Xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) là một trong 10 xã đầu tiên của tỉnh Quảng Nam được công nhận đạt chuẩn xã NTM vào năm 2015. Từ thời điểm đó đến nay, địa phương này đã có những bước tiến đáng kể. Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, đến tháng 5/2022 vừa qua, xã này vinh dự được UBND tỉnh Quảng Nam trao bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Xã Điện Quang xác định, xây dựng nông thôn mới không chỉ là hình thức bề ngoài, chăm chăm chú tâm vào các tiêu chí như điện, đường, trường, trạm... mà phải lấy phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt, đời sống nông thôn làm trung tâm. Những năm qua, lãnh đạo địa phương đã có những chỉ đạo, định hướng nhằm tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Theo đó, Điện Quang đã tranh thủ lồng ghép nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng cho sản xuất như bê tông hóa kênh mương, giao thông nội đồng, tăng cường ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp…Từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực trong kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Nhờ những sự đầu tư có định hướng này, hiện nay toàn bộ diện tích lúa của xã Điện Quang đều được gieo sạ với năng suất trung bình đạt 60 tạ/ha. Những cây trồng cạn luôn cho năng suất cao và ổn định. Nhiều mô hình sản xuát có giá trị và hiệu quả kinh tế cao được hình thành như đậu phụng, ớt, ngô nếp, cỏ chăn nuôi…
Song song với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng rất được địa phương chú trọng. Đặc biệt là phát triển đàn bò lai. Địa phương luôn duy trì tổng đàn bò trên 4.500 con, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm đến 98%. Bên cạnh đó, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Điện Quang đã quy hoạch, vận động, tạo điều kiện cho các hộ đưa bò ra các vùng chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư.
Đến nay, toàn xã đã có gần 100 hộ chăn nuôi ở khu tập trung với quy mô từ 8 – 15 con/hộ. Cùng với việc quan tâm đến công tác phòng trừ dịch bệnh, tiêm phòng vacxin nên đàn bò của các hộ dân tại đây luôn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, cho hiệu quả cao. Tính trung bình, mỗi con bò với chu kỳ nuôi 12 tháng, sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập từ 9 – 11 triệu đồng mỗi con.
Theo bà Trần Kim Thoa, Chủ tịch UBND xã Điện Quang, để góp phần phát triển kinh tế nông thôn, xã này luôn xác định kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế nông hộ. Chính vì thế mà lãnh đạo xã luôn quan tâm, tạo điều kiện để các hợp tác xã hoạt động. Đến nay, địa phương đã có 3 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực không những góp phần trong việc phát triển sản xuất của người dân mà còn tích cực tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp của xã. Đơn vị này đã đóng góp to lớn vào thành quả xây dựng xã đạt chuẩn, giữ và nâng cao chuẩn NTM”, bà Thoa thông tin.
Bên cạnh thực hiện các mô hình sản xuất ổn định tại địa phương, xã Điện Quang cũng đã vận động, tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận, thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh mới. Đây là những mô hình phát huy được lợi thế của địa phương, không những mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các nông hộ mà còn tạo được nhiều việc làm cho nhiều lao động trong xã.
Trong đó có thể kể đến như mô hình nuôi bò 3B của ông Phạm Dũng, Phan Xang (thôn Bến Đền); Mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm và ốc Giống của ông Trần Kiêm (thôn Xuân Kỳ) cho thu nhập 500 triệu đồng/năm; Mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây cảnh của ông Trần Bài và Đoàn Ngọc Bài ở thôn Xuân Kỳ; mô hình trồng măng tây gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, thực hiện chế biến, tiêu thụ sản phẩm bước đầu cũng cho thấy nhiều kết quả khả quan.
Với những gì đã thực hiện, bộ mặt nông thôn ở Điện Quang từng bước khởi sắc qua mỗi giai đoạn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng ngày càng được nâng lên. Tính đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân của xã đã đạt 52 triệu đồng/người/năm; xã không còn hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo. Kết quả này sẽ là tiền đề vô cùng thuận lợi để Điện Quang phấn đấu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023.