Hiện nay cả nước có khoảng 40 doanh nghiệp dược sản xuất thuốc chữa hen từ nguyên liệu salbutamol. Khối lượng salbutamol nhập khẩu khoảng 3,5 tấn mỗi năm là phù hợp để tiêu thụ trong nước.
Nhưng theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng phòng 5 - Cục Cảnh sát Môi trường (C49), thời gian vừa qua có doanh nghiệp chưa có chức năng sản xuất vẫn được Cục Quản lý dược cấp phép nhập salbutamol với số lượng lên tới 20 tấn.
"Chúng tôi giật mình hỏi chủ doanh nghiệp là mua để làm gì? Họ bảo là chúng tôi cứ đăng ký thôi. Chắc chắn, nếu không quản lý chặt để kịp thời ngăn chặn thì khả năng các doanh nghiệp này nhập về để bán cho các đối tượng là có thể xảy ra", ông Thắng nhận định.
Được biết, giá hoạt chất salbutamol nhập khẩu chưa tới 2 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, khi đến tay người chăn nuôi, nó có thể lên tới 15 triệu đồng/kg. Vì thế, rất nhiều đối tượng đã bất chấp quy định của pháp luật để thực hiện hành vi mua bán chất cấm salbutamol. Thủ đoạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi rất đa dạng. Cơ sở sản xuất phối trộn trực tiếp vào thức ăn chăn nuôi hoặc bán kèm thức ăn chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định đến nay, C49 và Thanh tra Bộ NN-PTNT đã kiểm soát được các doanh nghiệp nhập khẩu chất cấm salbutamol và các đối tượng vi phạm pháp luật về kinh doanh, sử dụng chất cấm.
“Hiện trong tay chúng tôi đang nắm thông tin của ít nhất 20 - 30 đối tượng. Sau đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành làm việc với các công ty để xem nguồn hàng đó được tuồn đi đâu... Đến ngày 1/7/2016, khi Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực thì một số đối tượng có để được xem xét để đưa ra khởi tố”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, khi làm việc với một số công ty dược, họ chất vấn lại rằng tại sao người bị hen sử dụng salbutamol không bị ung thư mà khi trộn vào thức ăn chăn nuôi lại gây nguy hiểm cho sức khỏe con người? Vì vậy, cần tuyên truyền mạnh về vấn đề này để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn.
Cơ quan Công an cũng đã kiến nghị lên Cục Quản lý dược, và họ đã có văn bản trả lời rằng họ đang dự thảo luật dược mới để trình Quốc hội, trong đó có đưa những hóa chất cấm của các bộ, ngành khác để thể hiện trong luật.
Người đại diện C49 cũng chia sẻ: “Đối với công tác đấu tranh chống chất cấm, có một số địa phương phản ánh rằng, nếu lực lượng công an cấp Bộ làm được mà lực lượng công an địa phương không làm được thì cần kỷ luật, cách chức đi.
Chúng ta không kỷ luật cách chức, thì cũng cần có văn bản thông báo cho UBND tỉnh và giám đốc công an các tỉnh để đồng chí giám đốc phê bình, nhắc nhở. Từ đó có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương nhịp nhàng”.
Còn vị Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN-PTNT) cho rằng, công tác thanh tra thời gian qua đã rất tích cực trong việc kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi.
Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ “nóng” với động vật trên cạn mà nóng với cả trong nuôi trồng thủy sản. Thực tế, hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện nay không chỉ sử dụng chất cấm, mà còn lạm dụng cả các chất được phép sử dụng một cách quá mức. Ví dụ như sử dụng kháng sinh nguyên liệu để trộn vào thức ăn để phòng bệnh (không phải để chữa bệnh). Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ NN-PTNT cần phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và các đơn vị liên quan ngoài ngành như C46, C29 và A87 (Bộ Công an) để ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang. Đây thực sự là vấn nạn trong suốt nhiều năm qua.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hành vi sử dụng chất cấm, thuốc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà còn cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Nếu không hành động ngay ngày hôm nay thì ngày mai không có thuốc chữa. Chúng ta có thể phát hiện hành vi thất đức trên tại các doanh nghiệp sản xuất, các cơ sở kinh doanh. Cái khó là phát hiện xem ai là người sử dụng. Trong những năm tiếp theo, việc kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm sẽ gặp nhiều khó khăn do Chương trình Mục tiêu quốc gia vệ sinh ATTP giai đoạn 2012 - 2015 đã kết thúc. Nếu muốn lấy mẫu kiểm định, các cục, tổng cục phải tự bỏ tiền ra để thực hiện. Mà việc này lại tiêu tốn rất nhiều tiền. |
ĐỒNG THÁI