| Hotline: 0983.970.780

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Thứ Ba 30/04/2024 , 09:20 (GMT+7)

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

TS Lê Anh Tuấn, cố vấn cao cấp Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), chia sẻ tại Tọa đàm 'ĐBSCL cần giải pháp chủ động sống chung lâu dài với hạn mặn' do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: Kim Anh.

TS Lê Anh Tuấn, cố vấn cao cấp Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), chia sẻ tại Tọa đàm “ĐBSCL cần giải pháp chủ động sống chung lâu dài với hạn mặn” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: Kim Anh.

Theo chu trình 4 năm lặp lại một lần, mùa khô năm 2023 – 2024, các địa phương ven biển ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do hạn hán, xâm nhập mặn.

Chia sẻ tại Tọa đàm “ĐBSCL cần giải pháp chủ động sống chung lâu dài với hạn mặn” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện mới đây, TS Lê Anh Tuấn, cố vấn cao cấp Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) đánh giá, diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023 – 2024, tương đương với hai đợt hạn mặn lịch sử giai đoạn 2015 – 2016 và 2019 – 2020.

Ngoài những tác động liên quan đến sản xuất nông nghiệp, sinh kế của người dân, hạn mặn đang gây khó khăn lớn trong việc cấp nước sinh hoạt. Trước tình hình đó, một số địa phương phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn.

Đặc biệt, thiệt hại về cơ sở hạ tầng được chuyên gia đánh giá cao hơn nhiều so với các năm trước. Nhất là tình trạng sụt lún tại các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang…

Theo đánh giá sơ bộ của TS Lê Anh Tuấn, hiện nay tại một số điểm quan trắc, độ mặn tiến sâu vào đất liền và cao hơn so với năm 2016.

Hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài những ngày qua, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số địa phương ven biển vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài những ngày qua, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số địa phương ven biển vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Thực tế tại vùng chuyên canh cây ăn trái huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, trước đây không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong mùa khô, hay tại TP Sóc Trăng có hồ nước ngọt quanh năm, nước mặn cũng không đến được. Tuy nhiên cả hai khu vực này, hiện đã bị xâm nhập mặn tấn công.

Bên cạnh đó, một số hoạt động khai thác nước ngầm quá mức đã làm cho mực nước ngầm hạ thấp, gia tăng khả năng nước mặn xâm nhập vào tầng nước ngầm.

“Chúng ta phải hiểu rằng, nước ngầm là nguồn nước ngọt dự trữ khi nước mưa không có, nước mặt bị nhiễm mặn và ngày càng khan hiếm, lúc đó mới khai thác nước ngầm. Hiện nay, một số quan trắc cho thấy, tầng nước ngầm ở độ sâu từ 150 – 500m bắt đầu có dấu hiệu bị nhiễm mặn, đây là vấn đề rất đáng báo động, đe dọa đến cuộc sống và sinh kế của người dân”, TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Hồ chứa nước ngọt, một trong những giải pháp trữ nước đang được các địa phương vùng ĐBSCL triển khai xây dựng. Ảnh: Kim Anh.

Hồ chứa nước ngọt, một trong những giải pháp trữ nước đang được các địa phương vùng ĐBSCL triển khai xây dựng. Ảnh: Kim Anh.

Đưa ra giải pháp lâu dài sống chung với hạn mặn, TS Lê Anh Tuấn đánh giá, từ những đợt hạn mặn trước, đến nay bà con nông dân đã có những bài học kinh nghiệm để ứng phó.

Điển hình, tại nhiều vùng sản xuất khu vực ven biển, bà con nông dân xuống giống vụ đông xuân khá sớm theo khuyến cáo của ngành chức năng và chuyên gia. Do đó, đến cuối tháng 2/2024 hầu hết diện tích canh tác lúa đã hoàn thành việc thu hoạch, tránh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Trong dài hạn, giải pháp khuyến khích người dân trữ nước là cần thiết. Thậm chí, những tháng mùa khô có thể khuyến cáo nông dân ở những khu vực không đảm bảo nguồn nước dừng sản xuất để giảm thiệt hại.

Đối với giải pháp về thủy lợi, TS Lê Anh Tuấn cho rằng, cần thực hiện những công trình nhỏ ở quy mô cộng đồng, làng xã trước. Sau khi đánh giá được hiệu quả sẽ tính đến việc đầu tư các công trình lớn hơn.

Nhờ chủ động xuống giống sớm, thu hoạch trước thời điểm xâm nhập mặn diễn ra, diện tích lúa đông xuân của các địa phương vùng ĐBSCL tránh được thiệt hại. Ảnh: Kim Anh.

Nhờ chủ động xuống giống sớm, thu hoạch trước thời điểm xâm nhập mặn diễn ra, diện tích lúa đông xuân của các địa phương vùng ĐBSCL tránh được thiệt hại. Ảnh: Kim Anh.

Song song đó, công tác kiểm soát, ngăn chặn các giếng khoan bất hợp pháp cần siết chặt. Những giếng khoan hết hạn khai thác, bị hư hỏng, nhiễm mặn phải lấp lại cẩn thận, đồng thời hạn chế cấp giấy phép khai thác nước ngầm.

“Nước ngầm tồn tại ở vùng ven biển mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm mới tích tụ được. Nếu con người cứ khai thác tài nguyên đó, đến một lúc sẽ bị cạn kiệt. Nước ngọt dưới tầng ngầm sẽ thành nước mặn, không thể sử dụng được”, TS Lê Anh Tuấn cho biết.

Do đó, về lâu dài, các địa phương ven biển phải bổ cấp nhân tạo cho nước ngầm, đưa nước ngọt trong mùa mưa xuống nước ngầm. Với giải pháp này, đòi hỏi chi phí khá lớn và cẩn trọng khi triển khai, bởi nguồn nước đưa xuống nước ngầm phải là nước sạch để tránh ô nhiễm dưới tầng đất.

Đối với ngành cấp nước, theo quan điểm của TS Lê Anh Tuấn, nên phát triển những công trình dẫn nước từ tỉnh An Giang, Đồng Tháp Mười đưa xuống vùng mặn. Đồng thời, bơm nước thô đi qua hệ thống đường ống dẫn nước đưa xuống các nhà máy cấp nước, để xử lý thành nước sạch cung cấp cho người dân, góp phần hạn chế khai thác nước ngầm.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...