| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở Hàm Hiệp

Thứ Hai 05/12/2022 , 07:50 (GMT+7)

Xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) nhờ xây dựng nông thôn mới mà đời sống kinh tế của người dân ngày càng khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.

Hàm Hiệp là một xã đồng bằng có diện tích 37km2, cách trung tâm huyện 20 km về phía Nam. Toàn xã có 6 thôn, 3.080 hộ, tương đương 13.097 khẩu. Người dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cây thanh long.

Empty

Xã Hàm Hiệp ngày càng khởi sắc nhờ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: KS.

Giai đoạn năm 2011-2020 phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hàm Hiệp được các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Điều này thể hiện khi xã đã về đích nông thôn từ năm 2016, vượt sớm hơn 4 năm so với lộ trình kế hoạch đề ra.

Ngày hôm nay, trở lại xã nông thôn mới Hàm Hiệp, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước không khí thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tăng gia sản xuất sôi nổi của người dân địa phương.

Tận mắt chứng kiến những tuyến đường được bê tông rộng khắp các thôn, xóm. Những công trình phúc lợi, trường học, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, kiên cố, chúng tôi mới thấy hết được giá trị của phong trào xây dựng nông thôn mới đối với sự đổi thay của xã.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp, cho biết, điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở Hàm Hiệp là hiện các tuyến đường làng, ngõ xóm trong nội thôn của xã đã được bê tông hóa trên 80% và đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 20 km nữa. Đây là những tuyến đường chủ yếu đến các vùng phát triển sản xuất để vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.

Empty

Hầu như các đường xóm, thôn ở Hàm Hiệp đều được bê tông hóa. Ảnh: KS.

Một điểm sáng nữa ở Hàm Hiệp có thể nói hơn nhiều xã khác là hệ thống tưới tiêu được đầu tư bài bản. Bên cạnh các kênh mương chính được Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đầu tư đều đi qua đất sản xuất của bà con. Đối với các kênh mương còn lại, xã vận động người dân đóng góp kinh phí theo cơ chế 20%, 80% nên đã kiên cố hóa tuyến kênh mương nội đồng hay bị sạt lở làm mất nguồn nước.

Cái được nữa ở Hàm Hiệp đó là mạng lưới giáo dục, cơ sở vật chất trên địa bàn xã đáp ứng yêu cầu dạy và học, giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Cũng như các nhà văn hóa thôn, khu thể thao từ xã đến thôn đều được đầu tư đạt chuẩn và trên chuẩn về tiêu chí mới.

Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo, nhận thức của người dân trên địa bàn xã đã được nâng lên đáng kể. Trước đây, giai đoạn năm 2007- 2009, khi cuối năm bình xét hộ nghèo hầu như lúc nào người dân cũng có đơn. Nhiều người có tư tưởng mừng rỡ khi mình còn nằm trong danh sách hộ nghèo. Nhưng khi xã bắt đầu xây dựng nông thôn mới, thông qua tuyên truyền vận động, giải thích và tạo điều kiện của địa phương từ vận động doanh nghiệp hỗ trợ vốn, giúp đỡ khi khó khăn, cũng như các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách và các đoàn thể. Từ đó, người dân nâng cao nhận thức và phải biết trách nhiệm ra sức làm mới có thu nhập, chứ không phải nằm chờ. Gắn vào đó, xã đưa về các mô hình phát triển kinh tế như chuyển đổi giống lúa mới, chăn nuôi bò vỗ béo, bò cái sinh sản, trồng đinh lăng…

Empty

Người dân đầu tư lò đốt để xử lý rác tại gia đình. Ảnh: KS.

“Nhờ vậy đến nay, hộ nghèo đa chiều trên địa bàn xã giảm chỉ còn 3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 51,6 triệu/người/năm, trong khi trước đây khi xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 16 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên, trong đó có việc chăm lo xây sửa nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách; đảm bảo cho người dân không còn sống trong cảnh nhà đột nát”, ông Cường chia sẻ và cho biết thêm, về môi trường, qua kiểm tra, xã Hàm Hiệp được tỉnh công nhận đến nay 100% cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn về môi trường.

Tuy nhiên do địa bàn xã rộng việc thu gom rác từ công trình công cộng của huyện chỉ đáp ứng 2 thôn. Do đó, để hạn chế thấp nhất người dân mang rác thải ra đường vứt gây ô nhiễm môi trường, xã phát động bà con xử lý rác thải tại gia đình theo quy định, chẳng hạn như chôn lấp, tự đốt tiêu hủy. Đồng thời triển khai mô hình mỗi gia đình, đơn vị trên địa bàn xã chưa được thu góm rác, thì xây dựng lò để xử lý rác thải rất được bà con hưởng ứng. Đây là mô hình được huyện xếp vào diện dân vận khéo của năm 2022 đối với Đảng ủy, địa phương và người dân của xã. Mô hình này đã được nhiều địa phương khác đến tham quan, học tập để về vận động người dân xây lò xử lý, chứ việc chờ thu gom rác công cộng khó thể đáp ứng. Bởi không phải về phương tiện thu gom mà giao thông để xe vào tận nơi để lấy rác không đơn giản.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp, đối với hệ thống chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn cũng cơ bản đảm bảo. Qua rà soát các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, hiện xã đạt 15/19 tiêu chí. Xã đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 đầu 2024 sẽ về đích nông thôn mới nâng cao.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.