| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới sáng tạo lâm nghiệp: Gắn khoa học công nghệ với tín hiệu thị trường

Thứ Hai 16/05/2022 , 18:01 (GMT+7)

Đánh giá cao dư địa của lĩnh vực lâm nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu các đơn vị vừa nâng cao chất lượng sản xuất, vừa tăng cường lắng nghe thị trường.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Bảo Thắng.

Tăng cường đổi mới sáng tạo

Ngày 16/5, Đại học Lâm nghiệp phối hợp các đơn vị tổ chức Hội thảo Định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lâm nghiệp giai đoạn 2022 - 2030.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, nhu cầu về đồ gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ ngày càng cao. Điều này thể hiện qua giá trị xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2021 đạt 15,87 tỷ USD, xuất siêu trên 13 tỷ USD. Con số này được dự báo tiếp đà tăng trong năm nay.

"Sức tăng trưởng này thể hiện rõ, dư địa cho ngành gỗ rất lớn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tiến dần đến việc chủ động nguyên liệu chế biến, nâng cao hơn nữa chất lượng gỗ từ rừng trồng", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Theo Thứ trưởng, ngành lâm nghiệp đang nhận sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương. Hiện hệ thống văn bản chính sách, quy phạm pháp luật cho ngành lâm nghiệp khá toàn diện. Bên cạnh đó, ngành đang triển khai nhiều đề án quan trọng như chế biến lâm sản, trồng 1 tỷ cây xanh, trồng rừng ven biển...

Ngành lâm nghiệp chủ trương duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42%, nhưng quỹ đất phát triển cho ngành hiện không còn nhiều. Do đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định: "Đây là thời điểm thích hợp để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo" để tạo động lực cho ngành lâm nghiệp nói riêng, và cả hệ thống kinh tế - xã hội nói chung.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo (bên trái) trao đổi với Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp Trần Văn Chứ về các giống cây lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo (bên trái) trao đổi với Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp Trần Văn Chứ về các giống cây lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Khoa học công nghệ không những giải quyết được vấn đề quỹ đất mà còn giúp ngành lâm nghiệp tranh thủ được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, theo Thứ trưởng. Nhờ vốn kinh nghiệm quý báu từ các quốc gia như Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức..., Việt Nam đã hòa nhịp với cuộc cách mạng chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn thu từ rừng như bán tín chỉ các bon, phí chi trả dịch vụ môi trường rừng...

Khác với những lĩnh vực khác của nông nghiệp, lâm nghiệp cần thời gian dài để kiểm nghiệm kết quả. Ví dụ như cây keo, một loài cây lâm nghiệp mọc nhanh, cũng cần từ 5 - 7 năm mới cho thu hoạch, lâu gấp chục lần so với việc trồng lúa, hoa màu, và cũng gấp đôi so với trồng cây ăn quả.

"Không thể một lúc mà chúng ta có thể thay cây bản địa bằng rừng gỗ lớn, dù hiệu quả kinh tế vượt trội. Rất nhiều vấn đề liên quan như giống, thâm canh vùng nguyên liệu, công tác chế biến, tổ chức sản xuất. Vì thế, tất cả đều cần tổ chức một cách bài bản, căn cơ, kể cả phương thức kết nối với doanh nghiệp", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh. 

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ bên cạnh các mục tiêu kinh tế, ngành lâm nghiệp còn chú trọng nhiệm vụ phát triển rừng. Cụ thể: Trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng các loài cây bản địa, quý hiếm bình quân 4.000 - 6.000 ha/năm; phục hồi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trung bình 15.000 ha/năm; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 500.000ha vào năm 2025.

Để hoàn thành những mục tiêu này, ông Bảo nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện ngành lâm nghiệp tăng cường năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp. Tiến tới đến năm 2030, 100% chủ rừng là tổ chức có đủ năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng dựa trên khoa học công nghệ.

Ban chủ tọa Hội thảo ngày 16/5 tại Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Ban chủ tọa Hội thảo ngày 16/5 tại Đại học Lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Tập trung vào khâu giống

Tại Hội thảo, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp cho biết, nhà trường đã xây dựng định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022 - 2030 trên 6 lĩnh vực, gồm: Lâm nghiệp và Phát triển bền vững; Công nghiệp chế biến; Môi trường và Biến đổi khí hậu; Nông nghiệp và Công nghệ sinh học; Kinh tế, chính sách; Công nghệ cao, chuyển đổi số.

"Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao về kiến thức và thực tiễn đáp ứng yêu cầu của ngành lâm nghiệp và phát triển nông thôn", GS.TS Trần Văn Chứ nói.

Bên cạnh các hoạt động chọn tạo, phát triển giống cây lâm nghiệp, nhà trường sẽ đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - đào tạo - sản xuất.

Mục tiêu của Đại học Lâm nghiệp là tăng số lượng đề tài, dự án, công trình, dịch vụ khoa học công nghệ thêm ít nhất 10%/năm, đóng góp tích cực cho công tác đào tạo và bổ sung nguồn thu cho tiến trình tự chủ của nhà trường. Đến năm 2025, trường phấn đấu đạt tỷ lệ ứng dụng các nhiệm vụ khoa học công nghệ vào thực tiễn trên 90%.

Lễ ký kết hợp tác giữa Đại học Lâm nghiệp với các đơn vị liên quan về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ảnh: Bảo Thắng.

Lễ ký kết hợp tác giữa Đại học Lâm nghiệp với các đơn vị liên quan về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ảnh: Bảo Thắng.

Lắng nghe ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đồng tình quan điểm, rằng ứng dụng khoa học công nghệ sâu rộng cần đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, quy trình tổ chức sản xuất cần lắng nghe theo tín hiệu thị trường.

"Không thể phủ nhận vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển lâm nghiệp thời gian qua, khi chúng ta đã cơ bản hình thành những rừng trồng gỗ lớn, vùng nguyên liệu tập trung. Bên cạnh đó, là rất nhiều dây chuyền chế biến gỗ, đồ nội thất hoành tráng tại các tỉnh như Bình Dương, Bình Định", Thứ trưởng bày tỏ. 

Định hướng cho khoa học công nghệ, Thứ trưởng tin rằng ứng dụng khoa học công nghệ trước mắt nên tập trung vào khâu giống. Ông lý giải, đây là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng của cây trồng. Đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp, với đối tượng là cây dài ngày, khả năng tác động vào điều kiện hoàn cảnh bằng các biện pháp kỹ thuật như bón phân, tưới nước hạn chế, giống càng có vai trò quan trọng.

Thông qua kết quả các nghiên cứu thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã công nhận 229 giống, trong đó: 95 giống của 6 loài keo; 85 giống của 5 loài bạch đàn; 33 giống của 4 loài tràm; 4 giống thông Caribeae; 10 giống yhanh thất, chiêu liêu; và 2 giống phi lao. Riêng giai đoạn 2010 - 2021, Bộ NN-PTNT đã công nhận tổng cộng 102 giống mới.

Sản xuất lâm nghiệp thông qua ứng dụng khoa học công nghệ được Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) chú trọng. Phó Tổng Giám đốc Vũ Văn Hường thông tin, công ty đã xây dựng vườn ươm từ thập niên 1990 để sản xuất cây hom chất lượng cao, sau đó chuyển dịch dần sang sản xuất cây mô. Hiện Vinafor lên kế hoạch khởi công trung tâm nuôi cấy mô tại Hòa Bình vào cuối năm 2022, với công suất dự kiến 23 triệu cây/năm.

Vinafor hiện có 11 đơn vị thành viên tham gia sản xuất, cung ứng cây giống chất lượng cao, mỗi năm cung cấp trên 20 triệu cây mô và trên 10 triệu cây hom; cung cấp cho thị trường hơn 20 dòng vô tính bạch đàn, keo lai, keo lá tràm với chất lượng di truyền được cải thiện qua từng năm.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.