| Hotline: 0983.970.780

Đỉnh cao nuôi biển: Bài 3 - Cặp đôi hoàn hảo ốc hương, hải sâm

Thứ Tư 05/06/2019 , 10:44 (GMT+7)

Với đặc tính bổ trợ cho nhau, ốc hương cần môi trường nước sạch để sinh trưởng, phát triển thì hải sâm được ví là “chuyên gia” lọc nước bởi thức ăn của chúng chủ yếu là mùn bã hữu cơ, tảo đáy, tảo phù du.

Chính vì vậy mô hình nuôi ốc hương kết hợp hải sâm tại Quảng Ngãi đã tạo thành cặp đôi hoàn hảo trong điều kiện dịch bệnh tràn lan hiện nay.
 

Ốc hương sống khỏe giữa vùng dịch

Khác hẳn với không khí ảm đảm của những hộ nuôi ốc hương tại huyện Mộ Đức do bị dịch bệnh chết đồng loạt trong thời gian vừa, ao nuôi ốc hương kết hợp hải sâm trên diện tích 2.200m2 của gia đình anh Nguyễn Đình Thiệu, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi vẫn phát triển tốt, lớn đều.

Ao nuôi ốc hương kết hợp hải sâm.

>> Đỉnh cao nuôi biển: Bài 2 - Đột phá nhân tạo giống cá song vua

>> Đỉnh cao nuôi biển: Bài 1 - Nuôi đặc sản cá chim vây vàng bằng lồng Na Uy

Anh Thiệu cho biết: “Ốc hương của tôi đã nuôi được 5 tháng sắp đến ngày thu hoạch mà thời gian qua nắng nóng liên tục khiến tôi cũng lo lắm.

Rất may là do nuôi đúng quy trình kỹ thuật về mật độ và áp dụng nuôi kết hợp hải sâm trong ao để làm sạch môi trường nên ốc hương rất khỏe, vẫn lớn đều đều”.

Từ những ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đã bỏ hoang cải tạo thành ao nuôi ốc hương, gia đình anh Thiệu là một trong 5 hộ trong năm 2019 được Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi chọn làm mô hình nuôi thí điểm kết hợp ốc hương và hải sâm trên điện tích ao 2.200m2, lượng giống gồm 1.650 con hải sâm và 462.000 con giống ốc hương.

Được thả giống từ ngày 25/12/2018 với kích cỡ hải sâm 100 con/kg, ốc hương 5.000 – 7.000 con/kg, đến nay ốc hương và hải sâm đã nuôi được 5 tháng.

Tỷ lệ con giống sống đạt gần 90%, trọng lượng ốc hương đã đạt 250 con/kg, hải sâm đạt 10 con/kg.

Cũng như gia đình anh Thiệu, ao nuôi ốc hương kết hợp nuôi hải sâm của gia đình chị Trần Thị Cẩm Viên, xã Đức Minh những ngày này âm thanh máy sục khí vẫn vang lên đều đều.

Chị Viên phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình tôi nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng cũng chỉ được vài năm thì tôm dịch bệnh, nuôi đâu thua đó. Chịu không thấu với con tôm, năm 2015 gia đình tôi cải tạo lại ao nuôi tôm sang nuôi ốc hương.

Việc nuôi ghép ốc hương và hải sâm nhằm tạo ra môi trường sạch hơn, giúp ốc hương phát triển tốt hơn.

Nhưng nuôi ốc hương cũng chỉ được 2 năm đầu có hiệu quả, từ năm 2017 trở đi ốc hương xuất hiện dịch bệnh liên tục khiến cho người dân thua lỗ nặng, do chi phí đầu tư nuôi ốc hương lớn gấp đôi so với nuôi tôm nên người nuôi lâm vào cảnh khốn cùng.

Đang trong lúc bế tắc thì năm nay gia đình tôi được chọn là thí điểm mô hình nuôi ốc hương kết hợp nuôi hải sâm.

Được chọn nuôi và tập huấn kỹ thuật, áp dụng quy trình chặt chẽ tôi mới vỡ ra một điều trước đây thất bại là do ham năng suất nên nuôi với mật độ quá dày lên tới 700 con/m2, không kiểm soát được môi trường nước nên dịch bệnh xuất hiện nhiều”.

Ốc hương - hải sâm, cặp nuôi hoàn hảo.

Hiện tại mô hình ao nuôi ốc hương kết hợp hải sâm của chị Viên có diện tích 2.200m2, Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi chỉ cho nuôi với mật độ 210 con/m2, còn hải sâm nó như máy lọc nước được thả với mật độ 0,75m2/con. Với phương pháp nuôi mới cùng với áp dụng quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ con giống sống đạt gần 90%.

Theo chị Viên, trong tháng 1 do thời tiết lạnh nên con giống chậm lớn nhưng từ tháng 2 trở đi môi trường ao ổn định, ốc hương khỏe, bắt mồi tốt và lớn nhanh, dự kiến cuối tháng 7 cho thu hoạch.
 

Lợi ích kép

Ông Đào Tư Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Những năm trước đây, người dân Quảng Ngãi phát triển rất mạnh nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển với diện tích khoảng 300ha tại các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn.

Ốc hương nuôi ghép hải sâm ít bị dịch bệnh, sau 5 tháng đạt 270 con/kg.

Đến năm 2012 – 2015, dịch bệnh trên tôm thẻ xảy ra đồng loạt dẫn tới thiệt hại rất lớn. Do tôm bị dịch bệnh, người nông dân chuyển dần sang nuôi ốc hương với diện tích khoảng 20ha, thế nhưng người nuôi ốc hương cũng chỉ ổn định được 2 năm. Cuối năm 2017 đến nay dịch bệnh xuất hiện nhiều, đặc biệt đầu năm 2019 ốc hương bị dịch bệnh chết hàng loạt với diện tích thiệt hại lên đến 60 – 70%.

“Nuôi kết hợp giúp ốc hương ít bị dịch bệnh, ít phải xử lý thuốc kháng sinh hơn, không phải dùng hóa chất để làm phân giải mùn bã hữu cơ trong môi trường nước, do đó sản phẩm ốc hương bán ra thị trường cũng sạch hơn, tốt hơn. Nếu không nuôi hải sâm kết hợp thì người dân bắt buộc phải sử dụng các hóa chất để làm phân giải mùn chất hữu cơ, các tạp chất trong ao”. - Ông Đào Tư Hiền.

Xuất phát từ tình hình thực tế đó, việc tìm ra một mô hình nuôi biển bền vững là vấn đề cấp thiết đặt ra với tỉnh Quảng Ngãi.

Trên cơ sở các chuyến tham quan mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm tại Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III tại tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trương giao cho ngành nông nghiệp thí điểm xây dựng mô hình nuôi ghép 2 đối tượng này và đưa ra giải pháp kỹ thuật trong quá trình nuôi ghép.

Theo ông Hiền, thức ăn của ốc hương là ăn động vật tươi sống như cá, tôm, cua ghẹ… do vậy nguồn nước trong ao nuôi bị ô nhiễm rất nhanh bởi nguồn thức ăn dư thừa và chất thải của ốc hương.

Trong khi ốc hương đòi hỏi môi trường nước phải sạch, nước nhiễm bẩn ốc sẽ “dính” bệnh ngay, chỉ cần một vài con ốc bị chết nếu không phát hiện kịp thời thì ốc lăn ra chết không kịp vớt.

Còn hải sâm thức ăn của chúng là tạp chất, chất hữu cơ trong cát. Xuất phát từ thực tế đó, việc nuôi ghép ốc hương và hải sâm nhằm tạo ra môi trường sạch hơn, giúp ốc hương phát triển tốt hơn.

Từ đặc tính của ốc hương và hải sâm, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao xây dựng mô hình thử nghiệm đầu tiên giữa nuôi ốc hương kết hợp hải sâm trên diện tích 4.000m2.

Hải sâm lớn nhanh nhờ nuôi ghép với ốc hương.

Mô hình triển khai từ tháng 6 đến cuối 2018 cho kết quả rất tốt. Môi trường nước đảm bảo giúp ốc hương nhanh lớn hơn so với nuôi thuần, không bị dịch bệnh, năng suất đạt 4,2 tấn/4.000m2, còn hải sâm thu được 400kg. Tổng thu từ mô hình đạt trên 700 triệu đồng, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng.

Từ kết quả này, năm 2019 Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi được UBND tỉnh giao triển khai 5 mô hình tại huyện Mộ Đức và Đức Phổ, mỗi mô hình có diện tích 2.200m2, thả với mật độ 210con/m2, hải sâm thả 1.650 con/mô hình. Thời gian thả từ đầu năm 2019, hiện nay sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ con giống sống trên 85%, ốc đạt 250 con/kg, hải sâm đạt 10 con/kg.

Ông Hiền cho biết: Hiện cả ốc và hải sâm phát triển ổn định, không bị dịch bệnh, ốc hương và hải sâm đều nhanh lớn hơn so với nuôi thuần. Thời gian thu hoạch cuối tháng 7, sản lượng ốc hương dự kiến đạt 3 tấn/mô hình, sản lượng hải sâm thu được 400kg.

Hải sâm được ví là “chuyên gia” lọc nước.

Với giá trên thị trường hiện tại khoảng 200.000 đồng/kg thì ốc hương được 600 triệu đồng, riêng hải sâm được Công ty Hải sâm Việt Nam hợp đồng bao tiêu toàn bộ với 120.000 đồng/kg, như vậy mỗi mô hình dự kiến thu được khoảng 650 triệu đồng, chi phí 350 triệu đồng/mô hình.

Theo ông Đào Tư Hiền, mô hình nuôi ốc hương kết hợp hải sâm đạt được lợi ích kép, ngoài hiệu quả kinh tế mang lại thì hiệu quả xã hội rất lớn đó là giảm tỷ lệ dịch bệnh, giúp ốc lớn nhanh hơn so với nuôi thuần, từ đó mở ra hướng nuôi bền vững; hạn chế ô nhiễm môi trường trong quá trình nuôi và tận dụng được chất thải của ốc hương để làm thức ăn cho hải sâm.

Từ thành công ban đầu của mô hình, thời gian tới Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh tiếp tục cho thực hiện mô hình trình diễn nuôi ốc hương kết hợp hải sâm tại các khu vực khác nhau để từ đó đúc rút kinh nghiệm, xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân nhằm tạo ra một hướng nuôi bền vững ốc hương.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.