Thu hồi đất luôn luôn là vấn đề được người dân cả nước đặc biệt quan tâm. Bởi sau mỗi quyết định thu hồi đất là đời sống của những người bị thu hồi có sự xáo trộn nghiêm trọng.
Người mất đất canh tác, người mất đất ở, nhiều người mất cả hai, tức là mất cả tư liệu sản xuất lẫn nơi cư trú. Phần lớn những vụ thu hồi đất trở thành nguyên nhân của những cuộc khiếu kiện, trong đó không ít cuộc khiếu kiện tập thể kéo dài. Chỉ vì sau khi bị mất đất, đời sống của rất nhiều người bị thu hồi không thể bằng trước đó.
Ảnh minh họa
Vụ thu hồi đất ở phường Kỳ Bá (TP Thái Bình) mới đây là một ví dụ: 1 gia đình bị giải tỏa nhà để lấy đất làm đường, bị thu hồi 180 m2 đất ở nhưng lại chỉ được đền bù 70 m2 với giá đất ở, 110 m2 còn lại được đền bù bằng giá... đất nông nghiệp. Trong 70 m2 được đền bù theo giá đất ở đó, vì chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nên chỉ được tính giá bằng 50% giá đất đã có sổ đỏ (chưa được cấp sổ đỏ không phải lỗi của dân).
Toàn bộ 180 m2 đất cộng với nhà cửa... chỉ được đền bù 504 triệu đồng. Số tiền đó không mua nổi một chỗ ở mới tương đương. Đất tái định cư (TĐC) chưa có. Cho dù có, thì để được nhận 70 m2 đất TĐC, số tiền phải nộp cho Nhà nước cũng lớn hơn 504 triệu rất nhiều. Nếu tính cả tiền làm nhà trên đất TĐC, số tiền phải ngót tỷ đồng. Nhà nghèo, không đào đâu ra.
Đang yên ổn bỗng chốc phải đứng đường. Nỗi bức xúc đã khiến người dân đó gây nên một vụ án khiến cả nước đau lòng. Đây không phải là trường hợp duy nhất.
Làm thế nào để số tiền đền bù đất ở đủ để người bị thu hồi tạo lập được một chỗ ở mới bằng hoặc hơn chỗ ở cũ. Số tiền đền bù đất nông nghiệp đủ để người bị thu hồi có thể dùng sắm những phương tiện kiếm sống khác bằng hoặc hơn việc kiếm sống cũ từ đất? Nếu được thế, thì chắc chắn khiếu kiện, và những vụ cưỡng chế thu hồi đất sẽ không xảy ra, những vụ GPMB không phải kéo dài hàng năm trời, tốn kém không biết bao nhiêu là tiền bạc, công sức. Hàng ngàn công trình sẽ không phải đội giá do chậm GPMB.
Muốn làm được điều đó, vấn đề cốt tử nằm ở khâu định giá đất. Theo quy định hiện tại, UBND tỉnh có quyền thu hồi đất, cho thuê đất và định giá tiền đền bù đất, định giá đất TĐC. Chính việc tập trung những quyền này vào tay UBND tỉnh đã khiến người dân bị thu hồi đất bị thiệt thòi: Giá đất được UBND tỉnh định ra để đền bù không bao giờ bằng giá đất mà người dân trong khu vực bị thu hồi vẫn chuyển nhượng cho nhau.
Kết quả tham vấn do Liên minh Đất đai (LANDA) với 18 thành viên là các tổ chức xã hội nghề nghiệp vừa thực hiện trên 3.002 người dân ở 18 xã thuộc 6 huyện của 3 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình và 4.890 bạn đọc trên 3 tờ báo điện tử cho thấy: 85% số người được tham vấn đó không muốn để UBND tỉnh định giá đất.
Một số con số cụ thể do LANDA đưa ra khiến bất cứ ai cũng phải giật mình: Tại xã Phúc Lộc (TP Yên Bái), khi bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân được đền bù 9,64 triệu đồng/sào (360 m2), trong khi thu nhập của người dân trên 1 sào đất đó là 2,8 triệu/năm. Nghĩa là người dân chỉ được đền bù bằng giá trị của hơn 3 năm thu nhập, còn đất thì lại bị thu hồi vĩnh viễn.
Tại phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình), khi bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân được đền bù 65.000 đồng/m2 đất loại 1; 55.000 đồng/m2 đất loại 2, trong khi dùng trồng rau, mỗi năm 1 m2 đất loại 2 đã cho thu nhập 150.000 đồng.
Dù số người được tham vấn còn ít, nhưng con số 85% nói trên đã phản ánh khá rõ nguyện vọng và những bức xúc của dân. Trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này, giá đất cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. Nhiều cử tri cho rằng nên tách quyền định giá đất khỏi UBND tỉnh để trao nó cho một tổ chức độc lập. Như vậy, việc định giá sẽ khách quan hơn, người dân sẽ được nhận đền bù đúng với giá trị quyền sử dụng mảnh đất mà mình đang có, mỗi khi bị thu hồi đất.
Đó là những kiến nghị đầy sức thuyết phục.