, uống rượu với bà con dân bản.

Qua thời gian sống chung, ăn chung, nắm bắt nguyện vọng của bà con, dần dần họ mới tin tưởng và nghe theo về khu tái định cư.

Đồng thời khi những công trình dựng lên, có nhà văn hóa, có lớp học, có trạm y tế, có điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt… được xây dựng mới, hiện đại, khang trang thì ai cũng vui mừng, phấn khởi và nhiều hộ dân ở những vùng không quy hoạch lại xin chuyển về thêm”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Quy mô sản phẩm OCOP tại Đắk Lắk còn khiêm tốn

Đắk Lắk có 240 sản phẩm OCOP nhưng quy mô của các chủ thể còn khiêm tốn, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu tính đồng bộ.