Thông qua chỉ dẫn của Chi cục PTNT Hưng Yên, chúng tôi đã đến thăm Công ty chế biến Nông sản VinAgri của anh Trần Minh Đức ở xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Được biết anh Đức mới thành lập VinAgri năm 2021, tạo được sản phẩm “long nhãn ôm sen” chuẩn OCOP 4 sao, được cấp chứng chỉ An toàn thực phẩm Quốc tế (HACCP).
Vào thăm khắp nhà xưởng chế biến, hiện ra trước mắt chúng tôi là một VinaAgri với máy điện chiên, sấy chân không, người lao động được làm việc trong nhà lạnh khép kín, thực hiện quy trình vệ sinh chế biến rất nghiêm ngặt. Công nhân lao động phải mang đầy đủ bảo hộ lao động, phải sát khuẩn bằng cồn 70 độ trước khi ra, vào nhà xưởng...
Nói về việc ra đời sản phẩm “long nhãn ôm sen”, anh Đức tiết lộ, trong một lần cùng bạn gái (vợ hiện nay) ghé ăn đặc sản chè sen long nhãn Phố Hiến (Hưng Yên), anh thấy rất thơm ngon nhưng khó vận chuyển đi xa, không bảo quản được dài ngày. Anh Đức liền nảy sinh ý định chế biến long nhãn ôm sen khô, nhưng mãi gần 20 năm sau anh mới thực hiện được ý tưởng này.
Anh Đức kể, nếu không xảy ra đại dịch Covid-19, ý tưởng “long nhãn ôm sen” sẽ vẫn chỉ nằm trong ý định. Theo đó, sau thực hiện giãn cách xã hội năm 2020, cả làng quê anh phải bỏ cho nhãn chín rụng trên cây, vì bán không có người mua, trong đó gia đình anh có gần 1ha. Nhìn cảnh tượng đó, anh Đức vô cùng xót xa, chợt nhớ lại ý tưởng xưa - chế biến long nhãn ôm sen.
Do anh Đức đang làm trưởng phòng nhân sự cho một doanh nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội, mức thu nhập khá cao, rất yêu nghề và cũng không muốn rời nơi anh từng gắn bó hơn 10 năm. Nhưng mỗi lần nghĩ tới cảnh cả cánh đồng nhãn chín rục trên cây, gọi cho không có người hái, anh Đức lại không thể cầm lòng! Cuối cùng, sau nhiều ngày day dứt suy tư, anh Đức quyết định xin nghỉ việc công ty, về chế biến nông sản, nhằm tìm lối ra cho cây nhãn quê nhà.
Sau khi nhận đủ số tiền trợ cấp một lần từ doanh nghiệp, cùng số vốn tích cóp được bấy lâu, anh Đức liền cải tạo nhà xưởng, mua dây chuyền chế biến long nhãn, nhưng tới khâu tách vỏ lấy cùi nhãn và hạt sen tươi thì phải tạm dừng, vì không thể mua được máy cho chế biến tự động, hỏi cả các chuyên gia Nhật Bản, Thái Lan cũng không có phương pháp chế biến long nhãn bằng máy, bởi làm máy sẽ hỏng hết quả nhãn, anh Đức buộc phải thuê lao động tiến hành thủ công trong công đoạn này.
Có máy sấy rồi, anh Đức còn phải sản xuất thử nhiều lần, phải bỏ đi hàng tấn nguyên liệu, mới xác định định được thời gian và nhiệt độ sấy thích hợp, để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Kết quả, ngay trong năm 2022, mới chỉ sản xuất thăm dò thị trường, anh Đức đã tiêu thụ được hơn 600kg “long nhãn ôm sen”, doanh thu ngót 400 triệu đồng, giá trị tăng cao gấp 3-5 lần so với bán riêng rẽ long nhãn hoặc hạt sen trần.
Kế hoạch năm 2023 này, anh Đức tiếp tục mua thêm máy, mở rộng nhà xưởng rộng gấp đôi (500m2), nâng tổng vốn đầu tư lên gần 2 tỷ đồng, xuất ra thị trường khoảng 10-15 tấn long nhãn ôm sen, tương đương 70-80 tấn nhãn quả và 20-30 tấn hạt sen tươi.
Để tiêu thụ tốt các sản phẩm làm ra, bên cạnh việc duy trì chất lượng ổn định, bao gói hợp thị hiếu người dùng, anh Đức còn quảng bá, bán hàng qua mạng, tích cực tham hội chợ thương mại quốc gia và các tỉnh, thành trên toàn quốc, và chủ yếu hướng tới phân khúc thị trường khách mua làm quà biếu, tặng.
Hiện tại, trong nước mới chỉ có VinAgri sản xuất “long nhãn ôm sen”, nhưng anh Đức sẵn sàng chia sẻ bí quyết chế biến, chấp nhận sự cạnh tranh, chỉ mong ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất mặt hàng tương tự, giúp mở rộng đầu ra, nâng cao giá trị quả nhãn cho các nhà nông nói chung, nông dân Hưng Yên nói riêng.
Theo anh Đức, để sản phẩm đạt chất lượng cao, nên chọn những quả nhãn to đều và loại hạt sen Bắc. Chú ý, hạt sen tươi sau tách vỏ phải lột bỏ lớp lụa ngoài hạt để không còn vị chát (có rút tâm sen hay không tuỳ theo đơn hàng), sau đó đưa vào chiên chân không tới chín. Với quả nhãn tươi cũng bóc vỏ, rút hạt, tách lấy nguyên cùi, đưa vào sấy chân không tới khi thành long nhãn màu cánh gián. Cuối cùng, lấy hạt sen vừa chiên chín luồn vào long nhãn sấy khô sao cho vừa vặn, rồi bao gói, đóng hộp, dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất bán cho người tiêu dùng.
Ông Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hưng Yên nhận xét: “Long nhãn ôm sen” của anh Đức là sản phẩm OCOP 4 sao mới, được người tiêu dùng chấp nhận, tạo được việc làm và thu nhập thường xuyên cho 30 lao động nông nhàn tại chỗ. Đặc biệt cơ sở còn giúp nâng cao giá trị cho trái nhãn trồng trên địa bàn. Đề nghị các cấp chính quyền và ngành chuyên môn luôn khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các mô hình chế biến sâu nông sản nói chung, chế biến nhãn quả nói riêng.
“Năm 2022 vừa qua, Hưng Yên đánh giá, công nhận được 59 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP trong tỉnh lên 199. Trong đó có 157 sản phẩm OCOP 3 sao, 42 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm 163 sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm, 10 sản phẩm đồ uống, 12 sản phẩm thảo dược, 14 sản phẩm thủ công mỹ nghệ và trang trí. Về chủ thể sản phẩm có 42 HTX, 12 doanh nghiệp/Cty, 5 tổ hợp tác và 16 cơ sở chế biến”, ông Lê Văn Thắng thông tin thêm.