Chiều 14/9, làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Chuyển đổi số không có gì quá ghê gớm, không cần chuẩn bị gì khi chuyển đổi số chưa tới”.
Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố xếp hạng các tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, trong đó tỉnh Cà Mau xếp thứ 41/63 cả nước. Kinh phí phân bổ hàng năm cho lĩnh vực công nghệ thông tin của Cà Mau chỉ khoảng 30 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng chi ngân sách tỉnh.
Theo đánh giá, chuyển đổi số của tỉnh Cà Mau còn chậm, mục tiêu và kết quả đạt được thấp. Xác định chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới nên Tỉnh ủy Cà Mau đã có Nghị quyết, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến 2025 định hướng đến 2030. Một số đại biểu của tỉnh Cà Mau đặt vấn đề, cần chuẩn bị gì về hạ tầng và đào tạo để chủ động cho quá trình chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đã có, được xây dựng giống như những nền tảng mạng xã hội thông dụng nên không phải là cái gì quá ghê gớm. Không cần phải làm gì trước khi nền tảng số chưa đến. Khi có nền tảng số rồi thì chỉ cần mở ra thao tác, tìm tòi vài phút là có thể thực hiện được. Điều cần lưu ý và quan trọng nhất là quá trình bảo mật thông tin khi sử dụng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, chuyển đổi số là công cụ hỗ trợ cho người lao động, hướng tới nâng cao chất lượng. Chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi, yêu cầu rất lớn từ người đứng đầu. Điều quan trọng nhất là Chủ tịch UBND huyện phải biết huyện mình cần gì, xã biết mình muốn gì và phải làm gì. Chuyển đổi số hướng tới là thay đổi cách làm, ví dụ như hiện nay đã có nền tảng số để việc chuyển tiền chỉ mất vài phút là xong.
“Có rất nhiều khác biệt giữa thời công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Công nghệ thông tin cơ bản phục vụ cho những người trong hệ thống chính quyền, còn chuyển đổi số chuyển trọng tâm từ người quản lý sang người dùng cuối cùng. Cho nên tư duy về chuyển đổi số thì phải theo hướng người dân được hưởng lợi gì, người nhân viên được lợi gì”, ông Hùng nói.
Thực hiện Đề án Chuyển đổi số đến 2025 định hướng đến 2030, tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện. Tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đến năm 2030 số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh.