Xuất khẩu sầu riêng tăng gần 300%. Giảm sử dụng hóa chất trong nuôi tôm. Sẵn sàng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Bàn giao tê tê quý hiếm bò vào sân nhà.
XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG TĂNG GẦN 300%
(THANH SƠN - NGUYỄN THỦY)
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, sau khi tăng trưởng 3 con số trong năm 2022, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng tiếp tục tăng trưởng rất mạnh khi đạt 57 triệu đô la Mỹ, tăng 291 phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, sầu riêng đang là loại trái cây có sự tăng trưởng mạnh nhất về kim ngạch xuất khẩu.Sầu riêng chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83% tổng trị giá xuất khẩu loại trái cây này của cả nước.Bên cạnh sầu riêng, xuất khẩu một số loại trái cây khác như mít, xoài, dưa hấu trong 2 tháng đầu năm nay cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, mít tăng 61%, xoài tăng 14%, dưa hấu tăng 98%.
GIẢM SỬ DỤNG HÓA CHẤT TRONG NUÔI TÔM
(Minh Sáng)
Ngày 5/4, tại huyện Cần Giờ, Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh”.Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, đơn vị đang hỗ trợ người nông dân huyện Cần Giờ tiếp cận các giải pháp công nghệ kỹ thuật hiện đại để giải quyết được những khó khăn trong sản xuất nuôi trồng thủy sản. Đơn cử như giải pháp công nghệ Huetronics trong xử lý nước cấp an toàn và tiết kiệm chi phí; đồng thời giúp người nuôi kiểm soát hiệu quả môi trường nước ao tôm thâm canh. Đặc biệt, việc phát triển nuôi tôm trên địa bàn huyện Cần Giờ đang tập trung thay đổi cách xử lý môi trường truyền thống bằng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tối đa việc sử dụng hóa chất.
SẴN SÀNG PHƯƠNG ÁN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
(Văn Vũ)
Tỉnh Sóc Trăng có trên 10.200 ha rừng, trong đó rừng tràm chiếm phần lớn diện tích, thời điểm này được xem là thời gian cao điểm mùa khô, tỉnh đã bố trí nhân lực túc trực 24/24 giờ tại các phân trường, trang bị đầy đủ thiết bị, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ tháng 3- 6 là giai đoạn cao điểm mùa khô, do đó, ngành kiểm lâm đã thành lập các đội, phối hợp với các đơn vị có liên quan, đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát môi trường để tiến hành kiểm tra các khu vực, các phân trường, cũng như kiểm tra tình hình khô hạn, mực nước trên các nhánh kênh, sông.Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con sống dưới tán rừng, các tổ bảo vệ rừng và nhân dân xung quanh để hạn chế các hành vi gây cháy rừng.
BÀN GIAO TÊ TÊ QUÝ HIẾM BÒ VÀO SÂN NHÀ
(Phúc Lập - Lê Bình)
Ngày 5/4, Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước tiếp nhận 1 cá thể Tê Tê Java có trọng lượng 5,5kg do 2 giáo viên Lê Trọng Ngọc và Liêu Văn Quyết, ngụ xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh bàn giao.Trước đó, khoảng 20 giờ tối ngày 3/4, trong lúc đang ngồi uống trà ở nhà, nên 2 giáo viên này phát hiện có 1 cá thể Tê Tê bò vào sân trước nhà nên chủ động bắt nhốt lại và trình báo với Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Ninh về sự việc. Được biết, đây là một trong những động vật quý hiếm đang nằm trong sách đỏ được bảo tồn nghiêm ngặt nên 2 giáo viên đã mang cá thể Tê Tê nói trên đến bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Ninh để đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thả về lại môi trường tự nhiên.