| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng Huổi Khon

Thứ Sáu 03/05/2024 , 10:12 (GMT+7)

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.

Từ một lần lầm lỡ

Không ngại những cơn gió Lào nóng rát đầu hè, Giàng A Sỳ, bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè dẫn tôi lên con dốc dựng đứng, chứng tích của vụ biểu tình Mường Nhé năm 2011, để tận mắt thấy sự thay da đổi thịt nơi đây.

Cảnh tượng tại bản Huổi Khon hồi tháng 4/2011.

Cảnh tượng tại bản Huổi Khon hồi tháng 4/2011.

Căn nhà cấp 4, xây bằng gạch, lợp mái tôn xi măng, phía ngoài treo ảnh Bác Hồ, được tỉnh Điện Biên trao tặng nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Chủ nhà, giống như nhiều hộ dân người Mông khác, đã nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước rời mảnh đất ven suối, từng chôn đầy xăng năm nào, để lên khu vực cao hơn sinh sống.

Theo dấu tay của A Sỳ, ngay ngã ba dẫn xuống 2 bản, trước là “trạm phát thanh” của đối tượng xấu và lố nhố lều tạm của hàng nghìn người Mông, nay mọc lên nhiều điểm trường với tiếng trẻ ê a đánh vần con chữ, tiếng đùa vui sau những tiết học. Trạm kiểm soát của Đồn biên phòng Nậm Kè đặt án ngữ ngay phía ngoài.

Tuyến đường lên bản đất trơn như bôi mỡ mỗi khi mưa về giờ được đầu tư rải cấp phối, giúp ô tô chạy thẳng vào trong. Nhà gỗ dọc 2 bên đường mọc lên ngày một nhiều. Những triền đồi trọc phía trên con đường dẫn vào bản trước kia nay trở thành những đồi chít vươn lên xanh tốt.

Đó là những thứ mà A Sỳ không thể tưởng tượng cách đây 13 năm. Anh bảo năm ấy, bản Huổi Khon, vốn chưa đầy 100 hộ dân và gần 600 nhân khẩu, bỗng chốc ken chặt người. Đồng bào Mông từ khắp nơi tại Tây Bắc, thậm chí là Tây Nguyên, nghe theo lời xúi giục về Huổi Khon, chờ "vua" giáng trần để đưa họ tới miền cực lạc, không làm lụng gì mà vẫn rượu thịt thoải mái quanh năm.

“Vua chẳng thấy đâu, chỉ thấy hàng nghìn người về đây đều lâm cảnh màn trời chiếu đất”, A Sỳ nhớ lại.

Giàng A Sỳ, hiện trú tại bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.

Giàng A Sỳ, hiện trú tại bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.

Chỉ biết cộng, trừ ở mức cơ bản, nhưng người đàn ông ngoại tứ tuần vẫn không thể nào quên cảnh bán hết trâu bò, lợn gà, nương rẫy bỏ hoang để chờ ngày gặp vua năm đó. May nhờ sự can thiệp kịp thời của chính quyền, bà con tỉnh ngộ và xây dựng lại cuộc sống, đến nay đã tương đối ổn định. Bản thân A Sỳ cũng được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, con cái đến lớp để biết cái chữ.

“Không biết chữ khổ lắm, dễ bị xúi giục”, A Sỳ thở dài.  

Là người trực tiếp tham gia xử lý điểm nóng năm 2011, trung tá Lý A Tung, hiện công tác tại Công an huyện Mường Nhé, chưa thể nào quên những ngày tháng nóng bỏng ấy. Anh kể, nhóm đối tượng xấu đã tính toán rất kỹ trước khi lựa chọn khu vực bản Huổi Khon làm nơi tụ tập, bởi vị trí xung yếu giáp với xã Pá Mỳ và Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ). Từ Huổi Khon có thể quan sát được khu vực trung tâm xã Nậm Kè và đồn biên phòng.

Năm 2006, A Tung là Trưởng Công an xã Nậm Kè. 3 năm sau, anh được điều động sang xã Pá Mỳ. Khi vụ việc nổ ra, anh được tăng cường, trực tiếp tham gia bắt giữ hơn 100 đối tượng có hành vi cản trở người thi hành công vụ, thu nhiều quả nổ tự chế, súng kíp, bao đựng thuốc nổ, đạn, súng AK, cung nỏ, dao kiếm.

Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Bùi Minh Hải (thứ 2 từ phải) trong lần về tiếp xúc với bà con tại bản Huổi Khon.

Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Bùi Minh Hải (thứ 2 từ phải) trong lần về tiếp xúc với bà con tại bản Huổi Khon.

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Mường Nhé còn 47,3%, giảm 7,47% so với năm 2022; kết nạp được 202 đảng viên, vượt 34,7% kế hoạch. Các vấn đề liên quan tới chủ quyền biên giới quốc gia tiếp tục được giữ vững; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bản cũ nay đã khoác lên mình màu áo mới, chia ra làm hai, với tổng số 114 hộ dân và hơn 700 nhân khẩu. Trưởng bản Thào A Da bảo, kể cả đi mỏi chân cũng không thấy những căn nhà ọp ẹp xưa cũ. Gần 100% số hộ đã được chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà ở từ tiêu chuẩn 3 cứng trở lên.

Ngoài ra, các chương trình như 30A, 134, 135 trước đây, hay hiện tại là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giúp người dân yên tâm cấy lúa, làm ngô, trồng chít.

“Chúng tôi không còn ai tin việc không làm mà vẫn có ăn”, A Da rít sâu hơi thuốc lào, từ từ nhả khói, rồi thủng thẳng cười nói.

Mang cái chữ lên bản

Sự việc đã qua hơn 10 năm. Nhờ sự quan tâm đặc biệt và hỗ trợ nhiều mặt của tỉnh và các cấp, các ngành, người dân bản Huổi Khon nói riêng, xã Nậm Kè nói chung hầu như đã “quên” chuyện không hay ngày ấy. Tuy nhiên, với cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé, bài học Huổi Khon mãi là lời nhắc không bao giờ phai mờ.

Trong đợt cao điểm dịch Covid-19, nhiều đối tượng theo các tà đạo như “Bà cô Dợ”, “Ân điển cứu rỗi”, “Đức chúa trời toàn năng”… đã lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc, gây hoang mang dư luận, làm một bộ phận người dân tộc Mông, Dao lo sợ, không tiêm vacxin phòng bệnh.  

Nắm rõ thực trạng nêu trên, với tinh thần không lơ là, chủ quan trong bất cứ hoàn cảnh nào, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Nhé đã chủ động nhận diện, đấu tranh các tà đạo đội lốt tôn giáo. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp chính quyền các cấp thành lập các tổ công tác về cơ sở tuyên truyền, vận động người dân không để các đối tượng xấu lợi dụng tôn giáo xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thống kê từ năm 2015 trở lại đây, huyện Mường Nhé có 4 tà đạo xâm nhập, với tổng số hơn 500 người ở nhiều xã tin theo. Hầu hết số người bị ảnh hưởng là anh em họ hàng, người trong gia đình, dòng họ, nên cơ quan chức năng khó tiếp cận.

Trung tá Lý A Tung, một trong những nhân chứng của sự kiện cách đây 13 năm.

Trung tá Lý A Tung, một trong những nhân chứng của sự kiện cách đây 13 năm.

Bí thư Huyện ủy Bùi Minh Hải cho biết, không còn cách nào khác, các “cánh quân” phải kiên trì về từng gia đình, thậm chí lên nương, rẫy phụ giúp người dân gieo hạt, thu hoạch lúa, ngô. “Phải làm cho bà con tin tưởng mới có thể dần dần thuyết phục họ đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự”, ông chia sẻ.

Hai vấn đề được ông đặt ra, đó là phát triển nông nghiệp, giúp người dân “no cái bụng” và nâng cao dân trí để bà con “biết thế nào là tốt xấu”. Từng là Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên, Bí thư Hải khẳng định, Thường vụ Huyện ủy đang nghiên cứu để ban hành các đề án chuyên ngành về nông nghiệp, sao cho việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tới bà con được thông suốt.

Trong lúc chờ đề án, những người gần dân, sát dân nhất như Trưởng bản Thào A Da vẫn đau đáu với khát vọng về “cái chữ”. Anh bảo, biết chữ rồi thì đồng bào sẽ tự khắc hiểu là đang bị xúi giục, dụ dỗ. Chẳng thể mà hồi năm 2021, A Da đã tình nguyện hiến thêm 200m2 đất để chính quyền xây dựng cơ sở mầm non điểm bản Huổi Khon 2 được khang trang hơn, có công trình phụ, sân chơi cho các cháu.

“Đời mình đã khổ lắm rồi, không muốn để thế hệ tương lai dễ dàng bị kẻ xấu mua chuộc nữa”, anh cười nói.

Với phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), cán bộ chính quyền huyện Mường Nhé kiên trì tuyên truyền, thuyết phục người dân, từng bước biến Huổi Khon từ vùng đất dữ thành một miền quê đáng sống.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất