| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp phá sản - nỗi lo nền kinh tế

Thứ Năm 05/04/2012 , 10:06 (GMT+7)

Tổng cục Thống kê cho hay, trong năm 2011, có tới 79 nghìn DN làm ăn thua lỗ dẫn tới phá sản.

Rất nhiều DN nhỏ và vừa đang đứng trước nguy cơ phá sản

Tổng cục Thống kê cho hay, trong năm 2011, có tới 79 nghìn DN làm ăn thua lỗ dẫn tới phá sản. Và cũng chỉ trong quý I/2012, số DN đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng đến 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Dấu hiệu bất thường này ảnh hưởng đến nền kinh tế thế nào?

Số DN “chết” tăng gấp 10 bình quân hằng năm

Trong giai đoạn 2005 – 2010, mỗi năm bình quân có khoảng 5 nghìn DN tuyên bố giải thể, ngừng hoạt động. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, đã có tới hơn 50 nghìn DN phá sản. Số liệu trên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố trong cuộc hội thảo mới đây về DN và lãi suất ngân hàng. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, số lượng DN “chết” đã cao gấp 10 lần bình quân năm của giai đoạn trước. Điều này cũng có nghĩa là nền kinh tế vĩ mô đang có vấn đề, mặc dù số lượng DN khai sinh cũng tương đối lớn.

Tại đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh, trong quý I, có 931 DN khóa mã số thuế để hoàn tất thủ tục giải thể tại Cục Thuế TP, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, cũng có 5.012 DN gửi thông báo ngừng hoạt động. Còn tại Thủ đô Hà Nội, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Văn Tứ cho hay, trong hai tháng qua, cơ quan này đã làm thủ tục giải thể cho 169 DN, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng theo ông Tứ, con số thực tế có thể lớn gấp nhiều lần. Và, điều đáng lo ngại nhất là nhiều DN đã “chết” rồi nhưng vẫn chưa “khai tử”.

Theo phân tích của ông Tứ, nguyên nhân được chỉ ra là các DN gặp khó khăn về vốn, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn thị trường, dẫn đến hoạt động đình trệ hoặc phải ngưng sản xuất. Bên cạnh đó, dù lãi suất tín dụng đã giảm 1 – 1,5% so với đầu năm nhưng tăng trưởng tín dụng lại thấp. Những dấu hiệu này đủ để thầm hiểu rằng, một quá trình tăng trưởng kinh tế èo uột đang diễn ra.

Lý giải của ông Tứ rất có lý khi Tổng cục Thống kê công bố, trong quý I/2012, GDP tăng trưởng đạt 4%, thấp hơn nhiều so cùng kỳ nhiều năm trước. Chỉ số công nghiệp cộng dồn so với cùng kỳ từ tháng 7 đến tháng 12/2011 và 3 tháng đầu năm 2012 đi xuống một cách đều đặn, trong đó nhiều ngành có tỷ trọng đóng góp trong tổng giá trị sản xuất cao thì lại tăng trưởng âm. Cụ thể kim ngạch XK giảm 1,75% điểm; khối lượng vận tải hàng hóa giảm 3,6% điểm; lượng gạo XK mới bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Không ít DN chuyển từ sản xuất sang làm thương mại, lấy ngắn nuôi dài, hoạt động cầm chừng nuôi nhân sự.

Theo nhiều dự báo, đến cuối quý 2/2012, làn sóng DN trong nước phá sản, dừng hoạt động và không nộp thuế sẽ tiếp tục gia tăng vì không có đơn hàng hoặc không chịu nổi chi phí quá cao. TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, phân tích: Còn quá sớm để đưa ra nhận định về sức khỏe của DN trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, dấu hiệu một số DN có số nợ thuế hàng chục, trăm tỷ đồng, thời gian kéo dài, cộng với những bất ổn của nền kinh tế vĩ mô dấy lên một nghi ngờ: cuộc suy thoái của năm 2008 đang trở lại?

DN phá sản – Nhiều hệ lụy

TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, chỉ ra nguyên nhân khiến DN bị phá sản không phải do bản thân DN gây ra, mà do yếu tố khách quan từ chính sách, môi trường, từ cách điều hành và yếu tố bên ngoài của nền kinh tế thế giới. “Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều DN sản xuất kinh doanh tính toán và đưa ra mức lợi nhuận đạt được chỉ khoảng 15%/năm sau khi đã trừ tất cả các chi phí. Trong khi đó, nếu tích gộp cả việc trích quỹ dự phòng rủi ro và trả lãi cho ngân hàng thì DN hụt vào lãi. Hệ quả là phá sản cầm chắc”, ông Kiêm nói.

“Việc hàng chục nghìn DN phá sản, giải thể cho thấy  tình hình “sức khỏe” của DN đang xấu đi. Nguyên nhân gốc gác nằm ở chỗ các DN đã phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng, thậm chí có những DN vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 20%, 80% còn lại là đi vay, hay nói nôm na là các DN nợ quá nhiều. Do đó, áp lực lãi suất đương nhiên rất lớn”, ông Cao Sỹ Kiêm.

Cũng theo ông Kiêm, trong nền kinh tế thị trường, chuyện DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là chuyện bình thường, nhưng khi DN lâm vào tình trạng này, những tác động mà nó gây ra cho xã hội không phải là nhỏ. Trước hết, một lượng lớn những người lao động sẽ bị nợ lương, nghỉ việc. DN thì nợ bảo hiểm xã hội, nợ tiền điện, viễn thông, nước, nợ ngân hàng... Chẳng hạn, khi Cty CP Thép Vạn Lợi (Hải Phòng) phải ngừng sản xuất thời gian qua, thì hơn 2 nghìn lao động hiện không có việc làm, phải nghỉ việc, bị nợ lương. Vạn Lợi hiện đang nợ tiền điện hơn 11 tỷ đồng và nợ Bảo hiểm xã hội TP Hải Phòng gần 7 tỷ đồng. Ngoài ra, DN này đang là con nợ của 6 tổ chức tín dụng, với nhiều món nợ xấu, giá trị lớn lên tới hơn 1 nghìn tỷ đồng. 

Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, phá sản không phải là điều tốt đẹp đối với các DN, đặc biệt là hệ lụy của nó đối với nền kinh tế và an sinh xã hội. Tuy vậy, sự phá sản đôi khi giống như đào thải, sàng lọc các DN yếu kém, làm ăn không hiệu quả. Đó cũng là quy luật của nền kinh tế thị trường. “Tuy nhiên, gần 80 nghìn DN phá sản trong 1 năm lại là vấn đề bất ổn, đó là chưa tính đến năm nay còn khó khăn hơn nữa. Do đó, một mặt cứ phải để quy luật thị trường đào thải các DN yếu kém, nên không thể cứu 100% các DN. Nhưng có những DN nằm ở trạng thái là cung ứng hàng hoá cho nền kinh tế, cung ứng hàng cho XK, tạo ổn định vĩ mô và lao động. Tóm lại là nên cứu giúp nhưng cần có địa chỉ, không có lý gì mà lại không cứu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, XK”, ông Thiên nói. 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm