| Hotline: 0983.970.780

Đối phó rét đậm, rét hại kéo dài cho cây trồng, vật nuôi

Chủ Nhật 10/01/2021 , 13:39 (GMT+7)

Miền Bắc đang đối mặt với đợt rét đậm, rét hại khốc liệt, cần đặc biệt lưu ý các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ít nhất từ nay đến 19/1, các khu vực Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều xảy ra tình trạng rét đậm, có nơi rét hại. Bên cạnh đó, một số nơi còn có thể xảy ra mưa nhỏ và sương mù.

Cụ thể trong các ngày 10-11/1, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế trời tiếp tục rét hại với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ, vùng núi 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.

Trước đó, theo thông báo của Bộ NN-PTNT về lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2020-2021, khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ gồm ba đợt, tổng cộng 18 ngày.

Cụ thể, đợt 1, từ 0 giờ ngày 12/1 đến 24 giờ ngày 15/1 (bốn ngày); đợt hai, từ 0 giờ ngày 26/1 đến 24 giờ ngày 2/2 (tám ngày); đợt ba, từ 0 giờ ngày 22/2 đến 24 giờ ngày 27/2.

Chống rét cho mạ

Nhằm chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại có thể xẩy ra trong thời gian gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có hướng dẫn các địa phương các phương án sản xuất.

Đối với mạ đã gieo, phải che phủ kín bằng nilon trắng cho 100 % diện tích khi nhiệt độ dưới 15 độ C. Ảnh: Lê Bền

Đối với mạ đã gieo, phải che phủ kín bằng nilon trắng cho 100 % diện tích khi nhiệt độ dưới 15 độ C. Ảnh: Lê Bền

Cụ thể với cây lúa vụ đông xuân 2020-2021, khi xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 15 độ C, tuyệt đối không cấy. Đối với mạ đã gieo, phải che phủ kín bằng nilon trắng cho 100 % diện tích, bón bổ sung tro bếp trên mặt luống để giữ ấm cho mạ. Với mạ dược non, phải đảm bảo giữ đủ ẩm cho mạ, giữ nước xăm sắp mặt ruộng, mạ dược đã lên xanh tốt cần giữ nước ngập 1/3-1/2 cây mạ. Mạ sân cần tưới ẩm, tuyệt đối không để mạ bị khô hạn.

Khi nhiệt độ lên trên 15 độ C, cần kiểm tra lại các diện tích đã gieo cấy, nếu ảnh hưởng phải có phương án cấy dặm hoặc gieo lại. Nếu không bị ảnh hưởng thì chăm sóc kịp thời kết hợp bón phân kali, phân lân (không bón phân đạm), kết hợp duy trì mực nước trên ruộng hợp lý để lúa sinh trưởng thuận lợi, đẻ nhánh sớm, không để ruộng lúa bị hạn.

Với diện tích mạ đã gieo, khi nhiệt độ lên trên 15 độ C, có thể mở 2 đầu luống cho thoáng nhưng không được mở hoàn toàn, tránh sốc nhiệt. Bên cạnh đó, cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng... 

Đối với rau màu, trong thời gian rét đậm, rét hại, khi thời tiết dưới 15 độ C cần tập trung thu hoạch đối với các diện tích đã đến hoặc gần đến kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng và không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm, rét hại.

Bên cạnh đó, tưới đủ ẩm, bón thêm phân kali, phân lân kết hợp tủ gốc bằng mùn, rơm, rạ... để giữ ấm, giữ ẩm cho cây. Đối với nhóm rau ăn lá, nên che bằng nilon trắng. Ở những nơi có sương muối, băng giá, có thể dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng.

Không chăn thả gia súc khi dưới 12 độ C

Đối với vật nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã có chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng, chống đói, rét cho vật nuôi vụ đông xuân 2020-2021 các tỉnh phía Bắc.

Tuyệt đối không đưa trâu, bò đi chăn thả hoặc đi làm khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C. Ảnh: TL

Tuyệt đối không đưa trâu, bò đi chăn thả hoặc đi làm khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C. Ảnh: TL

Theo đó, các địa phương cần khẩn trương, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi tẩy ngoại, nội ký sinh trùng và tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y, đặc biệt là tiêm phòng vắc xin dịch bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và dịch tả cho trâu, bò. Chú ý bệnh mới viêm da nổi cục trên đàn gia súc ăn cỏ để có biện pháp phòng chống kịp thời.

Ngoài ra, phải củng cố, che chắn chuồng trại, thu dọn vệ sinh để giữ khô nền chuồng và sử dụng rơm, rạ làm đệm ủ ấm cho vật nuôi. Tuyệt đối không đưa trâu, bò đi chăn thả hoặc đi làm khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C.

Người chăn nuôi cũng cần dự trữ và cung cấp đủ thăn ăn thô xanh, thức ăn tinh cho vật nuôi, bổ sung muối, khoáng và vitamin khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số... để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.

4 đúng cho thủy sản

Nuôi trồng thủy sản cũng đang ảnh hưởng nặng nề do rét đậm, rét hại hiện nay. Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, với ao nuôi cá, đặc biệt các loại cá không chịu được rét như rô phi, chim trắng, chẽm (vược), mè, trê… ao nuôi cần phải dâng nước lên tối thiểu từ 2-3m.

Ngoài ra, nhanh chóng thả bèo tây kín 2/3 mặt nước về phía gốc gió và cố định ở đó. Dưới lớp bèo tây, nên đặt các bao rơm bó tròn, ống xi măng hoặc ống nhựa đường kính 110 mm để cá trú, không bị nấm.

“Đặc biệt, ở các ao nuôi cá giống, có giá trị cao hơn, tốt nhất dùng bạt phủ toàn bộ mặt ao. Trong thời tiết rét đậm, rét hại không được đánh lưới, quăng chài và không cho ăn, tránh nước bị nhiễm khuẩn”, ông Kim Văn Tiêu nhấn mạnh.

Với ao nuôi tôm, cần gia lưu ý phải kiểm tra lại bạt phủ, che thật kín, quạt nước liên tục, dâng nước lên cao tối thiểu 2m và dừng cho ăn.

Đối với các loại thủy sản nói chung, khi nhiệt độ lên trên 25 độ C, cần thay nước mới, bổ sung thức ăn theo 4 đúng: đúng lượng, đúng chất, đúng thời gian, đúng địa điểm. Ngoài ra cho ăn thêm vitamin C và men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho tôm cá...

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.