Vừa qua gia đình ông Lê Văn Lắm (ngụ Ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cắt xong dao 2 cho vườn sầu riêng rộng hơn 3 công đất của gia đình với sản lượng hơn 5 tấn.
Ông Lắm là một trong những trường hợp ký hợp đồng bán sầu riêng cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa tại khu vực miền Tây. Thời điểm công ty và ông Lắm ký hợp đồng giá sầu riêng tại khu vực này là 80.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đến nay giá hạ xuống hơn 50.000 đồng/kg. Mặc dù giá xuống thấp nhưng Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa vẫn thu mua vườn sầu riêng của gia đình ông Lắm như cam kết ban đầu.
Ông Lê Văn Lắm cho biết, khi giá xuống thấp gia đình sợ doanh nghiệp sẽ xin giảm giá nhưng họ không làm vậy. “Công ty làm như vậy thì quá tốt có thể giữ được chữ tín với người dân. Trước đây khi thương lái vào chốt vườn nếu giá xuống thấp thì sẽ xin giảm để bớt lỗ. Nếu người dân không chịu thì tìm mọi cách để treo vườn lại không cắt hoặc bỏ cọc”, ông Lắm chia sẻ.
Ông Lắm cho biết thêm, việc doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết sẽ giúp cho người dân có niềm tin, những vụ tiếp theo sẽ bán cho doanh nghiệp nhiều hơn bên ngoài. “Đây là năm đầu tiên gia đình bán được giá cao như vậy. Những năm trước giá cả bấp bênh nên thu nhập không đáng kể”, ông Lắm nói thêm.
Bà Nguyễn Ngọc Lan Quyên, Phụ trách vùng nguyên liệu khu vực miền Tây của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa cho biết, công ty đã xây dựng chính sách liên kết thu mua với người dân để làm sao người dân được hưởng lợi cao nhất.
Theo bà Quyên, công ty vẫn thu mua xô theo cách truyền thống lâu nay chứ không chọn lựa và giá sẽ giữ từ lần cắt đầu đến cuối. Đặc biệt, khi thu mua xong, công ty sẽ tiếp tục chi trả cho người dân mỗi kg 300 đồng.
"Đối với trường hợp của bác Lắm, thời điểm chốt giá thị trường là 80.000 đồng/kg nhưng công ty vẫn thu mua cao hơn một giá. Sau khi thu mua công ty đã chuyển cọc cho người dân 10%. Khi giá xuống thấp bác Lắm có gọi điện cho công ty lo lắng việc sẽ bị hạ giá. Tuy nhiên doanh nghiệp cam kết khi đã ký hợp đồng thì sẽ căn cứ vào đấy thực hiện chứ không kì kèo giá cả với người dân. Đây là việc doanh nghiệp thể hiện chữ tín với người dân trong liên kết mua bán, tiêu thụ sản phẩm”, bà Quyên thông tin.