| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 22/05/2013 , 09:56 (GMT+7)

09:56 - 22/05/2013

Điều còn thiếu của chính sách đúng đắn

Các DN kinh doanh khó khăn không hề hưởng lợi từ đề xuất giảm thuế thu nhập bởi họ không kinh doanh không có lãi thì lấy gì nộp thuế để được... giảm thuế?

Các doanh nghiệp đang khó khăn, thua lỗ, thậm chí là bên bờ vực phá sản... không được hưởng lợi từ đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bởi họ kinh doanh không có lãi thì lấy gì nộp thuế để được... giảm thuế?

Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN được trình Quốc hội ngay ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 5, khóa XIII, Chính phủ đề xuất giảm thuế TNDN phổ thông xuống còn 22% từ ngày 1/1/2014 (hiện là 25%). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu hàng năm không vượt quá 20 tỷ đồng) được đề nghị áp mức thuế suất phổ thông 20% kể từ ngày 1/7 tới.


Ảnh minh họa

Riêng các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội được đề nghị hưởng mức thuế suất ưu đãi chỉ 10% và thời hạn áp dụng cũng từ ngày 1/7/2013.

Cũng theo tờ trình của Chính phủ, việc điều chỉnh giảm thuế TNDN với lộ trình như trên dự kiến sẽ làm nguồn thu của ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014 giảm khoảng 22.000 tỷ đồng, khiến nhiều ý kiến e ngại tình trạng NSNN vốn đã eo hẹp lại càng thêm khó khăn.

Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách đều cho rằng việc giảm thuế là cần thiết bởi 22.000 tỷ đồng giảm thu NSNN (dự kiến) sẽ ở lại trong doanh nghiệp, trở thành vốn đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đi vay, giúp khắc phục khó khăn khi tiếp cận vốn vay giá rẻ từ ngân hàng và các tổ chức tài chính. Đồng thời, việc giảm mạnh thuế TNDN cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tình trạng "sửa chữa" sổ sách kế toán để trốn thuế, giảm thuế ở không ít các doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy lộ trình giảm thuế TNDN sẽ mang lại khá nhiều lợi ích, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội. Thế nhưng, cũng cần thừa nhận rằng chính sách giảm thuế TNDN là chưa đủ để cứu doanh nghiệp trong giai đoạn tình hình kinh tế đang hết sức khó khăn như hiện nay!

Thực tế cho thấy, việc giảm thuế TNDN sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp đang kinh doanh có lãi bởi đây là loại thuế đánh vào phần thu nhập của doanh nghiệp sau khi đã trừ hết các khoản chi phí. Trong khi đó, những đối tượng cần được "cứu" khẩn cấp hơn cả là các doanh nghiệp đang khó khăn, thua lỗ và đang bên bờ vực phá sản... thì lại hoàn toàn đứng ngoài chính sách hỗ trợ này.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, chỉ riêng quý I năm nay đã có hơn 15.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vì không tiếp cận được nguồn vốn vay có lãi suất hợp lý, chi phí đầu vào tăng nhanh trong khi không tìm được đầu ra cho hàng hóa, dịch vụ do nhu cầu thị trường đóng băng... Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn nữa bởi nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mà chỉ lẳng lặng đóng cửa và chấm dứt hợp đồng với người lao động, kéo theo đó là hàng trăm nghìn người lao động rơi vào tình cảnh thất nghiệp khiến gia tăng sự bất ổn của nền kinh tế.

Như vậy, lộ trình giảm thuế TNDN mà Chính phủ trình Quốc hội là một đề xuất đúng đắn, giúp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Thế nhưng, chính sách này dường như mới chỉ nhắm đến đối tượng các doanh nghiệp đang "sống khỏe" mà bỏ quên những đối tượng đang "ốm yếu".

Bởi vậy, thiết nghĩ Chính phủ và Quốc hội cũng cần xem xét các quyết sách phù hợp để cứu những doanh nghiệp đang "thoi thóp" bên bờ vực phá sản!