| Hotline: 0983.970.780

Định mức hỗ trợ tái định cư chưa phù hợp với thực tế

Thứ Sáu 24/11/2023 , 06:00 (GMT+7)

Công tác bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 đang được tỉnh Bình Định khẩn trương thực hiện.

Tiến độ còn chậm

Theo ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, từ năm 2013, Bình Định đã bắt đầu rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể bố trí dân cư giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020.

Đến nay, Bình Định đã xây dựng 13 dự án tập trung, 4 dự án xen ghép để di dời, bố trí ổn định dân cư cho 1.054 hộ dân trước đó phải “chung sống” với lo âu ở những vùng thiên tai, nguy hiểm rình rập.

“Trước khi di dời, chính quyền các địa phương công khai minh bạch việc xét chọn hộ và cấp phát chế độ hỗ trợ di dời đúng đối tượng; đồng thời, xây dựng và phát triển các vùng dự án, từng bước hình thành các khu dân cư mới để vừa ổn định nơi ở cho người dân di dời, vừa làm thay đổi diện mạo những vùng nông thôn”, ông Hồ Vĩnh Thảo chia sẻ.

Tuy nhiên, chừng ấy việc Bình Định đã làm được trong công tác bố trí khu dân cư, di dời người dân ở các vùng thiên tai đến nơi an toàn trong những năm qua vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 cho 1.542 hộ dân. Trong đó, giai đoạn 2023-2025, sẽ có 541 hộ sẽ được an cư.

Điểm sạt lở Núi Cấm tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) uy hiếp cuộc sống hàng trăm hộ dân. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Điểm sạt lở Núi Cấm tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) uy hiếp cuộc sống hàng trăm hộ dân. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Từ tháng 7/2023 đến nay, ngành nông nghiệp Bình Định đã phối hợp với chính quyền các địa phương bố trí ổn định dân cư cho 24 hộ; trong đó, thị xã Hoài Nhơn có 8 hộ, huyện Phù Mỹ có 16 hộ được di dời đến khu tái đinh cư, hiện những hộ này đã có cuộc sống ổn định, yên tâm phát triển sản xuất tại nơi ở mới”, ông Hồ Vĩnh Thảo cho hay.

Nhìn lại chặng đường thực hiện công tác bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, ông Hồ Vĩnh Thảo thừa nhận tiến độ di dời dân vùng thiên tai trong giai đoạn 2013-2022 còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân được ông Thảo giải thích là do định mức chính sách hỗ trợ bố trí tái định cư còn thấp, chưa phù hợp với thực tế.

“Bên cạnh những vướng mắc nêu trên, kinh phí hỗ trợ của Trung ương về muộn cũng ảnh hưởng không ít đến công tác di dời dân cư các vùng thiên tai đến nơi ở mới an toàn. Ví như ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2023 - 2025 thực hiện Kế hoạch số 130 của UBND tỉnh Bình Định đến nay chưa được phân bổ”, ông Thảo cho hay.

Thực tế cho thấy, những hộ dân trong vùng thiên tai phải di dời đa số là hộ nghèo, cận nghèo, hầu hết đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Họ biết là di dời đến nơi ở mới sẽ “chia tay” với nguy hiểm cận kề trong vùng thiên tai, nhưng thực hiện di dời phải tốn không biết bao nhiêu là chi phí để mới có thể có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới. Thế nên cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ tương đối, phù hợp với thực tế, nhằm tạo động lực cho người dân rời khỏi nơi ở cũ, di dời đến nơi ở mới theo quy hoạch, kế hoạch của ngành chức năng.

Bờ biển xâm thực uy hiếp khu dân cư tại xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bờ biển xâm thực uy hiếp khu dân cư tại xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nghịch lý di dời khỏi vùng thiên tai

Hiện ở Bình Định có 13 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nhiều người dân sống trong vùng thiên tai có nhu cầu di dời nhưng chính quyền địa phương chưa có dự án di dời tái định cư vùng thiên tai, có người nằm trong diện di dời nhưng trù trừ không đi vì không xa được vùng đất mình đã gắn đời bao đời nay.

Ví như ở huyện trung du Hoài Ân có 6 xã có các điểm sạt lở nguy hiểm (gồm Ân Thạnh, Ân Hữu, Ân Sơn, Ân Hảo Đông, Ân Tường Đông và xã Ân Nghĩa), trong đó có 4 khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nhiều hộ dân sống trong vùng thiên tai ở đây có nhu cầu di dời về khu tái định cư.

Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, những điểm sạt lở nguy hiểm ở địa phương này đã được cập nhật trên phần mềm quản lý rủi ro thiên tai của tỉnh Bình Định. Trước đây, huyện Hoài Ân đã thực hiện 3 dự án di dời dân ở những vùng thiên tai đến nơi an toàn, đó là các khu tái định cư Gò Sặc (xã Ân Thạnh), Vĩnh Đức (xã Ân Tín) và Vạn Hòa - Thạnh Xuân (xã Ân Hảo Đông). Những dự án nói trên đã được thực hiện từ năm 1997.

“Hiện nay, 3 dự án nói trên đã kết thúc và di dời được khoảng 200 hộ dân. Những khu tái định cư nói trên hiện vẫn còn đất để có thể di dời thêm. Trong 10 năm gần đây huyện Hoài Ân chưa triển khai dự án mới nào về tái định cư vùng thiên tai. Đầu năm 2023 vừa rồi, huyện cho khảo sát lại thì trên địa bàn vẫn còn nhiều đối tượng có nhu cầu di dời khỏi vùng thiên tai, nhưng nhỏ lẻ chứ không tập trung tại xã Ân Thạnh, Ân Tín và Ân Hảo Tây. Những hộ này ý thức được sự nguy hiểm khi phải “chung sống” với thiên tai nên có nhu cầu di dời, huyện đang chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra lại để bố trí”, ông Nguyễn Xuân Phong cho hay.

Còn ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, ngoài 2 điểm nguy cơ sạt lở núi, trên địa bàn còn xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông Kôn uy hiếp đến tính mạng và cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ở các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo và Vĩnh Thịnh.

“Từ trước đến nay huyện Vĩnh Thạnh chưa thực hiện dự án nào về tái định cư cho người dân vùng thiên tai. Vĩnh Thạnh còn nghèo lắm nên chưa thực hiện được. Nếu xây dựng bờ kè để phòng chống sạt lở bên xã Vĩnh Hảo thì lở bên Vĩnh Hiệp, hoặc ngược lại. Đặc biệt là người dân thôn Vĩnh Định ở dưới cầu Định Bình, người dân thấp thỏm lo không biết bờ sông bị lở lúc nào, vào mùa lũ nước xoáy cả đêm không ai dám ngủ. Nhu cầu di dời của người dân trong vùng thiên tai đến nơi an toàn ở huyện Vĩnh Thạnh là rất cao”, ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ.

San lấp mặt bằng xây dựng khu tái định cư cho người dân sống trong vùng thiên tai, dưới chân núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) sạt lở uy hiếp hàng trăm hộ dân. Ảnh: Vũ Đình Thung.

San lấp mặt bằng xây dựng khu tái định cư cho người dân sống trong vùng thiên tai, dưới chân núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) sạt lở uy hiếp hàng trăm hộ dân. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, Với những hộ dân thuộc đối tượng di dời nhưng vẫn bám trụ nơi ở cũ, “đòn bẩy” để thúc đẩy những hộ dân nói trên di dời là cần phải điều chỉnh tăng mức hỗ trợ trực tiếp để giải quyết một phần gánh nặng kinh tế, góp phần ổn định đời sống, ổn định sản xuất. Đặc biệt là ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm góp phần tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho các hộ nhằm đảm bảo an sinh xã hội”, ông Hồ Vĩnh Thảo chia sẻ.

“Hiện Chi cục Phát triển nông thôn đang tham mưu Sở NN-PTNT xây dựng, báo cáo UBND tỉnh Bình Định trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân và địa bàn bố trí dân cư thuộc chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Mức đề xuất hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân là 50 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ cho địa bàn nơi bố trí dân cư xen ghép là 60 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ là 25 triệu đồng/hộ. Dự kiến, dự thảo sẽ trình HĐND tỉnh Bình Định thông qua tại kỳ họp thường kỳ giữa năm 2024”, ông Hồ Vĩnh Thảo cho biết.

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Ứng phó khô hạn, Ninh Thuận đề ra nhiều giải pháp đảm bảo nước tưới

Dự báo vụ hè thu 2024 ở Ninh Thuận sẽ gặp khó do nắng nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới, ngành chức đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Người vùng cát trắng…

Vùng cát trắng trên miền đất lửa Quảng Trị hôm nay đã phần nào bớt đi những ám ảnh, thay vào đó là khát vọng lớn lao để vươn lên trên chính quê hương mình.

Bình luận mới nhất