| Hotline: 0983.970.780

Góp ý đổi mới nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp

Doanh nghiệp với công tác nghiên cứu khoa học

Thứ Sáu 09/07/2021 , 15:08 (GMT+7)

Tới khi nghỉ hưu, tôi mới nhận ra vấn đề: Phải hợp tác với doanh nghiệp thì mới có đủ điều kiện làm tốt các nhiệm vụ khoa học mà ta khao khát thực hiện.

Đọc bài10 vấn đề cần thay đổi trong khoa học lâm nghiệp của GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, tôi thấy nội dung rất chính xác. 10 vấn đề mà Giáo sư Hải nêu ra đã tồn tại từ lâu nhưng nhà nước chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.

Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, nhà nước mình cũng còn quá nhiều khó khăn; ngân quỹ như miếng bánh, chỗ này lấy nhiều thì chỗ kia hết ăn! Vì vậy, cần tìm thêm biện pháp để cùng nhà nước giải quyết vấn đề này.

Tôi cũng làm việc trọn đời cho nhà nước. Hơn 50 năm ăn lương nhà nước nhưng mãi tới khi nghỉ hưu tôi mới nhận ra vấn đề: Phải hợp tác với doanh nghiệp thì mới có đủ điều kiện làm tốt các nhiệm vụ khoa học mà ta khao khát thực hiện.

Cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê ở Lâm Hà - Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê ở Lâm Hà - Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Thời trai trẻ, tôi thường đi theo các nhà khoa học lớn có xu hướng cải cách trong nghiên cứu khoa học. Họ luôn nghĩ tới việc nghiên cứu phải gắn với thực tiễn, gắn với sản xuất. Vì vậy, các đề tài của họ thường gắn với địa phương (địa phương thời đó chưa có các doanh nghiệp tư nhân mà chủ yếu là các hợp tác xã).

Bản thân các nhà khoa học ấy đôi khi cũng bị dị nghị, bị cho là chạy theo đồng tiền, chạy theo lợi nhuận, phi xã hội chủ nghĩa… Nhưng thực chất, các nghiên cứu của họ mới đưa tới kết quả cụ thể và được nhân dân hưởng ứng.

Tôi đi theo GS.TSKH Phan Phải để triển khai các giống cây được đột biến, đưa tới năng suất cao; theo PGS.TS Hoàng Văn Phiệt để đẩy mạnh việc trồng cây thanh hao hoa vàng và các cây dược liệu; theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, để phổ biến các phương pháp nhân giống vô tính cây trồng; theo PGS.TS Nguyễn Văn Uyển để triển khai các chế phẩm phân vi lượng và kích thích tố cho cây trồng; theo TS Phan Quốc Kinh để nghiên cứu về cây bạch tật lê, cây độc diệp và nhiều loại cây dược liệu khác…

Đi theo các nhà khoa học lớn, tôi học được ở họ rất nhiều điều, đặc biệt là tính hiệu quả trong nghiên cứu khoa học. Với họ, kết quả nghiên cứu khoa học phải được nhân dân công nhận và phải được áp dụng vào sản xuất.

Tư tưởng ấy đến nay đã được Đảng và Chính phủ hết sức ủng hộ. Vấn đề là, nhà khoa học làm sao để doanh nghiệp thấy được hiệu quả của công trình nghiên cứu mà họ có thể ứng dụng ngay vào sản xuất. Tính hiệu quả phải rất rõ!

Các doanh nghiệp thời nay đã khác xưa. Họ rất nhạy cảm với khoa học kỹ thuật. Họ biết chắc chắn khoa học kỹ thuật là đòn "seo" để nâng năng suất, nâng hiệu quả công việc mà họ đang thực hiện. Vì vậy, nhà khoa học cũng phải nghĩ tới việc chủ động giới thiệu và quảng bá cho các nghiên cứu của mình với xã hội.

GS.TS Võ Đại Hải cho biết, trong việc hợp tác công – tư, vì cây lâm nghiệp là cây dài ngày nên hầu như không có doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nghiên cứu. Có lẽ, đó là tình hình chung. Nhưng có một ngoại lệ mà chúng tôi đang được thụ hưởng. Đó là việc nghiên cứu về cây mắc ca.

Sản phẩm mắc ca cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Minh Hậu.

Sản phẩm mắc ca cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Minh Hậu.

Cây mắc ca được GS Hoàng Hòe và cố Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn quan tâm tới ngay từ 1992. Họ đã đưa cây mắc ca từ nước ngoài về và giao cho một số đơn vị của ngành lâm nghiệp nghiên cứu. Nhưng có lẽ do kinh phí hạn hẹp và hiểu biết về cây mắc ca còn ít nên kết quả nghiên cứu không được như mong muốn. Nó gần như bị quên lãng!

Rất may, có một doanh nghiệp lại bén duyên với loài cây này. Đó là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Nói đúng ra, đó là do các vị lãnh đạo của ngân hàng này thấy được vấn đề và dám đầu tư để nghiên cứu đưa nó thành một loại cây trồng mới cho Việt Nam. Chúng ta phải nhắc tới ông Dương Công Minh và ông Nguyễn Đức Hưởng là các cựu chủ tịch và tổng giám đốc của ngân hàng này đã trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu về cây mắc ca.

Trước hết, họ tập hợp các nhà khoa học để làm sáng tỏ giá trị của cây mắc ca và triển vọng phát triển nó ở Việt Nam. Sau đó, họ bỏ tiền để cử nhiều đoàn đi tham quan các cơ sở đã trồng mắc ca trên khắp thế giới.

Tiếp theo, họ quyết định xin Chính phủ cho thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Tất cả các vùng có điều kiện trồng được mắc ca đều được thành lập các chi hội mắc ca. Công việc được tiến hành từng bước vững chắc. Mọi chi phí ban đầu đều do ngân hàng gánh chịu.

Từ chỗ là một cây xa lạ, thậm chí bị nhiều người phản đối (trong đó có cả các nhà khoa học) nhưng dần dần, mắc ca càng ngày càng được khẳng định đó là một loại cây lâm nghiệp đa tác dụng đầy triển vọng. Chính đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) còn mong muốn Việt Nam sẽ là nước đứng đầu về trồng mắc ca!

Cây mắc ca đang được trồng tại nhiều vùng Tây Nguyên. Ảnh: Minh Hậu.

Cây mắc ca đang được trồng tại nhiều vùng Tây Nguyên. Ảnh: Minh Hậu.

Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã gắn kết với Tổng cục Lâm nghiệp để điều tra và khoanh vùng những nơi có thể phát triển cây mắc ca. Hiệp hội cũng dự kiến thành lập “Viện nghiên cứu mắc ca”, Hiệp hội đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc và một số tỉnh ở miền Trung về việc phát triển cây mắc ca…

Rõ ràng, khi các nội dung khoa học phù hợp thì các doanh nghiệp có thể kết hợp với các nhà khoa học để triển khai từ nghiên cứu sản xuất. Họ sẵn sàng bỏ kinh phí để các nhà khoa học hợp tác nghiên cứu. Khâu cuối cùng là thu hái, bảo quản, chế biến và tiêu thụ họ sẽ đảm nhận. Chắc chắn nhà khoa học sẽ có phần trong việc chia lợi nhuận.

Riêng trong mảng cây lâm nghiệp, theo chúng tôi, còn rất nhiều đối tượng cần sự hợp tác giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp. Ví dụ như cây trám, cây sấu, cây dổi lấy hạt, cây dẻ hạt lớn, cây đàng hương v.v… đều mong có sự quan tâm của cả 2 phía. Nếu chúng ta giải quyết hài hòa giữa nhà khoa học và doanh nghiệp thì sự nghiệp khoa học có thêm động lực để phát triển.

Hy vọng, các đề xuất của GS.TS Võ Đại Hải sẽ được Nhà nước và các doanh nghiệp quan tâm. Các nhà khoa học sẽ có đủ điều kiện để phát huy năng lực, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển của đất nước.

Về bài báo "Khát vọng của nhà khoa học là vấn đề cần phải suy nghĩ"

Tôi tâm đắc với nhận định của GS Nguyễn Văn Tuất: "Những năm qua, các nhà khoa học cứ than đói khổ tôi thấy cũng không hẳn. Thực tế thì những nhà khoa học có trình độ, có tâm huyết thực sự, chịu khó, lăn lộn với công việc họ vẫn đang sống tốt với năng lực, với kết quả nghiên cứu, thành quả lao động khoa học của mình... Vấn đề là anh có chịu khó lăn lộn, có làm một cách nghiêm túc với công việc, có chịu tích lũy kinh nghiệm, có chịu tư duy, mày mò để sáng tạo, phát triển không mà thôi".

Tôi cho rằng:

1. Nếu đầu tư vào làm khoa học thực sự (với sự hỗ trợ của nhà nước như hiện nay), thì những người làm khoa học hoàn toàn có thể có thu nhập cao.

2. Cách quản lý đề tài, dự án còn cứng nhắc như phải đợi lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch đấu thầu (mất 2 - 3 tháng, sau khi đề tài phê duyệt), không cho phép thay đổi những nội dung nhỏ trong quá trình thực hiện đề tài, hay thu hồi sản phẩm hình thành từ đề tài, dự án...

Nên thay đổi bằng việc nhà nước tăng cường hậu kiểm đánh giá đề tài (2, 3, 5 năm sau, kế từ khi kết thúc đề tài). Cho phép các nhà khoa học được hưởng thành quả từ đề tài (không đặt vấn đề thu hồi sản phẩm, không đặt vấn đề nhà nước phải sở hữu công nghệ...) thì chắc chắn cả nhà nước, nhà khoa học đều có lợi, sẽ lại có nhiều nhà khoa học có những công trình nổi tiếng đóng góp cho đất nước.

(PGS.TS Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu Rau quả)

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Phấn đấu đạt tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng trên 70%

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Từ 25/11, các địa phương trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giám sát dịch bệnh thông qua việc lấy mẫu để kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đợt 2/2024.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.