Công nghiệp hỗ trợ được coi là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp chính. Theo VCCI, số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bên cạnh tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, da giày, điện tử... công nghiệp hỗ trợ còn phát triển tại các thị trường lớn và khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU.
Ở tầm vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp giảm nhẹ kim ngạch nhập khẩu đầu vào sản xuất, qua đó, hạn chế các căng thẳng về thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, nhất là cán cân thương mại, cũng như ngoại tệ đối với những nước nhập khẩu hàng hóa.
Tại Việt Nam, các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ được bàn thảo nhiều trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đại dịch covid-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế, bao gồm hoạt động của nhiều ngành và doanh nghiệp. Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến nguồn cung nguyên liệu gián đoạn hoặc khan hiếm; thị trường đầu ra giảm sút.
Để giải quyết cặn kẽ vấn đề, nhiều doanh nghiệp trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ đã sử dụng chuyển đổi số như một giải pháp để tái cơ cấu hoạt động sản xuất, hướng tới cải thiện nhân lực và công nghệ.
"Các doanh nghiệp đã và đang ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh có nhiều cơ hội phát triển chuỗi cung ứng thông minh, tạo môi trường tìm kiếm đối tác và cơ hội mới, đồng thời cập nhật thông tin mới về chính sách hỗ trợ cũng như thông tin cung - cầu ở nhiều ngành công nghiệp như ô tô, cơ khí, điện tử", ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số - Hướng tới mô hình sản xuất thông minh”.
Cũng tại sự kiện do Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp phối hợp Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức, ông Darryl Dong, chuyên gia của IFC Việt Nam nhận xét: "Chuyển đổi số là vấn đề thiết yếu giúp doanh nghiệp thành công trong thời kỳ công nghệ số hiện nay. Đại dịch Covid-19 là hồi chuông cảnh báo cho việc những công ty sớm thực hiện chiến lược chuyển đổi số đã ứng phó tốt hơn hẳn trong điều kiện hoạt động mới".
Theo chuyên gia IFC, chuyển đổi số trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn giúp cải thiện sức tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn, đồng thời nâng cao tính bền vững và khả năng chống chịu cho doanh nghiệp trước các cú sốc.
Tại phiên tọa đàm, đại diện Samsung Việt Nam chia sẻ về kế hoạch phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia bản địa và hỗ trợ tư vấn, cải tiến cho 50 doanh nghiệp trong 2 năm (2022-2023).
Samsung cho rằng, thông qua việc phát triển nhà máy thông minh, năng lực cạnh tranh và vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp nội có nhiều cơ hội hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Qua kinh nghiệm của Samsung và một số công ty khác, các đại biểu đều cho rằng, xu thế tất yếu của nhóm doanh nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử Việt Nam hiện nay là ứng dụng công nghệ số và tự động hóa trong toàn bộ, hoặc một số bước thuộc quy trình sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, để tồn tại và phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp phải chuyển đổi nhanh, mạnh từ phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, sản xuất thông minh.
Thách thức chủ yếu với doanh nghiệp Việt Nam là quy mô của họ chủ yếu nằm ở mức nhỏ và vừa, yếu cả về nguồn lực tài chính lẫn nhân lực. Do đó, các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp phải áp dụng đồng bộ chuyển đổi số với các giải pháp về tài chính, nguồn nhân lực, và sự tạo điều kiện từ cơ quan quản lý nhà nước.