| Hotline: 0983.970.780

'Bắt bệnh bốc thuốc' đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp

Doanh nghiệp 'khát' lao động, nhà trường vắng sinh viên

Thứ Sáu 11/08/2023 , 07:10 (GMT+7)

THỪA THIÊN HUẾ Nhu cầu đặt hàng lao động của doanh nghiệp ngành nông nghiệp ngày càng lớn, song lượng sinh viên tuyển sinh được của Đại học Nông lâm (Đại học Huế) lại ngày càng tụt mạnh.

Tuyển sinh chỉ đạt 40% kế hoạch

Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế, sau đây gọi tắt là ĐH Nông lâm Huế) là cái nôi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao chủ lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả nước nói chung.

Trong vườn thực nghiệm Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế. Ảnh: Tâm Phùng.

Trong vườn thực nghiệm Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế. Ảnh: Tâm Phùng.

Bài liên quan

Với 22 ngành đào tạo trình độ đại học, ở "thời vàng son", cao nhất là năm 2015, ĐH Nông lâm Huế tuyển được hơn 2.380 sinh viên, nhưng kể từ đó, lượng sinh viên tuyển được hàng năm ngày càng giảm.

Cụ thể năm 2016 và 2017 lần lượt tuyển được hơn 1.790 và gần 1.300 sinh viên. Số lượng sinh viên tuyển sinh những năm sau đó liên tục giảm sâu. Đặc biệt trong 5 năm gần đây (2018 - 2022), hàng năm nhà trường chỉ còn tuyển được khoảng 750 - 1.000 sinh viên, đạt khoảng 40% so với dự kiến.

Tuyển sinh là công tác quan trọng bậc nhất trong các trường đại học, đặc biệt là trước sức ép về chủ trương tự chủ đại học hiện nay. Nguồn ngân sách chủ yếu của các trường đại học phụ thuộc phần lớn vào học phí của sinh viên. Tuy nhiên, trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, số lượng người học khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp nói chung và ĐH Nông lâm Huế nói riêng đã giảm sút nghiêm trọng. Có nhiều ngành học ở trường này chỉ tuyển sinh được từ 10 - 20 sinh viên.

Bài liên quan

Việc tuyển sinh giảm sút làm ảnh hưởng rất nhiều đến triển khai thực hiện chiến lược phát triển của Nhà trường và thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức và người lao động. Ở tầm vĩ mô, điều đó chắc chắn sẽ tạo ra một sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn của cả nước”, PGS.TS Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng ĐH Nông lâm Huế lo lắng.

Doanh nghiệp "khát" lao động

Tương phản với sự tuột dốc về số lượng người học, nhu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở các tỉnh khu vực miền Trung những năm qua lại ngày càng rất lớn. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học.

Các sinh viên trường ĐH Nông lâm Huế trong giờ thực hành. Anh: Tâm Phùng.

Các sinh viên trường ĐH Nông lâm Huế trong giờ thực hành. Anh: Tâm Phùng.

Theo trường ĐH Nông lâm Huế, giai đoạn 2018 - 2023, hàng năm các doanh nghiệp có nhu cầu "đặt hàng" thông qua nhà trường để tuyển dụng khoảng 2.200 - 3.000 kỹ sư, bác sĩ thú y nhưng số sinh viên ra trường hàng năm của ĐH Nông lâm Huế chỉ có 1.500 - 2.000, mới đáp ứng được 2/3 nhu cầu tuyển dụng.

Số liệu khảo sát sinh viên của nhà trường năm 2022 cho thấy, sinh viên sau khi tốt nghiệp chủ yếu làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước (gần 87%), tiếp theo là các cơ quan doanh nghiệp nhà nước (gần 12%), còn lại là tự tạo việc làm.

Vào tháng 5 vừa rồi, Trường phối hợp với hơn 40 doanh nghiệp trong cả nước tổ chức sàn việc làm cho sinh viên và người lao động có nhu cầu. Dù các doanh nghiệp có nhu cầu lên đến 2.500 vị trí việc làm trả lương cao, ổn định nhưng con số sinh viên ra trường được tuyển dụng lại quá ít.

“Mỗi năm chúng tôi chỉ có 1.000 sinh viên ra trường nên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã đặt chỗ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động đã khẳng định mức lương tối thiểu cho sinh viên ra trường từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Như vậy có thể thấy rằng, sinh viên của Trường có việc làm và thu nhập tương đối tốt sau khi tốt nghiệp ra trường, song việc tuyển sinh vẫn rất khó khăn, dù nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút sinh viên”, PGS.TS Trần Thanh Đức cho hay.

Sinh viên ra trường có thể làm việc ngay

Gần trưa, chúng tôi đến vườn thực nghiệm của Trường. Dù trời đang nắng gắt, trong khu nhà lưới rộng vẫn còn nhiều sinh viên đang cặm cụi làm, học. Nhà lưới được bố trí đẹp mắt với lối đi ở giữa và hai bên là những dãy cây dưa lưới xanh treo đầy những quả căng tròn rực vàng lên dưới nắng. Nữ sinh viên Hồ Nguyệt Nga (sinh viên năm thứ 2, khoa Nông học) cho hay các em đang thực hiện mô hình trồng dưa lưới. Hiện mô hình đang vào giai đoạn thu hoạch, các tiêu chuẩn dưa thành phẩm đưa ra đều đạt cao, năng suất rất tốt.

Những giờ thực hành sẽ cho sinh viên kiến thức tốt để áp dụng vào công việc ngay sau khi ra trường. Ảnh: Tâm Phùng.

Những giờ thực hành sẽ cho sinh viên kiến thức tốt để áp dụng vào công việc ngay sau khi ra trường. Ảnh: Tâm Phùng.

"Đây là chương trình thực nghiệm trong quá trình học tập. Chúng em vừa học vừa thực hành theo chuyên ngành của mình. Sau khi ra trường, chúng em có thể bắt tay vào việc làm luôn chứ không bỡ ngỡ nữa”, sinh viên Nguyệt Nga nói.

Khi các bạn đang quan sát, ghi chép dữ liệu tình hình sinh trưởng phát triển của dưa lưới thì ở góc sát cửa ra vào, nam sinh viên Nguyễn Đăng Lân lưng vẫn mang ba lô miệt mài quan sát, tay gẩy nhẹ từng miếng đất nhỏ trên khay ươm cây các loại.

Lân cho hay, em đang là sinh viên năm thứ 3, ngành Bảo vệ thực vật. Lân đang theo đề tài ươm cây bí xanh, bí ngô, bí vàng… và theo dõi quá trình phát triển, kháng bệnh của các loại giống này. Lân cũng cho biết đang tham gia một số đề tài khác với nhóm các bạn để có thêm kiến thức thực tiễn ngoài những kiến thức được học trên giảng đường.

“Khi ra trường, chúng em có thể bắt tay vào việc được ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực giống, bảo vệ thực vật. Em thấy khá tự tin, yên tâm về việc làm sau khi ra trường. Nếu không làm cho cơ quan, doanh nghiệp thì em cũng đủ tự tin để có đường đi riêng cho mình”, sinh viên Lân nói.

Cùng đi tham quan vườn thực nghiệm, PGS.TS Trần Thanh Đức chia sẻ: “Trường chúng tôi cũng đã đổi mới phương pháp đào tạo. Trong đó, chúng tôi chú trọng việc thực hành theo từng chuyên ngành học. Qua đó giúp cho sinh viên tiếp cận thực tế sau khi ra trường cũng như các em có thể bắt tay ngay vào việc làm chứ không tốn nhiều thời gian thử việc hay đào tạo lại”.

Sinh viên Nguyễn Đăng Lân (ngành Bảo vệ thực vật, ĐH Nông lâm Huế) đang miệt mài với mô hình của mình. Ảnh: Tâm Phùng.

Sinh viên Nguyễn Đăng Lân (ngành Bảo vệ thực vật, ĐH Nông lâm Huế) đang miệt mài với mô hình của mình. Ảnh: Tâm Phùng.

Nói về câu chuyện nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, PGS.TS Trần Thanh Đức cho hay, theo tính toán của Bộ NN-PTNT, nhu cầu đến năm 2025 cả nước cần 10.000 cán bộ quản lý nông nghiệp, 80.000 cán bộ HTX nông nghiệp, 100.000 nông dân được đào tạo, 60.000 người làm dịch vụ kỹ thuật, sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp.

“Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp nước ta ngày càng tăng, trong khi nguồn cung lại giảm mạnh là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến sự thiếu hụt đáng kể nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản hiện nay và sẽ trầm trọng hơn trong 5 - 10 năm tới nếu không có các giải pháp kịp thời và bền vững”, PGS.TS Trần Thanh Đức nhìn nhận.

Nhìn nhận như vậy, tuy nhiên việc tuyển sinh hàng năm của ĐH Nông lâm Huế hiện vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn chật vật mà chưa thể tìm được hướng tốt hơn để kéo sinh viên vào học ngành nông nghiệp.

Theo PGS.TS Trần Thanh Đức, để thu hút được sinh viên vào học ngành nông nghiệp, không chỉ có vai trò, giải pháp tuyển sinh của các trường đại học, mà cần nâng cao nhận thức của cả xã hội, đặc biệt là sự hướng nghiệp cho các em học sinh ngay ở các trường THPT về vai trò quan trọng của nông, lâm nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, các trường đại học trong khối nông lâm nghiệp cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp trong xây dựng và tổ chức đào tạo, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp.

“Cần có sự hỗ trợ của nhà nước đối với các trường đào tạo và sinh viên theo học các ngành nông, lâm, thủy sản. Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hỗ trợ một phần học phí và học bổng cho các sinh viên theo học nhóm ngành nông, lâm, thủy sản”, PGS.TS Trần Thanh Đức nói.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.