Thứ Năm, 23/1/2025 3:46 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Giả danh Công ty Amavet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Thứ Ba 13/06/2023 , 14:45 (GMT+7)

Một số đối tượng tại Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Lâm Đồng tự giới thiệu là nhân viên Công ty Kinh doanh Thuốc thú y Amavet để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người dân.

Cửa hàng Nga Anh, một trong số các bị hại của vụ việc. Ảnh: BT.

Cửa hàng Nga Anh, một trong số các bị hại của vụ việc. Ảnh: BT.

Lợi dụng danh tiếng của Công ty thuốc thú y hàng đầu Việt Nam

“Nghe đến Công ty Amavet, tôi thấy quá uy tín rồi nên cứ thế làm. Không ngờ lại ra cơ sự này”, bà Huỳnh Thị Nghị, chủ Cửa hàng Thuốc thú y Thiện Nghĩa, xã Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi nói.

Theo lời bà Nghị, sáng 8/6, một đối tượng tự xưng là Dương Thanh Lâm, trú tại doanh trại quân đội huyện Ba Tơ cần gấp một lô cám trị giá 100 triệu đồng, giao ở đơn vị trước 17h ngày 9/6. Trong lúc chờ chuyển hàng, Lâm hỏi mua thêm 100 chai thuốc thú y Uniferon 200, chuyển theo xe cám vào và nhất định không mua loại thuốc bổ sung sắt của công ty khác.

Sau khi tìm không thấy loại thuốc này, bà Nghị phản hồi và được đối tượng Lâm giới thiệu cho một cửa hàng tại Quảng Nam. Chủ cửa hàng này giới thiệu là đại lý của Amavet. Do đường sá xa xôi, cộng thêm biết tiếng của Amavet, Công ty có gần 20 năm kinh doanh vacxin và thuốc thú y trên thị trường, với hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bà Nghị chốt đặt 100 chai thuốc Uniferon 200 và chuyển khoản 32.500.000 đồng.

Khoảng 2-3 tiếng sau, đối tượng Lâm đặt thêm 400 chai thuốc Uniferon 200. Lúc này, con gái bà Nghị nghi ngờ nên không đi chuyển tiền bất chấp Lâm gọi giục liên tục. Những ngày sau đó, số thuốc thú y từ Quảng Nam không thấy về, còn liên hệ với Lâm tđối tượng không bắt máy.

Bà Nghị là một trong 4 người đã viết tường trình và nhờ Công ty Amavet xác minh hành vi của nhóm đối tượng trên. Điểm chung của các đối tượng này, là lợi dụng danh tiếng của Amavet, hỏi mua một loại thuốc thú y hiếm trên thị trường (Uniferon 200), ép giao dịch trong thời gian ngắn. Chúng cùng tăng thêm uy tín cho bản thân bằng cách giới thiệu làm trong quân đội và  lựa chọn các cửa hàng cung cấp thức ăn chăn nuôi để lừa đảo.

Mẫu thuốc Uniferon 200 được các đối tượng lừa đảo hỏi mua các đại lý. Ảnh: BT.

Mẫu thuốc Uniferon 200 được các đối tượng lừa đảo hỏi mua các đại lý. Ảnh: BT.

Thủ đoạn tinh vi thao túng tâm lý

So với bà Nghị, tài sản mất mát của anh Phạm Thăng Long, chủ cửa hàng kinh doanh gạo - thức ăn chăn nuôi - thuốc thú y Nga Anh, xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, lớn hơn 10 lần.

Anh Long cho biết, chiều 4/6, một đối tượng giới thiệu làm trong doanh trại quân đội ở Đắk Lắk đặt 2 tấn cám, đồng thời gửi định vị doanh trại ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc và yêu cầu giao hàng trước 17h ngày 5/6.

Đến 14h hôm sau, đối tượng (tên Zalo là Văn Quang) đặt thêm 100 chai thuốc thú y Uniferon 200. Giống trường hợp tại Quảng Ngãi, tên này cho một số điện thoại và bảo đây là công ty phân phối thuốc mà nhân viên kĩ thuật trong doanh trại yêu cầu sau khi biết cửa hàng của anh Long không có thuốc.

Giới thiệu tên Bình, nhân viên kinh doanh của Công ty Amavet và có loại thuốc Uniferon 200, đối tượng này chốt đơn hàng và yêu cầu chuyển khoản 28.500.000 đồng.

“Tôi có tìm kiếm và xác nhận Amavet là công ty phân phối thuốc thú y lớn, có website rõ ràng, đúng mã số thuế trên danh thiếp, nên đã tin tưởng đối tượng Bình”, anh Long chia sẻ. Ngay cả khi thắc mắc, tại sao phải chuyển tiền trước khi nhận hàng, anh cũng đồng ý với giải thích là hệ thống bán hàng cần chuyển tiền trước mới xuất hàng.

Vừa chuyển tiền xong, Văn Quang lại gọi điện, đặt thêm 350 lọ nữa, với lý do mua đủ số lượng cho kho. Sau khi chốt giá 300.000 đồng/lọ, đối tượng này lại đòi xuất hóa đơn 450 lọ, với giá 335.000 đồng/lọ để chia hoa hồng. Tổng số tiền của giao dịch mới là 150.750.000 đồng.

Sau khi báo không đủ tiền, anh Long được đối tượng gửi ảnh chụp giao dịch chuyển khoản thành công vào tài khoản thụ hưởng của mình là 150.750.000 đồng. Không nhận được tiền nhưng tin tưởng Văn Quang, anh Long liên hệ lại với đối tượng Bình để đặt thêm 350 lọ. Lúc này, Bình hối chuyển tiền nhanh để xuất hóa đơn kịp giao hàng trong ngày. Kết quả, anh Long chuyển khoản thêm 2 lần nữa, lần lượt là 60.000.000 và 62.750.000 đồng. Đến đây, tổng cộng anh Long đã mất 151.250.000 đồng cho 450 lọ thuốc.

Tuy nhiên, khi gọi điện giục, Bình nói anh Long không ghi đúng nội dung cú pháp của 2 lần chuyển sau, nên yêu cầu chuyển lại 122.750.000 đồng mới xuất được hóa đơn và cho hàng đi. Do cận giờ giao hàng cho Văn Quang, anh Long làm theo lời. Ngay sau đó, Bình điện tiếp, bảo chuyển thêm 109.600.000 đồng nữa cho tiền thuế 10% và bảo hiểm 40%. Chuyển xong, hắn sẽ chuyển trả 231.450.000 đồng và cho hàng đi.

Tiếp tục tin theo đối tượng, anh Long chuyển thêm. Giao dịch hoàn thành, một người tự xưng là quản lý của Bình liên lạc, nói đang kiểm điểm Bình vì làm sai quy định. Người này nói từ giờ sẽ thay Bình đứng ra giải quyết đơn hàng của anh Long, đồng thời yêu cầu chuyển 32.500.000 đồng nữa để khớp hệ thống do nội dung chuyển tiền lần đầu sai.

Ít phút sau cuộc gọi này, anh Long nhận được hình ảnh chuyển khoản thành công 231.450.000 đồng vào tài khoản, dù tài khoản thông báo không có biến động số dư. Không chịu được cách làm việc trên, anh Long hủy đơn hàng và nói “sẵn sàng làm theo yêu cầu của công ty là ra ngoài Hà Nội để lấy lại toàn bộ số tiền đã chuyển”.

Đối tượng cuối cùng (xưng là quản lý), khi đó mới nói rằng, hàng đang giao, hẹn 18h tới nơi. Tuy nhiên, quá thời điểm trên, anh Long không nhận được. Các đối tượng đã liên hệ với anh đều không bắt máy và hủy, chặn kết bạn Zalo, cũng như thu hồi toàn bộ tin nhắn. Tính từ đầu, anh Long bị lừa đảo 383.600.000 đồng.

Các đối tượng lừa đạo yêu cầu bị hại chuyển hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng vào số tài khoản cá nhân, không phải tài khoản Công ty CP Kinh doanh Thuốc thú y Amavet. Ảnh: BT.

Các đối tượng lừa đạo yêu cầu bị hại chuyển hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng vào số tài khoản cá nhân, không phải tài khoản Công ty CP Kinh doanh Thuốc thú y Amavet. Ảnh: BT.

Cam kết đồng hành, chia sẻ với đại lý, khách hàng

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thuốc thú y Amavet, hiện tượng lừa đảo kể trên công ty đã nắm được dựa trên thông tin mà các bị hại cung cấp.

Đến nay, đã xác định 4 người bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, với tổng số tiền hơn 450 triệu đồng. Đây mới chỉ là nhóm chủ động tìm và liên hệ với Amavet. Con số trong thực tế có thể lớn hơn.

Ngay khi nhận phản ánh, Amavet đã lập tức rà soát hết tất cả những nhân viên đã và đang làm việc để xác minh. Trong các ngày từ 7-10/6, Amavet đã gửi công văn phản hồi tới toàn bộ 4 chủ cửa hàng và nêu rõ 4 điểm.

Thứ nhất, Công ty hoàn toàn không có nhân viên nào như các cửa hàng đã trình bày, kể cả nhân viên đang làm việc và đã nghỉ việc.

Thứ hai, trong quy trình bán sản phẩm, tất cả sản phẩm Amavet cung cấp cho khách hàng đều có hợp đồng, hóa đơn VAT, phiếu xuất kho, phiếu giao nhận hàng... Đặc biệt, khách hàng chỉ thanh toán tiền khi đã nhận đủ hàng hóa theo đơn và hợp đồng.

Thứ ba, sản phẩm kẻ gian giới thiệu không phải sản phẩm của Công ty Amavet đang phân phối.

Thứ tư, sau khi trao đổi với cơ quan chức năng và được tư vấn, Amavet khuyên làm đơn khai báo lên cơ quan công an cấp tỉnh để kết hợp truy bắt kẻ gian.

Cảm thông, chia sẻ với các gia đình bị hại, đồng thời cam kết hỗ trợ họ trong quá trình truy bắt kẻ lừa đảo, ông Bách cho biết: “Về lâu dài, nếu không ngăn chặn được việc này, Amavet sẽ bị ảnh hưởng về mặt uy tín và thương hiệu trên thị trường”.

Doanh nghiệp chiếm thị phần số một Việt Nam về vacxin lở mồm long móng, viêm da nổi cục đã gửi công văn trình báo đến các cơ quan chức năng và gửi thông báo đến toàn bộ hệ thống khách hàng của công ty. Mục đích, nhằm giúp khách hàng lường trước và không bị sập bẫy đối tượng lừa đảo.

Cùng với đó, Amavet cử nhân viên trực tiếp đến các khách hàng, trang trại và đại lý trên cả nước để thông tin cụ thể về sự việc. Theo Giám đốc Nguyễn Văn Bách, đến nay cơ bản khách hàng của công ty đã nắm được tình hình và hiểu được các thủ đoạn của đối tượng lừa đảo.

“Đối tượng lừa đảo không tập trung vào khách hàng của Amavet mà tiếp cận nhóm còn lại, đặc biệt là những người không kinh doanh thuốc thú y. Hy vọng với những thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác, tình trạng lừa đảo sẽ chấm dứt”, ông Bách phân tích.

"Quy trình bán hàng của Amavet được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, từ lúc lên đơn, đặt hàng đến giao hàng, thanh toán. Công ty cho biết, không bao giờ yêu cầu khách hàng trả tiền trước. Chỉ khi xác nhận đã nhận đủ đơn hàng, khách hàng mới chuyển tiền về tài khoản của Amavet. Mọi nhân viên không được phép thu tiền mặt mà đều phải thanh toán qua hệ thống của công ty. Nếu người nào tự xưng nhân viên Amavet và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, khách hàng nên lưu ý, kiểm tra, xác minh kỹ thông tin”, Giám đốc Nguyễn Văn Bách nhấn mạnh.

Xem thêm
Tiềm năng làm sạch đất trồng nhiễm Cadimi nhờ sức mạnh của thực vật

Một số loài cây có thể hút và lưu giữ kim loại nặng, gồm chì, Cadimi, asen… không chỉ giúp làm sạch đất ô nhiễm mà còn cho phép thu hồi các kim loại quý.

Những cánh đồng không virus ở xứ sở ngàn hoa

Nỗi ám ảnh về các loại bệnh do virus gây ra trên các vườn hoa, cây ăn trái đã được giải quyết, mang lại những mùa vụ thắng lợi cho nông dân.

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vừa cùng gửi văn bản nêu những vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.