Bài viết của ông Kevin Schulz trên tạp chí chuyên ngành National Hog Farmer của Mỹ. Dưới đây là toàn bộ nội dung bài báo.
Và một tia hy vọng đã đến vào cuối tháng 4 vừa qua, khi các nhà khoa học thuộc Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp (ARS), trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo: Một ứng cử viên vacxin tả lợn Châu Phi đã vượt qua một “bài kiểm tra an toàn quan trọng cần thiết”, trước khi nó có thể nhận được sự chấp thuận cuối cùng của cơ quan quản lý.
Thông cáo báo chí của ARS cho biết, loại vacxin này đã tiến gần hơn một bước đến khả năng thương mại hóa và thử nghiệm mới nhất là “một cột mốc quan trọng” trong một loạt các nghiên cứu về tính an toàn. Những kết quả mới này cho thấy, ứng cử viên vacxin của USDA không quay trở lại độc lực bình thường sau khi được tiêm vào lợn. Thử nghiệm “đảo độc lực” này là bắt buộc để đảm bảo rằng virus ASF đã làm suy yếu vacxin và không quay trở lại trạng thái ban đầu.
Cùng thời điểm, một ứng cử viên vacxin khác gần đây cũng đã được một công ty ở Việt Nam lựa chọn để phát triển thương mại trong nước. Theo đó, Công ty Cổ phần Thú y Quốc gia (NAVETCO) đã hợp tác với ARS về nghiên cứu và phát triển vacxin ASF từ năm 2020. Hiện quá trình phát triển vacxin vẫn đang tiếp tục sau khi ứng cử viên vacxin này nhận được sự chấp thuận theo quy định của Việt Nam.
Nhà khoa học cấp cao của ARS, Manuel Borca, nói: “Đây là một cột mốc quan trọng đối với hai ứng cử viên vacxin tả lợn Châu Phi. Những nghiên cứu về tính an toàn này đã đưa loại vacxin này tiến gần hơn một bước để có mặt trên thị trường”.
Các nghiên cứu về tính an toàn là cần thiết để được chấp thuận sử dụng tại Việt Nam và sau đó là các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng thương mại trong tương lai sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan thú y tại mỗi quốc gia.
Những nghiên cứu đầy hứa hẹn này sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho đàn lợn của Việt Nam, và sau đó cho toàn cầu nếu vacxin này được thương mại hóa trên thị trường và được áp dụng rộng rãi ở các nước sản xuất thịt lợn.
Thời gian qua chúng ta đã nói và viết rất nhiều về dịch tả lợn Châu Phi (ASF), cũng như cập nhật liên tục các đợt bùng phát dịch bệnh lây lan từ khắp các quốc gia trên thế giới, nhất là khu vực điểm nóng Trung Âu và châu Á hoặc bàn luận về những tác động kinh tế mà nó đã và đang gây ra đối với ngành công nghiệp thịt lợn của nước Mỹ và toàn bộ nền kinh tế nông nghiệp.
Tuy nhiên theo ông Kevin Schulz, nếu nói dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề đối với đàn lợn của Mỹ là chưa hoàn toàn khách quan. Lý do là một khi ASF tấn công đàn lợn Mỹ, thị trường quốc tế sẽ ngay lập tức đóng cửa, quay lưng đối với thịt lợn Mỹ.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Bang Iowa từng đưa ra hai kịch bản ASF tấn công đàn lợn quốc gia. Theo đó kịch bản thứ nhất là ngành chăn nuôi lợn Mỹ không thể thanh toán được dịch bệnh nguy hiểm này trong thời gian 10 năm, và một kịch bản thứ hai với giả định rằng, dịch bệnh ASF đang được kiểm soát trong vòng hai năm.
Theo cả hai kịch bản, nghiên cứu cho thấy giá lợn hơi của Mỹ sẽ giảm từ 40% đến 50%. Trong kịch bản hai năm, ngành công nghiệp thịt lợn sẽ phải đối mặt với một giai đoạn thua lỗ tài chính lớn, nhưng sau đó sẽ quay trở lại thị trường xuất khẩu trước khi bắt đầu cắt giảm quy mô đáng kể.
Ước tính khoản lỗ doanh thu của ngành thịt lợn Mỹ có thể lên tới 15 tỷ USD trong kịch bản hai năm và hơn 50 tỷ USD trong kịch bản nhiều năm. Ngoài ra tỷ lệ mất việc làm trên toàn quốc trong ngành chăn nuôi, giết mổ và chế biến tương đương con số 140.000 vị trí vào cuối kịch bản 10 năm.
“Nghiên cứu này được công bố vào năm 2020, có nghĩa là ASF đã nằm trong tầm ngắm của các vấn đề sức khỏe động vật của Mỹ nhưng vẫn còn ở khoảng cách an toàn so với châu Âu và châu Á. Tuy nhiên cho đến năm ngoái khi virus ASF làm chết lợn được phát hiện tại một số trang trại ở Cộng hòa Dominica và Haiti, thì vấn đề bệnh dịch đã được gióng lên, khiến ngành chăn nuôi không dám lơ là”, theo ông Kevin Schulz.
Cần nhấn mạnh rằng, virus ASF không lây truyền sang người và không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Các nhà chăn nuôi lợn Mỹ đã học được tầm quan trọng của các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt để ngăn chặn hầu hết các mầm bệnh và sự cảnh giác đó cũng đã đem đến hiệu quả chống lại ASF. Tuy nhiên các chuyên gia cũng đặt câu hỏi "Điều gì sẽ xảy ra khi những nỗ lực trên không đủ tốt, và các nhà sản xuất lợn hơi của Mỹ cần nhiều hơn giải pháp an toàn sinh học để giữ cho đàn của họ khỏe mạnh?".