| Hotline: 0983.970.780

DN chế biến chè và cuộc chiến nguyên liệu

Thứ Hai 16/01/2012 , 10:43 (GMT+7)

Hiện cả nước có trên 450 cơ sở chế biến chè, năng lực đạt 1,5 triệu tấn chè búp tươi/năm, nhưng thực tế chỉ hoạt động hết 40% công suất thiết kế...

Hiện cả nước có trên 450 cơ sở chế biến chè, năng lực đạt 1,5 triệu tấn chè búp tươi/năm, nhưng thực tế chỉ hoạt động hết 40% công suất thiết kế do không có vùng nguyên liệu. Đây là nguyên nhân chính gây ra cảnh “mua tranh, bán cướp” nguyên liệu giữa các DN những năm qua.

ĂN XỔI

Tại Hội nghị đánh giá thực trạng SX, chế biến và tiêu thụ chè diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến NLTS & Nghề muối (Bộ NN-PTNT), cho biết năm 2011, diện tích chè cả nước giảm 2,8% so với 2010, đạt xấp xỉ 130 ngàn ha, song diện tích cho thu hoạch tăng 1,4% nên sản lượng tăng 6,5%, đạt 888,6 ngàn tấn.

 Tuy nhiên, hiện giá chè Việt Nam vẫn thấp so với giá bình quân thế giới, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dưới dạng rời, dẫn tới thu nhập từ trồng chè chỉ từ 18 - 30 triệu đồng/ha, thậm chí có nơi như tỉnh Bắc Kạn thu nhập bình quân chỉ 13 - 17 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, các DN chế biến chè trong nước chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và thiết bị máy móc nâng cao năng suất, chất lượng, tư duy mua bán chộp giật còn phổ biến khiến thị trường chè những năm qua mất đi sự ổn định cần thiết.

Qua tổng hợp đánh giá, phân loại các cơ sở chế biến chè tại 10 tỉnh có diện tích chè lớn nhất do Cục Chế biến NLTS & Nghề muối tiến hành, số cơ sở có nhà xưởng, thiết bị công nghệ tiên tiến, đảm bảo ATVSTP chỉ chiếm 14%, các cơ sở tạm coi đạt tiêu chuẩn chiếm 50%, còn lại trên 30% cơ sở không đủ điều kiện SX và gần 4% cơ sở đã ngừng hoạt động do không có nguyên liệu ổn định.

 Do đó, các nhà máy buộc phải tranh mua nguyên liệu bằng mọi giá, bất chấp tiêu chuẩn để tồn tại. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam dù đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè nhưng giá chỉ bằng một nửa giá bình quân thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Đoàn Anh Tuân cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên bắt đầu xuất hiện từ năm 2005, khi Luật Doanh nghiệp ra đời, các địa phương cấp phép tràn lan cho các DN xây dựng nhà máy chế biến mà không cần điều kiện ràng buộc, không có chiến lược phát triển một cách hợp lý, đồng bộ. Từ đó, dẫn tới các DN chế biến chồng chéo vùng nguyên liệu của nhau, DN này dẫm chân lên DN kia để “mua tranh, bán cướp” chè búp tươi.

 “Có những địa phương trên cùng một xã có tới 11 nhà máy chế biến chè. Tổng công suất chế biến của 11 nhà máy vượt quá khả năng cung cấp nguyên liệu từ 2 - 4 lần thì tránh sao được tình trạng tranh nhau mua nguyên liệu”, ông Đoàn Anh Tuân bức xúc.

Đồng tình với ý kiến của ông Đoàn Anh Tuân, nhưng ông Nguyễn Hữu Tài - Phó TGĐ Tổng Cty Chè Việt Nam phân bua rằng: “Trên thực tế, nếu trồng ít các DN còn thuê được nhân công, nhưng trồng nhiều không DN nào đủ nguồn lực. Do trồng chè thời gian thu hồi vốn lâu, lợi nhuận ít nên có hàng trăm DN tham gia xuất khẩu, chế biến nhưng rất ít DN tham gia trồng chè. Chính vì hoạt động chỉ nhăm nhăm vào lợi nhuận tức thời nên vừa qua mới có tình trạng nhà máy chè ở Thái Nguyên lên tận Tuyên Quang mua nguyên liệu trong khi các cơ sở chế biến tại Tuyên Quang cũng đang thiếu nguyên liệu trầm trọng”.

GẮN DN CHẾ BIẾN VÀ NGƯỜI TRỒNG CHÈ

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Liên hoan trà quốc tế Thái Nguyên 2011, trong vòng 5 năm tới, ngành chè cần phấn đấu giữ ổn định diện tích trong ngưỡng 130 ngàn ha, năng suất 75 tạ/ha, sản lượng búp chè tươi 1,2 triệu tấn, chè khô 260 ngàn tấn, mức tăng trưởng 6%/năm; sản lượng xuất khẩu 200 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu 440 triệu USD. Đặc biệt, cố gắng nâng giá xuất khẩu chè của Việt Nam ngang bằng với giá thế giới là 2.200 USD/tấn và duy trì mức tăng trưởng 11%/năm.

Trong khi các DN trong nước quen “ăn xổi”, không chịu đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng ổn định với người trồng chè thì các DN 100% vốn Đài Loan, Nhật Bản hoặc liên doanh nước ngoài lại coi đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu là trọng tâm để phát triển bền vững. Và trên thực tế, khi có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng và giá trị chè thành phẩm của họ cao hơn rất nhiều so với các DN chế biến nội địa.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đề nghị ngành chè cần đẩy mạnh việc phát triển theo quy hoạch, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong SX, bố trí lại cơ cấu giống chè phù hợp với từng vùng, từng thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng chè theo hướng VietGAP. Song song với đó, tiến hành xây dựng các vườn nhân giống chè tại các địa phương vì hiện nay một mình Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc không thể cáng đáng hết. Đặc biệt, cần chú trọng vào cải tạo, thay thế giống mới với các vườn chè già cỗi, năng suất thấp, bình quân mỗi năm thay thế 10 ngàn ha.

Trong lĩnh vực chế biến, khẩn trương cơ cấu lại và đa dạng hóa các sản phẩm trà, tập trung cải tạo nâng cấp lại các nhà máy chế biến theo hướng hiện đại để làm ra những sản phẩm có giá trị cao. Hiệp hội Chè Việt Nam tiếp tục phải tổ chức lại ngành chè làm sao để gắn kết chặt chẽ hơn lợi ích giữa người trồng chè với các DN chế biến vì hiện nay thu nhập của người trồng chè vẫn rất thấp. Nếu thu nhập đảm bảo, chắc chắn người trồng chè sẽ SX ổn định và có trách nhiệm hơn.

Kinh nghiệm từ Cty Chè liên doanh Phú Đa (Phú Thọ) cho thấy, khi Cty ký hợp đồng giao khoán lâu dài đến từng hộ dân, hợp đồng quy định cụ thể chi tiết trách nhiệm, quyền lợi mỗi bên, thưởng phạt rõ ràng minh bạch, bám sát và điều chỉnh giá thu mua theo từng thời điểm, người lao động luôn yên tâm SX chè theo đúng quy trình của Cty, không xảy ra hiện tượng phá vỡ hợp đồng bán phá giá thị trường khi có DN khác đến mời chào giá cao.

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.