| Hotline: 0983.970.780

Diện mạo mới ở 'vương quốc khóm'

Thứ Năm 08/08/2024 , 09:35 (GMT+7)

Tiền Giang Huyện Tân Phước vừa được tỉnh Tiền Giang đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2024 trong niềm vui, tự hào của nhân dân sau hơn 30 năm đổi mới.

Đường quê mở rộng, giá khóm lên cao

Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông của huyện Tân Phước đã được đầu tư khá đồng bộ, xe cộ lưu thông dễ dàng. Tại xã Tân Lập 2, từ nguồn vốn ngân sách và nhân dân đóng góp, đến năm 2019, năm được công nhận đạt chuẩn NTM, 7/8 tuyến đường được đầu tư trải nhựa. Năm 2022, xây dựng NTM nâng cao, xã tiếp tục được đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1 tỷ đồng.

“Đến nay, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đường giao thông mở rộng đến đâu kinh tế phát triển đến đó. Từ huyện đến xã, từ xã đến ấp đã đi được bằng ô tô, nhân dân phấn khởi, xây nhà mới, nhiều hộ mua ô tô, chỉnh trang nhà cửa, trồng thêm cây cảnh, đóng góp làm đèn đường”, ông Phạm Kiên Nhẫn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã không giấu niềm tự hào.

Đường giao thông sạch đẹp ở huyện Tân Phước. Ảnh: Kiều Nhi.

Đường giao thông sạch đẹp ở huyện Tân Phước. Ảnh: Kiều Nhi.

Xây dựng NTM được người dân đồng tình, hưởng ứng rất cao. Theo khảo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang, hơn 99,7% người dân huyện Tân Phước hài lòng về kết quả xây dựng NTM. Hôm chúng tôi đến xã Tân Lập 2, gặp được ông Trần Hữu Tông (ở ấp Tân Dinh) cùng với nhiều bà con rất phấn khởi trồng hoa hai bên đường để chuẩn bị chào đón huyện Tân Phước đạt chuẩn NTM. Ông Trần Hữu Tông, phấn khởi:

“Xây dựng NTM rồi nâng cao đã thay đổi rất nhiều cho quê hương Tân Lập 2. Đường vô nhà tôi, dọc theo kênh Sáu Ầu cũng được đầu tư mở rộng 3,5m, xe tải tới lui chở khóm rất thuận tiện. Nhà tôi có 1ha khóm, mấy năm giá cao từ 10.000 đồng/kg trở lên, nên thu nhập rất tốt, từ 70-80 triệu đồng/năm”.

Giá khóm cao hơn 1.000 đồng/kg nhờ phát triển giao thông. Ảnh: Kiều Nhi.

Giá khóm cao hơn 1.000 đồng/kg nhờ phát triển giao thông. Ảnh: Kiều Nhi.

Theo ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, Sau hơn 13 năm xây dựng NTM, huyện Tân Phước đầu tư mở rộng 134 tuyến đường và 117 cây cầu nông thôn; trong đó, 24 tuyến đường xã dài gần 72km, 42 tuyến đường ấp là trên 96km, 68 tuyến đường ngõ xóm dài trên 150km. Nhờ đường sá rộng mở, thương lái vào đến tận ruộng, giá nông sản được cải thiện rõ rệt, nhất là giá khóm cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với trước.

Tái cơ cấu mang nhiều kết quả khả quan

Công tác triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp mang lại nhiều kết quả khả quan, mở ra nhiều triển vọng cho phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Huyện tập trung vào 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi với 4 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, trái cây, rau màu và chăn nuôi (heo, gà). Theo đó, địa phương giữ vững đất trồng lúa khoảng 6.200ha, hơn 15.700ha khóm (lớn nhất ĐBSCL), 600ha thanh long, 1.200ha mít tại các xã Hưng Thạnh, thị trấn Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Tân Hòa Đông... Vùng trồng rau màu với diện tích sản xuất mỗi năm trên 1.500 ha tập trung ở xã Phú Mỹ, xã Tân Hòa Thành, thị trấn Mỹ Phước. Đối với chăn nuôi, huyện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung 179,31 ha tại xã Thạnh Hòa.

Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước chia sẻ về hạ tầng giao thông, kinh tế của Tân Phước sau hơn 13 năm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước chia sẻ về hạ tầng giao thông, kinh tế của Tân Phước sau hơn 13 năm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết: “Trong tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, chủ yếu tăng cường áp dụng công nghệ, cơ giới hóa và số hóa vào sản xuất. Trên cây lúa, nông dân rất nhàn nhờ thực hiện cơ giới gần 100% các khâu từ làm đất đến thu hoạch. Đối với cây khóm, huyện chủ trương tập trung nâng cấp giống cũ và đưa giống mới vào sản xuất. Hiện nông dân cũng đưa vào sản xuất giống khóm mới MD2 và giống khóm queen từ tỉnh Kiên Giang để đa dạng bộ giống khóm của địa phương”.

Điển hình như, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (xã Tân Lập 2) là đơn vị tiên phong ở Tân Phước phát triển giống khóm MD2. Giống khóm này có năng suất trung bình 50 tấn/ha/năm, cao hơn từ 20 tấn/ha so với giống khóm truyền thống. Đến nay, HTX đã nhân rộng diện tích đến 45ha tại một số xã trong huyện, trong đó có 5ha sản xuất giống.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc HTX chia sẻ, chi phí trồng mới cho 1ha trong chu kỳ 2,5 năm (2 vụ) gần 300 triệu đồng. Vụ đầu tiên, nông dân thu trái với năng suất 50 tấn/ha, với giá thu mua cố định là 9.000 đồng/kg thu về 450 triệu đồng. Sang vụ thứ hai, không xử lý trái mà tách chồi bán cây con sẽ thu thêm được 160 triệu đồng. Trừ chi phí nông dân thu lợi nhuận trên 310 triệu đồng, gấp 2 lần so với khóm truyền thống.

“Khóm MD2 của HTX đã được xuất khẩu sang các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông. Đầu năm đến nay đã xuất được 4 container, dự kiến đến cuối năm sẽ xuất thêm 3 container. Theo kế hoạch, năm 2025 HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất khóm MD2 lên 100ha, sau đó là 200ha”, ông Khoa nói.

Người dân hưởng ứng xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Kiều Nhi.

Người dân hưởng ứng xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Kiều Nhi.

Phân bổ trên 1.265 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng NTM

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, năm 2024 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên 1.265 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách trung ương hỗ trợ trên 197 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Tiền Giang có 138 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 51 xã NTM nâng cao và 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 6 huyện đạt chuẩn NTM. Riêng huyện Tân Phước, công tác xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh sớm đạt mục tiêu đề ra, 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Mỹ Phước đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện Tân Phước đã được Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Cũng theo ông Mẫn cho biết, phấn đấu đến cuối năm, toàn tỉnh có 90% xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM (Tân Phước và Tân Phú Đông) và 2 huyện NTM nâng cao (Chợ Gạo và Gò Công Đông). Để đạt được kết quả trên, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục phối hợp các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.

Đó là chương trình OCOP; chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM; chương trình phát triển du lịch nông thôn; chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM; chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM. 

Từ khi bắt đầu xây dựng NTM (năm 2011), kinh tế của huyện Tân Phước tăng nhanh. Đến nay, tỷ trọng khu vực I chiếm khoảng 10%. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đến cuối năm 2024 ước đạt 2.072 tỷ đồng, tăng 688 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 64,34 triệu đồng/năm tăng 42,5 triệu đồng. Ngoài ra, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%, sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,59%, 100% lao động có việc làm.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất