Trong khi đó, cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu kéo dài sẽ dẫn đến tích lũy năng lượng thừa dưới dạng mỡ, dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì cũng những hậu quả về bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Bên cạnh đó, nếu trẻ thường xuyên “nạp” thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc dễ dẫn đến tình trạng “tích tụ” đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống của trẻ trong tương lai.
Xây dựng thực đơn đầy đủ dinh dưỡng từ ngân hàng thực đơn
Thực tế cho thấy, không có một loại thức ăn nào là toàn diện và có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mỗi chúng ta. Mỗi loại thức ăn có chứa một số loại chất dinh dưỡng với tỷ lệ khác nhau.
Bữa ăn hợp lý cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể như chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng; đồng thời phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 8 nhóm thực phẩm: lương thực; các loại hạt; sữa và các sản phẩm từ sữa; nhóm các loại thịt, cá và hải sản; trứng và các sản phẩm từ trứng; nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ ; nhóm rau củ quả khác; dầu ăn và mỡ các loại.
Để chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh nCoV cho trẻ mẫu giáo và học sinh, Viện dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, cần có chế độ ăn uống điều độ, đủ số lượng, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi.
Đối với trẻ ở độ tuổi tiểu học cần đảm bảo cung cấp tối thiểu cho trẻ đủ 3 bữa chính, trong đó bữa sáng, bữa trưa cung cấp khoảng 35% và bữa tối cung cấp 30% tổng nhu cầu năng lượng của cả ngày. Đặc biệt, không để trẻ nhịn ăn sáng đi học.
Trong trường hợp trẻ bị biếng ăn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, nên ăn nhiều quả chín, rau xanh, uống nước từng ngụm nhỏ thường xuyên để giữ ẩm cổ họng, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.
Những năm gần đây, để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ GD&ĐT cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam đã thực hiện Dự án Bữa ăn Học đường với mục tiêu chuẩn hóa và cung cấp những thực đơn cân bằng về dinh dưỡng, đa dạng về thực phẩm và ngon miệng dành cho học sinh của các trường bán trú.
Dự án Bữa ăn Học đường cũng đã nhận được sự hưởng ứng của các trường trên cả nước. Bởi thông qua Phần mềm hỗ trợ, Nhà trường có thể tự xây dựng thực đơn hằng ngày từ ngân hàng thực đơn với 120 thực đơn, 360 món ăn không lặp lại để cân bằng dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm bằng các nguyên liệu và món ăn tự chọn, phù hợp với văn hóa ẩm thực của từng địa phương; đồng thời tiết kiệm thời gian cho công tác quản lý bữa ăn bán trú của học sinh.
Qua đó, nhằm góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng, từ đó giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, thể chất và trí tuệ của trẻ em - những thế hệ tương lai của đất nước.
10 nguyên tắc vàng của WHO về vệ sinh an toàn thực phẩm
- Chọn thực phẩm tươi an toàn.
- Nấu chín kỹ trước khi ăn.
- Ăn ngay sau khi nấu.
- Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín nếu muốn để lâu.
- Thức ăn chín để lâu cần đun kỹ lại trước khi ăn.
- Không để chung thức ăn chín và sống, rau thớt để riêng từng loại
- Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn
- Giữ sạch các bề mặt chế biến.
- Che đậy thức ăn để tránh bụi, ruồi nhặng.
- Sử dụng nguồn nước sạch an toàn.
Cách xử trí khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trung tâm cấp cứu và chống độc, khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thực phẩm cần gây nôn cho trẻ, khích thích trẻ càng ói nhiều càng tốt để tống hết thức ăn, thuốc ngộ độc ra ngoài.
Đồng thời, để cho trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để đảm bảo bù nước cho đầy đủ. Cho trẻ uống dung dich Oresol theo nhu cầu để đảm bao cân bằng nước và điện giải.
Ngưng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm và chuyển trẻ đến ngay cho cơ sở y tế gần.