Thách thức tin giả
Với xu hướng phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội, các nhà báo không còn là người phát hiện thông tin, vì thế họ cần trở thành những người kiểm chứng, thẩm định, phân tích và giải thích thông tin, đồng thời giúp công chúng tìm được những thông tin công chúng cần biết.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh, các nhà báo không thể kiểm soát hay quyết định công chúng nên biết thông tin gì. Đây là sự tái cấu trúc cơ bản mối quan hệ giữa công chúng và truyền thông.
Vấn nạn tin giả hoành hành trên mạng xã hội. |
“Trong khi truyền thông xã hội đang tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông, nó cũng mang đến nhiều hậu quả tiêu cực. Sự lan truyền nhanh chóng của tin giả - một phần do xu hướng ưu tiên những thông tin mang tính “câu view” của các nền tảng mạng xã hội, đang trở thành một vấn nạn với những tác động ghê gớm, tạo ra những cuộc tranh luận trong công chúng”, ông Minh nhấn mạnh.
Lòng tin của công chúng đối với các cơ quan báo chí và truyền thông nói chung đang suy giảm ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Báo cáo chỉ số lòng tin Edelman năm 2018 và 2019 cho biết, 73% số người được hỏi trên toàn cầu lo ngại về việc tin giả hoặc những thông tin sai sự thật bị lợi dụng như một thứ vũ khí; 59% số người được hỏi nói rằng ngày càng khó xác định liệu thông tin có phải do một cơ quan báo chí có uy tín đưa ra hay không.
Tin giả tiếp tục là mối quan ngại lớn đối với các nhà báo trên khắp thế giới. Việc phát tán tin giả, mà đôi khi chính những cơ quan báo chí chính thống cũng góp phần, khiến công chúng không thể phân định được sự thật, góp phần làm suy giảm lòng tin vào báo chí nói chung.
Với 61 triệu người dùng Facebook, chiếm 63,5% trong tổng dân số 96 triệu người, đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ dân số dùng mạng xã hội này, Việt Nam không nằm ngoài cơn bão tin giả.
“Điều đáng quan ngại là các newsfeed trên Facebook, các kênh YouTube hay công cụ tìm kiếm Google chứa đựng đầy tin giả, trong khi người dùng “ngây thơ” đến mức thích (like), chia sẻ (share) chúng và thậm chí báo chí chính thống cũng đăng tải những tin giả này”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Khi truyền thông xã hội ngày càng phổ biến, tin giả cũng lan nhanh như cháy rừng. Tin giả có thể là những thông tin tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” như các bài học về tình mẫu tử, các bí quyết sống khỏe cho tới những quảng cáo xuyên tạc, sử dụng những ảnh hoặc video giả mạo người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm, các tài liệu giả nhằm bôi nhọ cá nhân hoặc tổ chức, đặc biệt là những doanh nghiệp hoặc chính quyền.
Mỗi ngày, có hàng nghìn trang mạng đang mọc lên “như nấm sau mưa” để cung cấp các tin giả và giật gân cho các độc giả đang khát thông tin.
Ngăn chặn tin giả - nhiệm vụ của báo chí
Cho rằng sự phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội mang lại nhiều thay đổi tích cực, song cũng có một số tác động tiêu cực, bà Nurini Kassim, Giám đốc điều hành hãng thông tấn Bernama của Malaysia, khẳng định xu hướng “báo chí công dân” (citizen journalism) đang ngày càng phát triển, mang lại cho công chúng nhiều thông tin thiếu tính xác thực và gây tranh cãi.
Các thông tin sai lệch có thể lan truyền trên mạng, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội. Sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm này đe dọa việc đưa tin theo chuẩn mực đạo đức của báo chí chính thống và truyền thông truyền thống.
Trước thực trạng tin giả đang lan tràn, gây ra những tác động tiêu cực cho xã hội, Giám đốc điều hành hãng thông tấn WAM (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), ông Mohamed Alrayssi cho rằng, các hãng thông tấn cần thực hiện hai chiến lược để đối phó với tin giả. Đó là đưa tin nhanh, chính xác thông qua các ấn phẩm báo chí và mạng xã hội. Cùng với đó là tăng tính nhận diện thương hiệu.
Theo ông Karel Petrak, Giám đốc phụ trách sản phẩm của Sourcefabric, hãng dịch vụ cung cấp công cụ nguồn mở cho các hãng thông tấn lớn nhất ở châu Âu, nếu khách hàng của Sourcefabric, các hãng thông tấn muốn sử dụng một hệ thống đối phó nạn tin giả, Sourcefabric có thể xây dựng phần mềm “phát hiện tin giả” bằng cách tích hợp các công cụ có sẵn khác với phương thức hoạt động đơn giản giống như một công cụ soát lỗi chính tả dành cho nhà báo.
Tổng Biên tập Hãng tin Australia Associated Press (AAP), ông Tony Gilles chia sẻ quan điểm trong môi trường có quá nhiều luồng thông tin gây “nhiễu,” các nguồn thông tin đáng tin cậy như phương tiện truyền thông truyền thống và các hãng thông tấn đóng vai trò rất quan trọng.
Đối với AAP, bên cạnh tiếp tục thông tin nhanh chóng về các sự kiện, AAP thành lập hệ thống kiểm định tin tức trên website APP, Apple News, Facebook và Google News.
Với hệ thống này, AAP có khả năng kiểm tra lại những tuyên bố của các nhân vật công chúng là đúng hay sai; từ đó giúp AAP tăng cường niềm tin của khách hàng và củng cố thêm thương hiệu AAP.
Điều nguy hiểm hơn là tin giả xuất hiện trên báo chí chính thống, vốn được nhiều người tin tưởng. Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh dẫn chứng về vụ tin giả “ầm ĩ” nhất trên truyền thông chính thống: Vụ bê bối nước mắm nhiễm chất độc arsen đã khiến 50 cơ quan báo chí Việt Nam bị phạt.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) đã đứng sau một nghiên cứu cáo buộc rằng 67% sản phẩm nước mắm được sản xuất theo cách thức truyền thống chứa hàm lượng arsen vượt mức quy định. Tin này được đăng trên nhiều tờ báo in, báo điện tử và cả trên các kênh truyền hình, đã khiến người tiêu dùng lo sợ và tẩy chay sản phẩm đã được sử dụng qua nhiều thế hệ. |
Chia sẻ quan điểm đối với nạn tin giả, bà Nur Cahya Aryani, Trưởng phòng Tin Quốc tế, hãng thông tấn ANTARA (Indonesia) cho rằng, một trong những điểm mạnh của để chống nạn tin giả là uy tín. “Để đáp ứng nhu cầu công chúng đối với thông tin chính thống, ANTARA đã thành lập một ban xử lý tin tức giả gọi là “Ban kiểm chứng sự thật.” Ban này gồm khoảng 10 phóng viên và biên tập viên. Nhiệm vụ chính của đơn vị này là xác minh tin tức giả mạo lan truyền trong công chúng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Ban này có một mục riêng trong hệ thống thông tin trên trang web của ANTARA, đó là mục Anti-Hoax (mục thông tin chống tin giả mạo). Bà Nur Cahya Aryani cho biết tin tức giả mạo gồm những thông tin sai lệch về chính sách của chính phủ, về mối nguy hiểm trước mắt như sóng thần hoặc động đất.. |