Chi phí logistics đã quá sức chịu đựng
Cước vận tải biển đã tăng rất cao trong năm 2021, lại tiếp tục xu hướng tăng lên trong năm nay, nhất là từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraina làm tăng mạnh giá xăng dầu trên toàn cầu.
Theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex Việt Nam, từ cuối năm ngoái, khi biến thể mới của Covid-19 bùng phát và chính sách ứng phó dịch bệnh “Zero Covid” của Trung Quốc khiến hệ thống logistics toàn cầu thêm phiên rối loạn, giá cước các tuyến tàu gần tăng vọt. Ngay từ đầu năm nay, các đại lý tàu biển đã cho biết giá cước tàu hoàn toàn không có cải thiện mà còn tiếp tục tăng thêm
Bà Tạ Hà, chuyên gia ngành hàng cá tra của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, theo chỉ số vận tải Freightos, giá thuê tàu cho mỗi container 40 feet vẫn ở gần mức cao nhất mọi thời đại trên các tuyến vận tải toàn cầu. Đến thời điểm này, giá cước vận tải biển giữa Châu Á và Châu Âu vẫn cao vì công suất các hãng tàu giảm và thiếu container (cont).
Thông tin từ một số doanh nghiệp thủy sản cho thấy, hiện giá cước vận tải biển ở nhiều tuyến còn cao hơn mức đỉnh của năm ngoái. Cụ thể: Giá cước đi Thái Lan (cảng Bangkok, Laem Chabang) 1.600 - 2.500 USD/cont tùy hãng; Philippines (Davao, Cebu, General Santos) dao động 4.000 - 5.300 USD/cont; đi các cảng bờ Tây nước Mỹ dao động từ 12.000 - 14.000 USD/cont (tùy hãng); đi bờ Đông nước Mỹ như (Baltimore,Miami, New Orleans, Houston...) dao động ở mức cao từ 19.000 - 22.000 (tùy hãng)...
Chưa hết, nếu xuất khẩu hàng hóa đi bờ Đông nước Mỹ, doanh nghiệp đang rất khó đặt chỗ do những cảng này có ít hãng tàu nhận vận chuyển, có những tháng còn bị cắt bớt chuyến và có sự chênh lệch giá lớn, thậm chí cả ngàn USD giữa các hãng tàu. Việc đặt container đi các tuyển khác cũng đang rất khó khăn với mức độ khó tùy theo từng tuyến, từng hãng tàu.
Bà Lê Thị Kim Thúy, Giám đốc Trải Nghiệm khách hàng của TMX Việt Nam, cho hay, nhiều container được vận chuyển với mức phí bảo hiểm rất lớn gây tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt Nam, bởi phần lớn lượng hàng xuất khẩu đường biển của Việt Nam phụ thuộc vào các hãng tàu quốc tế. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang gặp nhiều khó khăn do giá cước và phụ phí thuê container rỗng tăng cao.
Trong khi giá cước vận tải biển đi các tuyến quốc tế vẫn đang cao ngất ngưởng và quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, thì giá cước vận tải đường bộ và đường thủy ở Việt Nam cũng đang rục rịch tăng lên do giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua bởi ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine.
Mới đây, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã thông báo điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái - Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD (cảng nội địa) liên kết (gồm ICD Phúc Long, ICD Transimex, ICD Tanamexco và ICD Sotrans).
Theo đó, kể từ 1/4/2022, tăng 10% đơn giá dịch vụ vận chuyển container nhập tàu tuyến từ cảng Tân cảng Cát Lái đến các cảng, ICD liên kết; tăng 30% đơn giá dịch vụ vận chuyển container xuất tàu tuyến từ các cảng, ICD liên kết đến cảng Tân cảng Cát Lái. Tăng 10% giá dịch vụ vận chuyển đối với container xuất, nhập tàu tuyến vận chuyển qua lại giữa cảng Đồng Nai và cảng Tân cảng Cát Lái.
Không tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, cước vận tải biển đang quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu đang tìm đủ mọi cách để tiết giảm chi phí.
Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cũng cho rằng trong bối cảnh chi phí sản xuất, vận chuyển đang tăng cao theo giá xăng dầu, thì việc không làm tăng thêm các chi phí khác cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Bởi bất kỳ sự gia tăng thêm chi phí nào cho doanh nghiệp vào thời điểm này sẽ làm phức tạp thêm vấn đề, thêm áp lực chi phí trực tiếp lên hàng xuất khẩu.
Đó là lý do mà vừa qua, 7 Hiệp hội doanh nghiệp gồm VASEP, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) và Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã gửi thư kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, HĐND và UBND TP.HCM về việc chưa triển khai thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND.
Theo 7 Hiệp hội ngành hàng nói trên, việc thu phí này đang tạo ra một số điều bất hợp lý. Trong đó, có sự bất hợp lý về thời điểm áp dụng (từ tháng 4/2022). Bởi từ 11/6/2021 đến cuối tháng 9/2021, đa số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19.
Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi trả nhiều khoản chi như lương cho công nhận, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho… do không xuất khẩu/bán được hàng. Từ tháng 10 - 12/2021, đa số các doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động cầm chừng được từ 30-70% công suất do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy…
Đến đầu năm 2022, các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất thì lại phải gánh thêm nhiều chi phí như cước vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng... trong khi doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu công nhân.
Do vậy, việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP. HCM vào thời điểm này là chưa phù hợp do sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cản trở việc phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Không chỉ làm gia tăng mạnh giá xăng dầu, xung đột Nga và Ukraina còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa toàn cầu ở khía cạnh cung cấp nguồn lao động hàng hải.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đối với ngành vận tải biển toàn cầu, Nga và Ukraina cung cấp 275.000 trong tổng 1,9 triệu thuyền viên làm việc trên các tàu thương mại trên khắp thế giới, lớn hơn cả Philippines, nước cung cấp lao động trong ngành hàng hải lớn nhất thế giới. Riêng Ukraina chiếm 5,4% số chỉ huy thuỷ thủ đoàn trên hơn 74.000 tàu thương mại quốc tế.