| Hotline: 0983.970.780

Đối phó biến đổi khí hậu: Cần cụ thể mục tiêu, giải pháp

Thứ Năm 09/10/2014 , 09:39 (GMT+7)

Theo báo cáo giám sát của Đoàn giám sát QH về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đối phó biến đổi khí hậu (BĐKH) thì Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn nhất của BĐKH. 

+ 45% diện tích ĐBSCL nhiễm mặn vào 2030

+ Giai đoạn 2015 – 2020 cần 30 tỉ USD

Có thể thiệt hại tới 17 tỉ USD/năm

Trong 2 thập kỷ qua, ước tính mỗi năm Việt Nam đã thiệt hại khoảng 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên. Chẳng hạn như cơn bão Xangsane năm 2006 đã thiệt hại tới 1,2 tỉ USD ở 15 tỉnh khu vực miền Trung.

Mặc dù Công ước Khung của LHQ về BĐKH ra đời đã được 22 năm, Nghị định thư Kyoto có hiệu lực đã được 9 năm, nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế.

Mục tiêu giảm 5,2% so với mức phát thải năm 1990 trong giai đoạn 2008-2012 đã không đạt được mà lượng phát thải khí nhà kính (KNK) đã cao mức kỷ lục lên đến 31,6 tỉ tấn trong năm 2011, gấp gần 1,5 lần so với năm 1990, tăng 3,2% so với năm 2010.

Điều đó có nghĩa BĐKH trên phạm vi toàn cầu sẽ diễn ra mạnh hơn, bất thường hơn và khó dự báo hơn so với các kịch bản dự báo.

Việt Nam chưa phải là quốc gia phát thải lượng lớn KNK, nhưng lượng KNK của Việt Nam đang ngày càng tăng, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Từ năm 2000 đến năm 2010, lượng KNK trên đầu người của Việt Nam đã tăng 180% và tổng lượng khí thải nhà kính tăng 150%.

Nhiệt độ trung bình năm tăng 0,5oC; mực nước biển dâng cao hơn 0,2 m; thiên tai, bão, lũ gia tăng cường độ và tính cực đoan. Nhiều công trình chắn sóng, chắn cát, đê sông, đê biển dễ bị phá vỡ trước lũ lụt, thiên tai. Các hệ sinh thái tự nhiên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là miền Trung, Nam Trung bộ và ĐBSCL. Ngập triều tăng mạnh ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau và Vĩnh Long.

Hạn hán có xu hướng tăng nhưng với mức độ không đồng đều giữa các vùng. Nắng nóng có dấu hiệu gia tăng rõ rệt ở nhiều vùng trong cả nước. Diện tích đất bị hoang mạc hóa mở rộng, thậm chí có thể bị sa mạc hóa.

Riêng ĐBSCL, dự báo vào năm 2030, nếu không có giải pháp ứng phó quyết liệt thì khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại về nông nghiệp nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng, thiệt hại ước tính sẽ khoảng 17 tỷ USD.

Đầu tư không trúng cũng không xong

Để đối phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu với 61 dự án ưu tiên, tổng số vốn 17.893 tỉ đồng.

Trong thời gian qua, Chương trình MTQG đã triển khai các hoạt động cụ thể như: Xác định được xu thế, diễn biến của một số yếu tố khí hậu; xây dựng, cập nhật và công bố kịch bản BĐKH, nước biển dâng; xây dựng mô hình số độ chính xác cao phục vụ nghiên cứu, rà soát và xây dựng các kế hoạch, quy hoạch phát triển KT-XH; đánh giá được các tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực, từng khu vực; đề xuất được các giải pháp ứng phó phù hợp và ban hành được kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho từng bộ, ngành, địa phương.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng các dự án đầu tư BĐKH còn dàn trải, vùng liên kết chưa rõ…, đầu tư nhiều mà không trúng thì cũng không giải quyết được vấn đề vì vậy cần có sự liên kết và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đối phó BĐKH.
Chiến lược phát triển KTXH, quy hoạch vùng miền phải gắn với yếu tố BĐKH. Xác định đối phó BĐKH là lâu dài nhưng vẫn phải đặt mục tiêu cho từng giai đoạn, có lộ trình và những bước đi phù hợp.

Việc đầu tư xây dựng mới các trạm đo mưa tự động cho khu vực ĐBSCL đã góp phần tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, lũ lụt gia tăng trong bối cảnh BĐKH.

Thông qua sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch, tỉnh Bến Tre đã triển khai 16 mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH như: nhà đa năng tránh bão lũ, kè, kênh mương thủy lợi kết hợp đường giao thông, khu tái định cư, cơ sở hạ tang, bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới, xử lý nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong điều kiện xâm nhập mặn gia tăng do triều cường, nước biển dâng tại các vùng ven biển.

Một số địa phương khác như Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau cũng đã được phân bổ nguồn lực để triển khai các công trình ưu tiên, cấp bách nhằm ứng phó với những tác động của BĐKH, trong đó tập trung vào các giải pháp phi công trình như trồng rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng cường hấp thụ KNK, bảo vệ hệ thống đê, kè ven biển tạo sinh kế cho người dân…

Chính phủ đang cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động của BĐKH, tuy nhiên, thực tế tại các địa phương, nhận thức của cán bộ và nhân dân về BĐKH vẫn chưa thực sự đầy đủ bởi vấn đề khá mới.

Việc lồng ghép vấn đề ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực KTXH vẫn là khâu yếu. Nhiều giải pháp chưa xác định rõ bước đi, cách làm, nguồn lực thực hiện. Tiên lượng của các nhà chuyên môn, từ nay đến năm 2020 cần tới 30 tỉ USD đầu tư đối phó BĐKH.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Kso Phước, nguồn lực đầu tư cho BĐKH là rất cần thiết nhưng cho đến nay giải pháp để đối phó vẫn còn chưa rõ nên hiệu quả đầu tư không cao.

Khẳng định BĐKH sẽ làm thay đổi môi trường sống, phá vỡ hệ sinh thái nhưng ông Phước băn khoăn vì chúng ta chưa biết sẽ phải chống chọi, thích ứng ra sao: “Khi nước biển dâng ngập một phần diện tích ĐBSCL thì VN có còn là quốc gia xuất khẩu lương thực nữa không? Chiến lược an ninh lương thực của VN như thế nào?”.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa 'vàng' chưa đủ hạ nhiệt

Bình Phước Cơn mưa đổ xuống một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước mới đây tuy không lâu, lượng mưa không cao, nhưng cũng phần nào giải nhiệt, và 'giải khát' cho cây trồng.