Tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” ngày 17/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, và giá trị xác định lại sau kiểm toán.
"Sau khi kiểm toán, giá trị doanh nghiệp tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần. Đây là nguyên nhân gây nên thất thoát, lãng phí cho ngân sách, thậm chí nhiều vụ việc đã bị xử lý hình sự", Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, trong các yếu tố định giá doanh nghiệp, rủi ro lớn nhất là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất. Nhiều phương pháp đã được đưa ra, nhưng kết quả đều chưa chính xác, nhất quán, sau khi Kiểm toán Nhà nước thanh, kiểm tra.
Liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Phớc chỉ rõ một số "điểm nghẽn". Cụ thể, trước đây tiền thuê đất hàng năm không tính vào giá trị doanh nghiệp, còn tiền thuê đất một lần lại tính vào.
"Tiền thuê đất một lần được xác định không sát giá trị thị trường tạo ra lỗ hổng, chưa nói đến việc doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển mục đích sử dụng đất sau khi nộp tiền thuê đất. Việc xác giá trị đất không chính xác càng gây thất thoát lớn, thậm chí đe dọa hoạt động sản xuất kinh doanh", Bộ trưởng bày tỏ.
Cũng theo vị tư lệnh ngành tài chính, ngay cả khi xác định giá trị quyền sử dụng đất sát thị trường, điều ấy chỉ đúng với thời điểm được tính. Sau 10 năm, 20 năm, giá trị của miếng đất ấy sẽ thay đổi, thường theo xu hướng tăng, thậm chí có nơi tăng phi mã.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, lũy kế giai đoạn từ 2016 đến nay,185 doanh nghiệp đã cổ phần hóa với tổng giá trị 490.332 tỷ đồng. Trong đó, giá trị vốn nhà nước là 234.266 tỷ đồng; lũy kế tổng số thoái vốn đạt 29.300 tỷ đồng, thu về 183.766 tỷ đồng.
Công tác cổ phần hóa, thoái vốn góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn so với trước, tạo nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến đánh giá, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chưa đạt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, đa số các tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai. Đến khi thực hiện cổ phần hóa, các đơn vị mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn tới, ông Tiến đề xuất ưu tiên sắp xếp khối doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
“Cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, chúng ta phải nghiên cứu kỹ vấn đề giá trị đất trong tổng giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn”, ông Tiến đề xuất.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Cục trưởng Đặng Quyết Tiến cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch của UBND địa phương thì phải trả đất cho địa phương, để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất, trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
“Cần bổ sung những định chế đấu giá quyền sử dụng đất và quyền thuê đất vào Luật Đấu thầu, đảm bảo tính công khai, minh bạch và thông tin đầy đủ về đất như thông tin về diện tích, vị trí, giá thuê, phương thức trả tiền”, ông Tiến khuyến nghị.
Tham luận tại hội thảo, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn mang đến cảm giác "bán đất" thay vì "bán doanh nghiệp". Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các sai phạm hiện nay.
“Tôi kiến nghị, sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn, đất chỉ được phép cho thuê trong thời gian ngắn khoảng 1-3 năm, không thể tới 70 năm”, ông Ánh nói.