| Hotline: 0983.970.780

Điều hành xuất khẩu gạo phải gắn với phát triển bền vững

Thứ Bảy 19/08/2023 , 09:32 (GMT+7)

Góc nhìn của các doanh nghiệp và chuyên gia về cơ chế điều hành xuất khẩu gạo gắn với nhiệm vụ giữ vững an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam:

Quản lý hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp

Xuất khẩu gạo của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vươn lên hàng thứ 2 sau Ấn Độ và cao hơn xuất khẩu gạo của Thái Lan.

Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được các mục tiêu là tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho bà con nông dân với giá cả tốt, bình ổn được giá thị trường trong nước và góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được hầu hết các thị trường trên thế giới. Đây là tín hiệu đáng mừng, đạt được kết quả này cũng nhờ thắng lợi trong tổ chức sản xuất lúa gạo như về cơ cấu mùa vụ, giống, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tiết kiệm chi phí.

Cùng với đó, quản lý sản xuất trước diễn biến thất thường của thời tiết dự báo sẽ kéo dài là yếu tố tiên quyết để định hướng sản xuất và xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần thực hiện nghiêm khâu dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương cần xem xét có cơ chế quản lý đăng ký hợp đồng để theo dõi tình hình ký kết, thực hiện đơn hàng và lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp để có chính sách điều hành vĩ mô.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc:

Các doanh nghiệp cần kết nối, trao đổi thường xuyên

Thời gian qua, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được thực hiện rất tốt. Từ đó đảm bảo được các mục tiêu lớn gồm: Đảm bảo tiêu dùng trong nước, tiêu thụ lúa cho bà con nông dân, xuất khẩu lương thực số lượng lớn với kim ngạch cao, đồng hành cùng phát triển trong chuỗi sản xuất.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1). Ảnh: Kim Anh.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1). Ảnh: Kim Anh.

Dưới góc độ doanh nghiệp nhà nước, Bộ Công Thương cần nắm lại các hợp đồng của các doanh nghiệp đã ký kết. Chúng ta đã xác định được sản lượng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, nhưng hợp đồng doanh nghiệp đã ký kết cần thực hiện cũng rất quan trọng đối với việc cân đối cung cầu. Nếu số lượng hợp đồng đã ký rất cao, gần bằng với lượng chúng ta có thể xuất khẩu được mà thời gian tới doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng thì rõ ràng sẽ có sự chênh lệch cung - cầu trong nước.

Hiện nay các nước xuất khẩu và nhập khẩu gạo trên thế giới có sự thay đổi về chủ trương, chính sách rất lớn trong công tác xuất nhập khẩu. Chúng ta cần có những dự báo, dự đoán từ xa để giúp doanh nghiệp, các địa phương có sự chuẩn bị lượng hàng hóa và đàm phán xuất khẩu hiệu quả.

Giá gạo tăng lên rất tốt, nông dân có lợi, nhưng phải cân đối, đảm bảo tiêu dùng trong nước và giá phải ở mức độ ổn định. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi cũng đã thực hiện thu mua lượng lớn lúa cho nông dân để xuất khẩu. Đây là thời kỳ có sự biến động rất lớn, chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thường xuyên có sự trao đổi để cập nhật, phân tích tình hình thị trường để vừa giữ vững an ninh lương thực, nông dân và doanh nghiệp phát triển bền vững.   

 

Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp:

Việt Nam có thể chủ động về an ninh lương thực

Việt Nam cần nhìn nhận quyết định của Ấn Độ với tư cách là cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, chiếm khoảng 40% thị phần thương mại gạo toàn cầu. Quyết định này sẽ tác động rất lớn đến thị trường lúa gạo thế giới. Tâm lý chung của các quốc gia dùng gạo sẽ chuyển sang mua gạo của Việt Nam và Thái Lan.

TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế. Ảnh: Kim Anh.

TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế. Ảnh: Kim Anh.

Thị trường lúa gạo đang xảy ra sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các quốc gia xuất khẩu. Cung cầu lúa gạo trên thế giới sẽ có biến đổi và ảnh hưởng rất lớn bởi những yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh... Trước bối cảnh đó, chúng ta phải tính toán và giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất là giải pháp trước mắt để điều hành xuất khẩu gạo. Thứ hai là sự chuyển động bền vững của ngành hàng lúa gạo trong việc đầu tư lâu dài, thích ứng với những biến đổi của thị trường lúa gạo trên thế giới.

Tất nhiên, quốc gia nào cũng cần ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam với 100 triệu dân và tất cả các gia đình đều sử dụng gạo. Xét ở mối quan hệ cung - cầu, Việt Nam hoàn toàn chủ động được an ninh lương thực, nhưng phải đảm bảo khâu dự trữ. Vấn đề này cũng đã có bài học thực tế vào tháng 4/2021 chúng ta đã ngưng xuất khẩu gạo và ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Với điều kiện sản xuất của Việt Nam hiện nay, câu trả lời là hoàn toàn có thể đảm bảo được an ninh lương thực trong mọi tình huống.

Trong điều hành xuất khẩu gạo hiện nay, tôi cho rằng cần tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất là nắm chắc, theo dõi sát diễn biến thị trường lúa gạo thế giới để đưa ra quyết định thu mua, ký kết hợp đồng với đối tác.

Thứ hai là bố trí nguồn vốn để tổ chức thu mua lúa gạo, đặc biệt là ứng phó ngay với diễn biến thị trường khi giá lúa gạo lên cao. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước có xu hướng giảm lãi suất, có chương trình tín dụng, vì vậy cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Thứ ba là nâng cao năng lực và tính liên kết và hài hòa lợi ích của bà con nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo.

Thứ tư, cần phải đảm bảo quy hoạch mà Bộ NN-PTNT, các tỉnh thành vùng ĐBSCL đang triển khai vùng nguyên liệu trồng lúa hơn 1 triệu ha chuyên canh chất lượng cao để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Đó chính là hướng đi bền vững, lâu dài.

Thứ năm là cần tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics và hạ tầng nông nghiệp để đảm bảo vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững.

 

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ:

Cơ hội để lúa gạo Việt Nam vươn lên giá trị, phẩm chất cao hơn

Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới nhưng chủ yếu là gạo chất lượng thấp. Đối với Việt Nam, hiện nay gạo chất lượng, phẩm chất thấp cũng bán được giá cao. Ví dụ gạo IR50404 Châu Úc hoặc Nhật Bản đều rất cần.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Mặt bằng lưu thông lúa gạo trên thị trường quốc tế hiện nay đã có sự thay đổi do Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Thái Lan cũng giảm bớt xuất khẩu. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội để ngành lúa gạo Việt Nam vươn lên với giá trị, phẩm chất cao hơn. Đặc biệt là khi giá lúa tăng, đây là dịp để bà con nông dân trồng lúa được đền đáp xứng đáng với công sức bỏ ra trong mấy chục năm nay. 

Dĩ nhiên, cũng có một số dư luận trong nước nói về việc xuất khẩu gạo cao, lo ngại vấn đề an ninh lương thực. Tôi nghĩ vấn đề này không lớn, bởi chúng ta cần phải điều chỉnh lại thực tế giá gạo để bà con nông dân khá lên. Đồng thời tạo ra mặt bằng tiêu dùng mới, đẩy kinh tế lên.

Vùng tiếp giáp với Campuchia (phía bắc Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An) tôi xác định là vùng lương thực cho Việt Nam, thuận lợi sản xuất 3 vụ lúa/năm. Tiếp theo là vùng ven biển, theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nước ngọt không được sử dụng phung phí để trồng lúa trong mùa khô. Thay vào đó, mùa mưa có thể lấy nước mưa để trồng lúa, hết mưa thì đưa nước mặn vào để nuôi tôm.

Cũng từ Nghị quyết lớn này, một số vùng trồng 3 vụ lúa/năm cũng đã chuyển sang trồng cây ăn trái, mang lại lợi ích cao hơn cho nông dân mà hoàn toàn không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực.

Xem thêm
Vùng cao nuôi con đặc sản: [Bài 1] Lợn đen không đủ để bán

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định đang phát triển mạnh nghề nuôi heo đen, giống heo bản địa còn được gọi là heo đồng bào được tiêu thụ rất mạnh.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).