| Hotline: 0983.970.780

Giá xăng dầu giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế

Chủ Nhật 27/02/2022 , 07:46 (GMT+7)

Xăng dầu liên tục tăng giá đang tác động tăng chi phí liên hoàn tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực, hàng hóa, đặc biệt là nông sản lưu thông trên thị trường…

Xăng dầu tăng kéo theo nhiều chi phí, giá thành nguyên vật liệu, sản phẩm... tăng theo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xăng dầu tăng kéo theo nhiều chi phí, giá thành nguyên vật liệu, sản phẩm... tăng theo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Không phải khó khăn, mà là quá khó khăn!”

Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 3 lần liên tiếp. Trong kỳ điều chỉnh giá mới, từ 15h ngày 21/2, giá xăng E5 RON 92 là 25.530 đồng/lít (tăng 960 đồng); RON 95 là 26.280 đồng/lít (tăng 960 đồng); dầu hỏa là 19.500 đồng/ lít (tăng 750 đồng), dầu diesel là 20.800 đồng/lít (tăng 940 đồng); dầu madut là 17.930 đồng/kg (tăng 280 đồng).

Khi chúng tôi đặt vấn đề hỏi về giá xăng dầu tăng thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nói rằng: “Không phải khó khăn, mà là quá khó khăn!”.

Bà Lê Minh Hòa, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Minh Hòa (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, đơn vị cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu đã báo giá tăng 10 - 15% từ sau Tết Nguyên đán với lý do xăng tăng giá, giá vận chuyển trong nước cũng tăng hơn 10%. 

“Đến nay, chúng tôi vẫn chưa dám điều chỉnh tăng giá bán vì sợ mất khách hàng, mà phải cân đối lại tình hình sản xuất. Nếu tăng giá thêm từ 30.000 - 50.000 đồng/sản phẩm bán ra, thì có thể mất 30% lượng khách hàng”, bà Hòa cho hay.

Chính vì vậy, cơ sở của bà Hòa vẫn đang cố gắng “cầm cự”, nhưng nếu giá xăng tiếp tục tăng trong thời gian tới thì khó để giữ giá.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, doanh nghiệp của bà gặp vô vàn khó khăn, vừa ổn định được chút thì bây giờ đến xăng tăng giá, ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, bà Huân khẳng định, dù bất cứ lý do gì thì doanh nghiệp vẫn cố gắng hết sức để giữ giá, ít nhất đến hết quý I/2021.

Đối với thanh long nghịch mùa, người nông dân phải chong đèn mỗi tối, khi xăng tăng giá sẽ ảnh hưởng tới giá điện tăng... chi phí sản xuất bị đội lên. Ảnh: Kim Sơ.

Đối với thanh long nghịch mùa, người nông dân phải chong đèn mỗi tối, khi xăng tăng giá sẽ ảnh hưởng tới giá điện tăng... chi phí sản xuất bị đội lên. Ảnh: Kim Sơ.

Là đơn vị cung ứng các sản phẩm trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (Vfood) cho biết, giá xăng dầu không tác động nhiều trong cơ cấu giá thành mặt hàng trứng, tuy nhiên ảnh hưởng đến khâu vận chuyển logistics.

“Chỉ mấy ngày sau đợt tăng giá xăng dầu lần đầu, các đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào đã thông báo kế hoạch tăng giá của họ, mỗi thứ từ 10 - 20% tùy loại. Với đợt tăng giá mới này thì các nhà cung cấp nguyên vật liệu tăng giá coi như là chắc chắn rồi!”, ông Thiện lo ngại.

Tuy nhiên, ông Thiện cho biết, DN mình lại không thể tăng giá bán vì đã ký kết với chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM (cam kết trước và sau Tết một tháng không tăng giá - PV). “Với áp lực hiện tại, có thể sau giai đoạn này, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh lại giá bán ra, thời gian có thể từ tháng 3/2022”, ông Thiện nói.

Theo Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch HĐQT HTX Thanh Phú Long (Long An), thời điểm hiện nay thanh long nghịch mùa, vì vậy người trồng thanh long phải chong đèn, khi xăng tăng giá sẽ ảnh hưởng đến ngành điện, cộng với giá vật tư đầu vào tăng, giá vận chuyển container tăng khiến cho người trồng thanh long, DN xuất khẩu thanh long bị ảnh hưởng.

Ông Trịnh ví dụ, trước đây 1 xe container thanh long từ Long An đi Lạng Sơn khoảng 60 - 70 triệu đồng, thì hiện nay có thể tăng lên khoảng 100 triệu đồng (tăng khoảng 30%). Như vậy, tính ra mỗi kg thanh long phải chịu thêm khoảng 2.000 đồng. Trong khi đó, giá bán thanh long hiện nay khoảng 6.000 đồng/kg tại vườn; bán cho siêu thị, chợ đầu mối khoảng 10.000 đồng/kg. “Với giá bán thanh long như thế này thì người nông dân đang lỗ rất nặng rồi, vì là hàng nghịch mùa, phải chong đèn mới có trái. Nếu mình cố gắng giữ giá bán thanh long thì người nông dân chính là người chịu thiệt, còn tăng giá bán thì người tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng”, ông Trịnh nói.

Ông Cao Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Minh Hoa (TP Thủ Đức - TP.HCM) cho biết, trước tháng 8/2021, chi phí vận chuyển cho mỗi container trọng lượng từ 12 - 15 tấn từ TP.HCM, Tiền Giang, Long An ra cửa khẩu biên giới các tỉnh phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc có giá 50 - 70 triệu đồng thì đến cuối năm 2021 đã đội lên khoảng 90 - 100 triệu đồng.

“Dự báo giá cước vận chuyển nông sản, trái cây từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục tăng đội lên 120 - 130 triệu đồng/container và sẽ còn cao hơn nữa nếu giá xăng tiếp tục tăng”, ông Thành nói.

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), xăng tăng dẫn đến chi phí tiếp tục tăng cao, chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng. Khi chi phí vận tải cao, chắc chắn hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ tăng giá. Điều này hoàn toàn không có lợi cho thị trường khi sức mua chưa hồi phục hoàn toàn.

“Hiện nay, toàn bộ DN vận tải chỉ mới trong giai đoạn bắt đầu phục hồi. Trong khi đó, chi phí vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại do thiếu hụt về nguồn cung, lao động vận tải toàn cầu. Mặt khác, DN còn phải gánh thêm các chi phí phòng, chống dịch Covid-19”, ông Hiệp nói.

Sức ép từ giá xăng dầu tăng cùng các chi phí phòng, chống dịch, vận tải, logistic… đang đè nặng lên doanh nghiệp, khiến cho nhiều mặt hàng tiêu dùng khó tránh khỏi tăng giá trong thời gian tới. Những chi phí này chính người tiêu dùng phải gánh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sức ép từ giá xăng dầu tăng cùng các chi phí phòng, chống dịch, vận tải, logistic… đang đè nặng lên doanh nghiệp, khiến cho nhiều mặt hàng tiêu dùng khó tránh khỏi tăng giá trong thời gian tới. Những chi phí này chính người tiêu dùng phải gánh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giải bài toán khó

Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM Lê Trung Tính cho biết, trong bối cảnh hiện nay, rất khó để tăng giá cước, lý do là sau hai năm đại dịch Covid-19, vận tải nói chung đều bị tê liệt, riêng vận tải hàng hóa còn hoạt động được 50-70%, còn vận tải hành khách, đặc biệt hành khách du lịch (hợp đồng) thì “gần chết”. Đến ngày 1/10 thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, mở cửa trở lại, tuy nhiên, suốt 3 tháng (từ tháng 10 - 12/2021) ở các bến xe miền Đông, miền Tây của TP.HCM lượng hành khách đi lại chỉ bằng 50% so với những năm trước.

“Tình hình phục hồi lại của vận tải hành khách nói chung và vận tải hành khách du lịch nói riêng chưa tốt. Chính vì lẽ đó, nếu cước tăng lên sẽ là “đòn giáng xuống” vận tải không thể ngoi lên được”, ông Lê Trung Tín nhìn nhận.

Ông Tính cũng cho rằng, cần 4 giải pháp vĩ mô và vi mô để giải được bài toán khó này. Một là, Bộ Tài chính và Bộ Công thương xin phép Chính phủ rút quỹ bình ổn để đưa vào giá xăng dầu cho giá giảm xuống; hai là trình Chính phủ giảm phí và thuế trong một lít xăng dầu.

“Theo số liệu tôi có được thì phí và thuế trong một lít xăng dầu tại Việt Nam rất cao. Ví dụ, trước đây, 10.000 đồng xăng dầu thì trong đó phí thuế đã chiếm 60%, thì hiện nay mức này xoay quanh 40 - 50%. Đề nghị rút phí và thuế xuống còn 20 - 30% để giá xăng dầu giảm xuống”, ông Tính nói.

Còn hai giải pháp vi mô là điều chỉnh cước và chính bản thân các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải phải tiết kiệm nhiên vật liệu đầu vào, tăng năng suất lao động, tổ chức hợp lý vận tải lại để giảm chi phí giá thành, để giá thành vận tải không đột biến như giá xăng dầu.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) Trương Tiến Dũng, giá xăng dầu tăng chưa làm giá cả hàng hóa tăng ngay vì còn có độ trễ. Tuy nhiên, xăng dầu là chi phí đầu vào của mọi loại hình sản xuất - kinh doanh nên việc đội chi phí là không tránh khỏi.

“Đối với các doanh nghiệp thuộc FFA, trong suốt năm 2021 không điều chỉnh giá dù vừa phải phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì sản xuất. Sau Tết, thị trường tiêu dùng trong nước khá ảm đảm, trong khi đó giá xăng tăng ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào… Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải cố gắng hoạt động để tạo công ăn việc làm, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng để chờ cơ hội thị trường phục hồi. Xăng tăng ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, nhưng ảnh hưởng lớn hơn là người lao động. Đây sẽ là ngòi nổ để lạm phát lên cao”, ông Dũng nhìn nhận.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm