Vụ đông xuân rét đậm, rét hại kéo dài
Rét đậm, rét hại xảy ra ở vụ đông xuân hàng năm là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng lớn đến tổng đàn vật nuôi, đặc biệt là ở khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Nguyên nhân gia súc bị chết do bị đói, rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp kèm theo điều kiện về chuồng trại vệ sinh môi trường không tốt làm phát sinh dịch bệnh. Đối tượng gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu bò già yếu, bê nghé non; xảy ra ở các hộ gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện tốt về chuồng trại, dự trữ thức ăn.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cường độ của đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta vào đêm 29 và rạng sáng ngày 30/12 khá mạnh. Từ đêm 30/12, Bắc Bộ cũng như các tỉnh Bắc Trung Bộ bước vào một đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng và thời gian của đợt rét này sẽ kéo dài trong khoảng 3 - 4 ngày.
Sang tháng 1 là một trong những tháng chính Đông của miền Bắc, đây cũng là tháng có nền nhiệt trung bình thấp nhất trong năm. Theo dự báo, nền nhiệt trung bình trong tháng 1/2021 thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C, nhận định có khoảng 4 - 5 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, trong tháng 1 sẽ có nhiều ngày xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng.
Sản xuất chăn nuôi khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Duyên hải Bắc Trung Bộ là các địa phương chịu nhiều tác động của rét đậm, rét hại gây nên. Đây cũng là nơi tập trung đàn gia súc ăn cỏ lớn của cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, giá rét vụ đông xuân năm 2007 làm chết hơn 200.000 con trâu bò là một bài học kinh nghiệm cho chúng ta. 18 tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Duyên hải Bắc Trung Bộ sẽ là những tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất. 18 tỉnh này có cơ cấu đàn gia súc hơn 1,9 triệu con trâu và hơn 2 triệu con bò, tổng hơn 4 triệu con tương đương 47,6% tổng đàn đại gia súc của cả nước, chưa kể 40.000 con ngựa và 1,2 triệu con dê, cừu.
“Nếu không chủ động làm tốt công tác phòng chống rét thì hậu quả rất nặng nề”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức, trình độ trong công tác chống rét
Đề xuất những giải pháp để phòng chống đói, rét cho đàn chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi yêu cầu các địa phương cần theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời về tình hình diễn biến của thời tiết khí hậu, đặc biệt là những đợt rét đậm, rét hại để chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc kịp thời.
Ngoài ra cần thường xuyên kiểm tra, gia cố chuồng trại, tiến hành xây mới chuồng nuôi đảm bảo chống rét được cho gia súc cho gia súc trước mỗi vụ đông xuân hàng năm và sau mỗi đợt rét đậm, rét hại; chuẩn bị vật liệu che chắn chuồng trại cũng như giữ ấm cho gia súc bằng rơm rạ độn chuồng, nguồn nhiệt và áo bao.
Thực hiện tiêu độc khử trùng, phòng nguy cơ có thể bùng phát dịch. Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, tiêu độc khử trùng, dọn dẹp cống rãnh xung quanh chuồng nuôi, phòng nguy cơ có thể bùng phát dịch.
Sử dụng các chế phẩm vệ sinh phun xử lý mùi hôi chuồng trại, hỗ trợ phân hủy nhanh chất thải thành phân bón hữu cơ.
Bên cạnh đó các địa phương cũng cần thực hiện các biện pháp liên quan đến thức ăn chăn nuôi. Thu gom phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như: Rơm rạ, cây ngô, đậu, lạc khi thu hoạch; dự trữ, chế biến để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn thức ăn, phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại các địa phương (ủ chua, xử lý rơm, thân cây ngô già bằng urê...) làm thức ăn cho gia súc.
Chuyển diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc. Mở rộng diện tích trồng cỏ, ngô sinh khối, ngô vụ đông để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ và phổ biến nhanh các giống có năng suất cao, chịu hạn, chịu rét, chịu sương muối tốt để người chăn nuôi gieo trồng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, qua công tác kiểm tra theo dõi tại các địa phương, có thể thấy trình độ và nhận thức của người nông dân đã được nâng lên một bước: “Thứ nhất người dân đã biết chọn giống năng suất cao để phối. Thứ hai tỉ lệ thả rông đã không còn nhiều, người dân đã ý thức hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ đàn trâu, bò. Thứ ba diện tích trồng cỏ và giống cỏ mới mang lại năng suất cao hơn, vụ đông không còn thiếu hụt thức ăn xanh như trước nữa.
“Trong khẩu phần ăn, người dân đã kết hợp thức ăn tinh và thức ăn xanh với tỉ lệ nhất định. Ngoài ra người dân đã biết vận dụng những chế phẩm vi sinh vật để ủ thức ăn xanh như cỏ, rơm để làm thức ăn hỗn hợp, sử dụng những lúc giá rét, không thể chăn thả được. Cuối cùng, trong quy trình chăm sóc, chuồng trại đã được người chăn nuôi thiết kế kín đáo, ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.